Thứ Ba, 24/12/2024Mới nhất
Zalo

Khoảnh khắc buồn nhất năm Kỷ Sửu: Khóc vì U23 Việt Nam!

Thứ Bảy 13/02/2010 07:09(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

1. Thật vậy, có lẽ sự kiện thể thao trong năm được chờ đợi nhiều nhất và được nhắc đến nhiều nhất chính là trận chung kết ở SEA Games 25 tại Lào. Cái khát khao lần đầu tiên có được chiếc huy chương Vàng SEA Games sau 50 năm bỗng gần hơn rất nhiều khi mà đội tuyển Việt Nam ở AFF Cup năm 2008 bỗng vượt mặt Thái Lan ở cả hai trận lượt đi và về. Người ta coi cơ hội tổ chức SEA Games ở Lào là một trong những điều thuận lợi để có thể chuyền lửa từ quê nhà sang. Đã có lúc Vientine ở đâu người ta cũng thấy sắc đỏ của cờ tổ quốc, ở đâu người ta cũng có thể nghe được tiếng Việt và ở đâu người ta cũng nghe bàn về bóng đá. Cái không khí hừng hực từ du khách ấy đến bạn Lào cũng thừa nhận, tết té nước của họ dẫu ngành du lịch quảng bá rất ghê gớm nhưng lượng khách không thể bì với những ngày diễn ra SEA Games. Còn những người quê mình, họ coi việc đi xem bóng đá ở Lào không chỉ thuần là đi du lịch mà đó còn là đi để cùng các cầu thủ tìm đến chiến thắng, ít nhất là chiến thắng ngay từ trên khán đài với sôi sục hai chữ Việt Nam.

Nỗi buồn của cầu thủ...


Ở Việt Nam, khi không có điều kiện đến tận sân xem các cầu thủ thi đấu thì sự hâm mộ và thể hiện hâm mộ cũng không giảm đi nếu không nói là đa dạng hơn. Cờ quạt, băng cổ động được bán đến tận từng góc phố, con hẻm. Người mua vui vẻ bỏ tiền để được “Tôi yêu Việt Nam”, người bán cũng hào hứng với việc mua may bán đắt. Người ta thấy sự tự hào dân tộc được đẩy lên cao ngất từ thành thị đến thôn quê, từ công chức đến các công nhân, thậm chí là cả các cô gái vốn chỉ thích chưng diện để lượn lờ ở các vũ trường. Thậm chí ở các sân bóng trước giờ người ta thường thấy người chơi giành nhau mặc áo M.U, Real Madrid hay Brazil, các cậu bé thường tự gọi mình là Ronaldo hay Rooney bỗng dưng tất thảy đều thua tuyển Olympic Việt Nam. Áo đội tuyển trở thành mốt, người ta mặc đến cả công sở chứ đừng nói là mặc đến sân bóng. Thanh Bình, Thành Lương hay Tấn Trường bỗng như Tôn Ngộ Không có phép phân thân có thể hoá ra hàng ngàn, hàng vạn trẻ em, tất nhiên để được gán ghép với những cái tên ấy không hề hơn giản tí nào, phải giành nhau đấy.


2. Nhưng ông bà ta nói không sai, hy vọng càng nhiều thì khi thất vọng lại càng đau. Khi mà người Mã đã loại được Thái Lan nhờ tận dụng thành công sai lầm của vị HLV kém cỏi, Steve Darby thì cũng là lúc cổ động viên Việt Nam mừng như lên đồng bởi lối chơi tưng bừng trước Singapore và tất nhiên niềm vui nhân đôi bởi người Mã đã từng bị chúng ta thắng trước đó với tỷ số cách biệt.

Hàng đoàn người đổ về Lào để chờ đợi phút giây lịch sử. Nhạc sỹ Dương Thụ cuối cùng đã không thể tránh khỏi “cám dỗ” đã quyết định dốc túi để theo cùng bạn bè lên chiếc chuyên cơ mà mọi người góp tiền lại thuê, sáng bay qua và tối bay về lại luôn. Nhìn lượng CĐV ào ào tiến về sân VĐQG Lào mà cảnh sát Lào phải huy động đông đảo lực lượng để bảo vệ. Người ta bàn đến cả phương án làm sao để Vientiane bình yên sau trận thắng hoành tráng của U23 Việt Nam.


Ở Sài Gòn, các sinh viên hùn tiền mua cờ, băng rôn cổ dộng để trữ hàng chờ đúng phút 90 là tung luôn đặng kiếm tiền học cho cả năm sau. Họ chỉ bán nhỏ giọt bởi niềm tin chiến thắng gần như là tuyệt đối và nó được cộng hưởng thêm từ sự phấn khích của hàng vạn con người từ điểm coi bóng đá, bán ti vi đến đường phố.

... và nỗi buồn của CĐV Việt Nam tại Vietiane, Lào


Hỡi ôi, một chút sai lầm của HLV Calisto bởi ông cuối cùng vẫn là người chứ chẳng phải là phù thuỷ như danh xưng. Một chút sai lầm của người hùng Tấn Trường bởi suy cho cùng anh cũng vẫn là người chứ chẳng phải “người nhện” như lời tung hô trước đó. Và cả những sai lầm rất người của Thành Lương, Hoàng Quảng hay Tiến Thành cộng lại đã biến trận đấu cuối cùng của Olympic Việt Nam thành một trận đấu tệ nhất SEA Games, trận đấu dở nhất và đáng thất vọng nhất với người hâm mộ.

Thay cho những nụ cười, thay cho những háo hức. Từng hàng nước mắt tuôn rơi. Những gương mặt thất thần và ngồi thừ lại trên sân vận động của Lào. Họ không tin vào những gì đã diễn ra dưới mắt mình là sự thật. Họ không tin Malaysia bỗng trở nên hay thế còn U23 Việt Nam bỗng trở nên chán thế. Sài Gòn – Hà Nội – Huế và cả tận thôn quê, từng đoàn người thẩn thờ lặng lẽ kéo nhau về nhà, cái gương mặt thất thần ấy quá tương phản với những môi son má phấn đã được trang điểm chỉ phù hợp để ăn mừng.

50 năm chờ đợi giờ được điền thêm 1 năm. Lâu lắm rồi người ta mới thấy nhiều người khóc đến vậy, bóng đá đã làm được điều mà không môn thể thao nào, không môn nghệ thuật nào có thể làm được. Nước mắt ấy chứng tỏ lòng tự hào dân tộc còn nguyên, sự yêu nước còn nguyên ở từng người dân. Những giọt nước mắt ấy khép lại năm 2009 và người ta kỳ vọng, năm 2010 với bản hợp đồng dài hơi hơn, với sự chú tâm của VFF những tấm lòng yêu nước kia sẽ được đền đáp bằng nụ cười.

Khóc vì bóng đá thì đáng yêu đấy nhưng cười vì bóng đá càng đáng yêu hơn. 

(Theo Thể Thao Văn Hoá)
 

Có thể bạn quan tâm

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Xem thêm
top-arrow
X