Trận này, Sergio Conceicao sử dụng sơ đồ 4-3-3, trong đó, về cơ bản, những gương mặt chủ chốt dưới thời Paulo Fonseca vẫn được tin dùng. AC Milan đã thực sự gặp khó trong hiệp 1, trước lối chơi áp sát nhanh, phòng thủ phản công khó chịu tới từ Juventus, và hứng chịu bàn thua vào phút 21. Ở hiệp đấu này, các chân sút của Rossoneri chỉ tung ra vỏn vẹn 2 cú dứt điểm về phía khung thành đối phương.
Nhưng rồi, mọi thứ biến chuyển tích cực trong hiệp 2, khi AC Milan tổ chức lên bóng mượt mà hơn, dần tạo ra được những sức ép lớn, và rồi, trái ngọt cũng đã xuất hiện, với bàn thắng trên chấm penalty của Christian Pulisic ở phút 71, cùng “món quà” đến từ Federico Gatti (phản lưới) sau đó 4 phút.
Trừ tình huống phòng ngự lỏng lẻo, đặc biệt sai số tới từ vị trí của Theo Hernandez, tạo thời cơ để Kenan Yildiz ghi bàn cho Juventus, thì phòng tuyến này của AC Milan đã chơi khá ổn. Cặp trung vệ Malick Thiaw và Fikayo Tomori phối hợp tốt, gồng mình lăn xả, và khóa chặt được tiền đạo mũi nhọn Dusan Vlahovic của Bianconeri.
Ở khu vực giữa sân, Tijjani Reijnders vẫn thể hiện phong độ ổn định, tung ra 32/35 đường chuyền chính xác (tỉ lệ 91%), và thực hiện 2 đường chuyền quyết định. Trong khi đó, sau thời gian nghỉ dưỡng thương, Christian Pulisic đã có màn trở lại tích cực, tự tạo ra quả penalty và ghi bàn, cùng với nhiều pha đi bóng táo bạo.
Một yếu tố không thể bỏ qua, đó là tinh thần chiến đấu rất quả cảm của Rossoneri ở trận này. Dù rơi vào tình thế khó khăn, nhưng tập thể ấy không vụn vỡ và bị cuốn theo cách chơi của đối thủ, trái lại thể hiện sự nhẫn nại cùng quyết tâm cao độ.
Việc đánh bại một đối thủ khó nhằn, sở hữu thành tích bất bại tại Serie A như Juventus (nhưng lại hòa đến…11 trận sau 18 vòng) cũng là điều đáng được biểu dương của Sergio Conceicao, người mới chân ướt chân ráo đến ngồi vào ghế nóng mà nhà cầm quân đồng hương Paulo Fonseca để lại.
Tuy vậy, mới chỉ qua 1 trận đấu, chúng ta cũng chưa thể vội kết luận điều gì về cuộc hành trình của cựu danh thủ này tại AC Milan. Phía trước mặt Sergio Conceicao là một công trường ngổn ngang, và phần việc của ông là phải tinh chỉnh, sắp xếp lại mọi thứ sao cho hài hòa.
AC Milan dưới thời người tiền nhiệm Paulo Fonseca mang một bộ mặt thất thường, từng đánh bại được những tên tuổi lừng lẫy như Inter Milan hay Real Madrid, nhưng có thể dễ dàng sẩy chân trước những đội ngang tầm hay dưới cơ. Đưa đội bóng đi vào quỹ đạo ổn định là điều mà Sergio Conceicao cần làm cấp bách. Ngoài ra, việc dung hòa và kiểm soát những cầu thủ cá tính, đơn cử như Rafael Leao, là thứ mà huấn luyện viên 50 tuổi này không thể xem nhẹ.
Thời còn dẫn dắt Porto, Conceicao được đánh giá cao ở khả năng xây dựng nên tập thể giàu sức chiến đấu, gai góc, rắn rỏi, lỳ lợm, phát hiện và đưa ra ánh sáng nhiều tài năng trẻ. Ông giúp đội chủ sân Dragao 3 lần giành chức vô địch Primeira Liga, và vài lần tiến sâu tại UEFA Champions League. AC Milan, dù không còn ở vị thế đỉnh cao như ngày xưa, nhưng xét về mặt tầm vóc, họ vẫn nhỉnh hơn so với đại diện Bồ Đào Nha, và tất nhiên, thách thức dành cho Conceicao không hề nhỏ.
Thuở còn là cầu thủ, Sergio Conceicao từng có những năm tháng tung hoành lẫm liệt tại Serie A, nhất là giai đoạn khoác áo Lazio. Bây giờ, trên cabin huấn luyện, người đàn ông ngũ tuần kia liệu có dệt nên những chiến tích vàng son?