Giờ thì người ta đưa Leonardo lên đoạn đầu đài. Người đã xây nên những mộng ước cho các interista và không chỉ các interista đã trở thành kẻ giơ đầu chịu báng cho một mùa giải thất bại.
Nhưng những người đã đi đến tận cùng giấc mơ của mình không thể coi là một kẻ thất bại.
Tội lỗi của Leo?
Leonardo đã đánh mất Inter, hay Inter đã mất anh, con người đã tạo nên những ấn tượng lớn lao, rằng chỉ cần với những ước vọng và khao khát làm nên những điều kì diệu, người ta có thể xoay chuyển cả thế giới? Chẳng ai đánh mất ai hết. Inter vẫn là Inter, là đội bóng mà ở Italia và trên thế giới, có hàng triệu người yêu mến. Leonardo vẫn cứ là Leonardo, người như Obama đã chinh phục các cử tri với khẩu hiệu “Yes, We can”, vẫn là anh chàng nói một thứ tiếng Ý điệu đà và kiểu cách, không làm bất cứ ai tổn thương vì ngôn từ và vẫn là một người đàn ông cao thượng, chưa khi nào lên gân lên cốt chỉ trích một ai đó hay trước những thời điểm hệ trọng của mùa bóng, lại làm cái trò trẻ con là dọa bỏ đi, như Mourinho đi đến đâu cũng làm. Leonardo không phải là một diễn viên tài ba và biến ánh đèn sân bóng thành ánh đèn sân khấu. Anh hiện ra dễ thương, giản dị và đầy chất mơ mộng, như chính thứ bóng đá một khi lên đến đỉnh cao của cảm xúc sẽ chinh phục tất cả.
Bóng đá vãn cần đến Leonardo |
Leo và Inter không có gì thay đổi, ngoại trừ việc thế giới không chấp nhận những kẻ thất bại. Leo không biến những hy vọng thành sự thực và giờ vẫn chỉ là một tay mơ. Inter không còn chiến thắng nữa, và những hoài niệm về một mùa bóng đỉnh cao với Mourinho trở thành nhức nhối. Leo từng mô tả bóng đá của mình là bóng đá của tình yêu và các kí giả Ý đã có lần mô tả anh với một nhà thơ. Chỉ là một nhà thơ thôi. Nhưng đôi khi, tỏ tình với một người con gái còn dễ hơn là duy trì tình yêu đó sau khi lấy cô ta làm vợ. Leo từng chinh phục Milan bằng thứ bóng đá tấn công mê say và biến những trận gặp Real Madrid thành những ngày hội. Anh cũng đưa Inter đến đỉnh cao bằng một loạt những chiến thắng nghẹt thở. Nhưng những giấc mơ cần cảm hứng như xe Vespa cần xăng. Cái đẹp không tồn tại vì tự thân nó đẹp. Inter thất bại vì nó không đủ năng lượng để chiến thắng nữa khi đã kiệt sức vì liên tục phải theo đuổi những giấc mơ Leo. Cuộc bám đuổi thần kì từ tháng Giêng đã lấy hết của họ sức lực sau ba tháng, và điều tồi tệ nhất, là cơn ác mộng ập đến đúng vào thời điểm quan trọng nhất của mùa giải. Chưa ai quên các tifosi đã chờ đợi Leo và Inter làm được những gì trong trận derby. Không ai không nhớ họ đã sống trên mây ra sao vào giây phút mà Pandev sút tung lưới Bayern lần thứ 3 ở Arena.
Ai đó đã nói rằng, tất cả những gì Leo đã làm là tạo nên ảo tưởng. Có lẽ tay HLV trẻ người Brazil không làm thế. Anh biết mình có thể làm được những gì. Nhưng anh và thứ bóng đá của anh là tạo ra quá nhiều hy vọng. Nhưng chẳng lẽ đấy lại là tội lỗi trong những năm tháng bóng đá điên cuồng vì thương mại hóa và truyền hình giết chết mọi nỗi đam mê khi đem đến quá nhiều bóng đá ở tận mỗi xó nhà?
Bóng đá vẫn cần anh
Mourinho bỏ đi sau đêm huyền ảo Madrid. Benitez bị đuổi đi. Leo được chào đón ở một đội bóng đã ở giai đoạn cuối của một chu kì. Họ đã đặt niềm tin vào anh, không phải như một HLV, mà như một người anh lớn, người có thể đánh thức trong họ không phải những gì thuộc về chuyên môn, mà là khao khát chiến thắng. Nhưng khi đội bóng rơi xuống hố sâu thất bại và Leo không tìm thấy liều aspirin để chữa bệnh cúm lúc thay đổi thời tiết, họ bỏ rơi anh. Vì thất vọng, vì họ nhận ra anh chỉ biết sống trong giấc mơ mà không biết cách vật lộn giữa đời thực và vì chính anh bỏ rơi họ (trong trận gặp Parma, Leo không triệu tập Motta và Maicon, đầy Sneijder lên ghế dự bị). Trước trận derby, một loạt cựu binh Milan chỉ trích Leo là kẻ phản bội và dối trá. Chắc chắn Leo buồn lắm.
Bóng đá của anh đem đến niềm vui tột đỉnh nhưng cũng nhanh chóng rơi xuống đáy thất vọng. Nhưng liệu anh có đáng phải chịu tất cả những điều đó? Lời khuyên nào cho các ngài chủ tịch sau 2 năm của Leo ở 2 nửa Milano? Đừng bao giờ để Leonardo nắm quyền từ đầu mùa. Berlusconi đã biết đến điều ấy. Ông có những giấc mơ mị dân về bóng đá đẹp và cần Leo để thể hiện điều ấy. Nhưng Leo đã thất bại và bị loại không thương tiếc. Sự thật đằng sau những giấc mơ của ông chủ lắm tiền ấy không phải là vì ông cần một người lãng mạn, mà cần một người biết khi nào phải lãng mạn và khi nào phải thực tế. Cũng đừng bao giờ để Leonardo nắm quyền ở giữa mùa giải nhằm cứu vãn một điều gì đó không thực sự đẹp đẽ như người ta đã từng mong đợi, bởi Leo và Inter đã chết giữa mùa xuân. Nếu có thể, hãy cho anh nắm quyền ở một đội bóng khi mùa giải chỉ còn 2 tháng nữa là kết thúc, để sự thăng hoa của anh có thể lên đến đỉnh ở vòng đấu cuối cùng, dù có thể không phải với một danh hiệu.
Nhưng vị chủ tịch nào có thể tin anh nữa? Leo đã lên đến đỉnh cao và rơi xuống vực sâu với 2 đội bóng mạnh nhất đất nước trong 2 năm, một xuất phát điểm quá cao để không bao giờ có thể làm tại từ phía thấp hơn nữa. Đội bóng nào ở Italia và ngoài Italia còn muốn có anh sau những gì đã xảy ra, một đội bóng hạng trung ư, liệu Leo có chấp nhận nếu anh còn muốn cầm quân? Có thể tin được nếu sau hè này không ai còn thấy Leonardo trên cương vị HLV của bất cứ đội nào nữa. Bóng đá hiện tại không cần những nhà thơ. Đại đa số công chúng cần những người chiến binh biết chiến thắng bằng mọi giá, kể cả phải dẫm đạp lên người khác. Chỉ có chiến thắng là đáng kể. Họ cần những Mourinho, một dạng Rambo của bóng đá, không cần những người tình, những dạng John Lennon “dreamer” kiểu Leo. Anh đã xây nên những giấc mơ nhưng anh cũng không phải là người đã đạp đổ những giấc mơ ấy. Anh không có lỗi với bất cứ ai. Anh chỉ không hợp thời, bị chính thứ bóng đá tình yêu của anh phản bội một cách tình cờ và trở thành nạn nhân của một thế giới luôn dựng lên những người hùng để mà giết.
Mùa bóng sắp kết thúc rồi, kết thúc một giấc mơ có tên Leo như ở calcio đã từng kết thúc giấc mơ bóng đá đẹp của Zeman gần 20 năm trước kia. Nhưng dù sao đi nữa, bóng đá, cũng như đời, vẫn cần những thi sĩ. Như Leo…
(Theo Thể Thao Văn Hoá)