Trận đấu ở Monumental có thể là lần cuối cùng Copa America diễn ra theo phiên bản cũ: Kể từ tháng Tám tới, những nỗ lực sáp nhập một giải đấu chung cho Bắc Mỹ và Nam Mỹ sẽ được tiến hành, vì lợi nhuận của các bên tham gia trên toàn châu lục này.
Copa America phiên bản mới có thể được tổ chức vào năm 2015, với 10 đội tuyển từ các quốc gia Nam Mỹ, và 6 đội khác được chọn lọc từ 40 ĐT ở khu vực CONCACAF, được tiến hành theo thể thức tương tự với EURO. Giải đấu mới này được sinh ra đồng nghĩa với việc Cúp Vàng CONCACAF, giải đấu có tác dụng phân loại thêm một suất dự Confederations Cup, sẽ bị khai tử. Điều này cũng sẽ giúp các đội tuyển của khu vực Bắc và Trung Mỹ bớt thời gian “rảnh rỗi” và được cọ xát nhiều hơn, với chiến dịch vòng loại được tổ chức theo kiểu dài hơi như EURO.
Sau giải đấu năm nay, Copa America sẽ được thay đổi?
Khó khăn lớn nhất là việc phân phối vé thi đấu, cũng như miếng bánh bản quyền truyền hình một cách công băng hơn, đóng góp vào sự hòa nhập chung của giải đấu mới, đặc biệt là ở khu vực Bắc Mỹ, nơi Mỹ và Mexico là hai thị trường khổng lồ và có khả năng thâu tóm hầu hết những lợi nhuận, nhưng Chủ tịch LĐBĐ Nam Mỹ, ông Nicolas Leoz đã tỏ ra rất quyết tâm khi đề cập đến dự án này: “Hơn một lần chúng ta đã thảo luận về chuyện này, vậy thì vì sao không để nó xảy ra?”. Alfredo Hawit, Chủ tịch lâm thời của LĐBĐ khu vực CONCACAF cũng đã tổ chức họp bàn với các quan chức từ nhiều LĐBĐ trong khu vực để lấy ý kiến, và trong khoảng tháng Tám hoặc tháng Chín tới đây, họ sẽ tổ chức thảo luận với các thành viên của LĐBĐ Nam Mỹ về vấn đề này.
Nếu dự án ấy thành công, đây có thế là lần thứ ba phiên bản của giải VĐ các quốc gia Nam Mỹ được thay đổi, từ việc chỉ diễn ra với quy mô nhỏ, với chừng 4-5 đội tham gia trước năm 1975 (diễn ra theo thể thức đá vòng tròn), cho đến việc mở rộng số lượng đội tham dự và đội tên giải thành Copa America sau năm 1975, rồi đi đến việc bỏ thể thức đá vòng tròn năm 1993. Cho đến bây giờ, thì việc sáp nhập lại thành một giải đấu đá theo thể thức không khác gì EURO lại được tính đến.
Những cải cách diễn ra đều gắn liền với thực tế thể hiện trên sân. Nếu như trước năm 1975, bóng đá bị kìm kẹp bởi chế độ độc tài ở Nam Mỹ và số lượng những người chơi bóng chuyên nghiệp bị hạn chế, thì sau đó, khi bóng đá mở rộng phạm vi ảnh hưởng của nó, và những trận đấu Nam Mỹ luôn tạo được nét gì đó thật riêng biệt, với sự ngẫu hứng, thì quy mô giải lớn dần lên, và đòi hỏi mức độ kịch tính cao hơn, để phục vụ cho bán vé và bản quyền truyền hình.
Hệ quả là các cầu thủ Nam Mỹ cũng được phát hiện nhiều hơn, để rồi khi truyền thông bùng nổ và bóng đá biến thành một ngành công nghiệp khổng lồ, họ trở thành một “dòng hàng hóa” đổ về châu Âu, trung tâm của bóng đá Thế giới.
Copa America năm nay thì dường như đã đạt đến giới hạn cuối cùng về sự “Âu hóa”, với các trận đấu mang tính kỷ luật và quá nặng về toan tính, nhưng điều nghịch lý là cách thức tổ chức thì vẫn bừa bộn, ngẫu hứng theo kiểu Nam Mỹ: Trận chung kết diễn ra trong một SVĐ không đủ tiêu chuẩn, các cầu thủ đánh nhau, CĐV không có đủ vé vào sân, một đội bóng chỉ cần gặp có… 3 đối thủ đã đi đến trận chung kết (Paraguay)v.v.
Bây giờ thì những nhà tổ chức Nam Mỹ đang cố cải biến theo người châu Âu, bậc thầy về óc tổ chức khoa học, nhưng sự cập kênh giữa một thứ bóng đá đánh mất quá nhiều chất đặc sắc của Nam Mỹ và tư duy còn bừa bộn của những nhà tổ chức Nam Mỹ, liệu có thể cho ra một sản phẩm tốt hơn, hay vẫn là chỉ là một sự mở rộng gượng ép và hình thức?
(Theo Thể Thao Văn Hoá)