Những người Arab chưa đổ bộ lên đất Ý để thôn tính một CLB nào đó như đã làm ở Anh hay Tây Ban Nha, nhưng người Mỹ thì đã đến và chiếm lấy Roma. Còn những người Nga? Họ cũng đã có mặt, nhưng không đủ tiền để mơ đến những đội bóng đang đá ở Serie A.
Thế nên đừng ngạc nhiên khi bạn (cũng như tôi) đọc được mẩu tin này: “Phó chủ tịch Alexey Samokin tuyên bố, trong thời gian không lâu nữa, chủ tịch Yuri Korablin sẽ chính thức điều hành đội bóng”. Spasibo (cám ơn, tiếng Nga). Cái tin ấy nói về việc Korablin, ông chủ của một tập đoàn tài chính Nga vừa mua được đội bóng của thành phố nổi trên mặt nước Venezia, đội sau khi phá sản hiện đang chơi ở tận hạng Serie D (nghiệp dư). Korablin, từng là chủ của đội Khimki ở giải vô địch Nga, đã tuyên bố sẽ đưa Venezia lên Serie A trong thời gian sớm nhất. Dân Venezia, vốn đã quá quen với việc một gã điên nào đó mỗi năm thỉnh thoảng rỗi hôi đưa ra những “sáng kiến” nhằm cứu thành phố khỏi bị chìm xuống biển, phì cười, vì họ biết Korablin keo kiệt đến nỗi thậm chí còn suýt nữa không xì ra vài trăm nghìn euro để đăng kí cho đội dự giải vô địch nghiệp dư vừa rồi. Vậy mà tại calcio, những người giỏi “chém gió” như Korablin “hơi” nhiều (xem bài cột phải).
Phó chủ tịch Siena, Valentina Mezzaroma (người cầm áo), trong buổi giới thiệu áo thi đấu của Siena tại Serie A
Không nghi ngờ gì nữa, trong số tất cả các chức danh liên quan đến bóng đá, thì “chủ tịch” là chức danh duy nhất không cần bằng cấp. Để trở thành chủ tịch của Milan hay Roccacannuccia (đội bóng đá 7 người ở Lecce, miền nam Italia), chỉ cần bỏ ra nhiều tiền, có khả năng lãnh đạo, thậm chí có khả năng đấu võ mồm với các đồng nghiệp và báo chí. Các thống kê ở Italia trên số chủ tịch CLB ở 4 hạng chuyên nghiệp cho thấy cứ 10 chủ tịch thì 8 người chưa từng chơi bóng hoặc không biết gì về bóng đá trước khi làm chủ một đội nào đó. Khi thâu tóm Napoli, lúc đó vừa phá sản và tụt xuống Serie C, nhà làm phim Aurelio De Laurentiis thổ lộ rằng ông “chẳng hiểu gì về bóng đá cả”. Bây giờ, sau mấy năm “kinh nghiệm”, thậm chí ông còn nhảy vào can thiệp về chiến thuật với HLV Mazzarri. Chính De Laurentiis cũng bảo rằng, bóng đá là một thứ kinh doanh. Mỗi đội bóng là một doanh nghiệp, và cách làm bóng đá tốt nhất không phải là đội bóng ấy chiến thắng, mà là có lãi. Nhưng trên thực tế, tại sao đã biết làm bóng đá là tốn kém mà người ta vẫn cứ nhảy vào, nhất là ở các hạng dưới? Tại Serie A, ít ra người ta còn có thể sống bằng tiền bán bản quyền truyền hình. Nhưng từ hạng Lega Pro (hạng C) trở xuống, các CLB sống chủ yếu bằng tiền tài trợ. Thế nên, chỉ trong một vài năm, có ít nhất 80% các CLB đổi chủ. Điều “được” khi trở thành chủ tịch một CLB ở Ý là tiếng tăm (Một ví dụ điển hình: nếu Lotito không mua lại Lazio trên bờ vực phá sản, có lẽ chỉ có dăm trăm công nhân vệ sinh và từng ấy vệ sĩ biết đến ông là chủ của họ. Chẳng là, ở ngoài đời, Lotito sở hữu mấy công ti vệ sinh môi trường và cho thuê vệ sĩ ở Roma…)
Tất cả đều muốn trở sở hữu các CLB
Trở thành chủ tịch một đội bóng là cơ hội để nhiều người biết đến hơn cả, để dễ dàng tiếp cận giới chính trị, dễ dàng kiếm các hợp đồng béo bở, thậm chí dễ dàng kiếm phiếu trong các cuộc bầu cử ở địa phương. Thế nên, không có gì ngạc nhiên khi không chỉ có các nhà hóa dầu, các doanh nhân giàu có bậc nhất đất nước sở hữu các CLB ở các hạng. Cầm đầu các đội bóng còn có các ông chủ các hiệu tạp hóa, quán ăn, các xưởng cơ khí, thậm chí các nha sĩ, và những… tài xế xe tải đường dài. Sự quan tâm của họ cũng khác nhau. Trong khi anh em Della Valle, chủ sở hữu của tập đoàn Tod’s sản xuất các đồ giày dép cao cấp, đầu tư vào Fiorentina ở Serie A, thì Renzo Rosso, chủ thương hiệu quần áo nổi tiếng Diesel lại sở hữu đội Bassano ở hạng Lega Pro 2 (Serie C2 trước kia), trong khi ông vua của ngành may và kinh doanh sơ mi Italia, Brunello Cucinelli, vẫn ngây ngất ở tận hạng D với đội Castel Rigone. Mà quả đúng là nhiều tay nhà giàu Ý như Rosso hay Cucinelli thích thú cái cảm giác ngông cuồng, là nuôi dưỡng hy vọng lên Serie A từ những đội bóng…nghiệp dư. Ở những hạng đấu mà thế giới bóng đá văn minh hầu như không biết đến ấy, có những ông vua của nước Ý trên lĩnh vực thép (Pasini, đội Feralpi Salo), xi măng (Colaiacovo, đội Gubbio). Có những chủ tịch đã dành tặng chiến thắng của đội mình cho ông bạn là một trùm mafia đang lẩn trốn (đội Akragas ở Sicilia), nhưng cũng có những chủ tịch là linh mục chống mafia, như cha Antonio Manganiello, đứng đầu một đội bóng ở khu Scampia nhung nhúc camorra (mafia Napoli) ở ngoại ô Napoli.
Để kết thúc bài này, tôi xin khẳng định là trong thế giới các chủ tịch bóng đá ở Ý không chỉ có các “gã”. Tại Serie A, Rosella Sensi đã rời chức chủ tịch CLB Roma để đến làm việc tại Tòa thị chính Roma, phụ trách tổ chức sự kiện. Nhưng những bóng hồng không mất đi, khi ở Lecce, có Isabella Liguori, ở Milan có Barbara Berlusconi (chủ tịch tương lai của Milan). Nhưng trong khi Barbara vẫn còn đang “học việc” quản lí, thì nàng đã có một đối thủ hơn nàng 10 tuổi, cũng tóc vàng và xinh không kém nàng hiện đã là phó chủ tịch đội mới lên hạng Siena, Valentina Mezzaroma. Nàng nóng nảy, cương trực, có cái nhìn sắc lạnh và sexy như núi lửa. Serie A bây giờ cần cái chất “núi lửa” ấy của nàng, cũng như nụ cười mê hồn của Barbara…
(Theo Thể Thao Văn Hoá)