- ĐKVĐ Thế giới Tây Ban Nha đã thảm bại như thế nào?
- Hà Lan hủy diệt Tây Ban Nha: Con ngáo ộp lộ diện
- ĐT Tây Ban Nha: Thay đổi hay là chết
Kể từ khi thứ bóng đá tổng lực được cố HLV huyền thoại Rinus Michels trình làng ở CLB Ajax cũng như ĐT Hà Lan ở những năm đầu thập kỷ 70 của thế kỷ trước (đặc biệt là tại World Cup 1974), nó thực sự đã trở thành thương hiệu của người Hà Lan. Sơ đồ 4-3-3 cùng lý thuyết của bóng đá tổng lực dường như đã được đưa vào mọi cuốn sách dạy bóng đá của xứ sở hoa Tuylip, người ta coi đó là kim chỉ nam của thành công.
Đến mức gần như bất cứ HLV nào của bóng đá Hà Lan cũng theo đuổi thứ triết lí bóng đá giàu tính cống hiến ấy. Nó là phương án đầu tiên mà người Hà Lan nghĩ tới trong mọi tình huống. Ngay cả tại World Cup 2010, dù HLV van Marwijk đã chủ động khoác lên Hà Lan một bộ mặt thực dụng thì họ vẫn áp dụng sơ đồ 4-2-1-2-1 một biến tấu của 4-3-3. Còn ở cấp CLB thì sơ đồ phổ biến nhất của các đội bóng Hà Lan cũng là 4-3-3.
Các HLV Hà Lan dù ra nước ngoài cầm quân thì cũng vẫn ưu tiên sử dụng sơ đồ đặc trưng này, kể cả những tên tuổi lừng danh như Johan Cruyff, Guus Hiddink hay chính Louis van Gaal. Khi còn dẫn dắt Barcelona thì van Gaal cho CLB này đá 4-3-3, còn tại Bayern Munich nó được cách tân thành 4-2-1-2-1. Nói tóm lại hệ thống chiến thuật 4-3-3 cùng những mẫu cầu thủ đá cánh lừng danh như Cruyff, Marc Overmars hay Robben là một thứ đặc sản truyền thống của bóng đá Hà Lan.
Tuy nhiên, ở khía cạnh nào đó sự tôn thờ quá mức thứ vũ khí này cũng là một điểm yếu của đội tuyển Hà Lan. Họ thường mong manh dễ vỡ, do không có sự công bằng giữa công và thủ. Nhưng tại trận đấu với Tây Ban Nha, HLV van Gaal đã có một cuộc cách mạng hoàn toàn.
Ông mạnh dạn đoạn tuyệt với 4-3-3 cùng quan điểm tận hiến, để biến Hà Lan thành một đội bóng khó bị đánh bại hơn. van Gaal đã sử dụng tới 3 trung vệ với sơ đồ 3-5-2 để tăng cường sự chắc chắn cho hàng thủ. Đây là một quyết định rất sáng suốt, phù hợp với tình hình, khi ĐT Hà Lan đang ở thời điểm sa sút về nhân sự, cũng như bị tàn phá bởi chấn thương và chỉ là cửa dưới so với đối thủ. Ngay cả cách tiếp cận cầu môn của van Gaal cũng rất phi truyền thống. Ông không sử dụng những cầu thủ chạy cánh dâng cao (ngay Robben cũng đá bó vào trong, trong vai một tiền đạo bên cạnh van Persie) như thường lệ. Thay vào đó cơn lốc màu da cam có những miếng đánh trực diện hơn, những hậu vệ cánh chủ động treo bóng lên cho tuyến trên ngay từ lưng chừng sân.
Và cả 2 bàn thắng đầu tiên của Hà Lan đều đến theo một kịch bản giống hệt nhau. Hậu vệ trái Blind có những đường chuyền dài vào vòng cấm ngay từ khu vực giữa sân để cho van Persie rồi Robben lần lượt lập công. Đây chính là những khoảnh khắc tạo ra bước ngoặt của trận đấu, giúp Hà Lan lội ngược dòng và có được trận thắng 5-1 để đời. Tại Fonte Nova, cơn lốc màu da cam một lần nữa lại nổi lên, nhưng theo một cách khác hẳn. Nếu Hà Lan vẫn chơi thứ bóng đá truyền thống như vài chục năm qua thì rất có thể, họ lại bị Tây Ban Nha nghiền nát. Ở đây, van Gaal đã thành công rực rỡ với cuộc cách tân của mình.
Ngược lại, trong khi đó Tây Ban Nha đã sai lầm khi vẫn lựa chọn lối đá bóng ngắn sở trường của mình, bất chấp việc tiki-taka (dù trận này không phải TBN chơi thứ tiki-taka thuần túy) đã liên tục bộc lộ nhược điểm và bị đối thủ khắc chế. Cái cách Tây Ban Nha mà bị Hà Lan đánh bại cũng chẳng gì cách Barcelona rồi Bayern Munich bị đối phương khuất phục ở mùa giải này (tiếp cận trực diện, đơn giản ở tốc độ cao để khai thác lỗ hổng phòng ngự). Nhưng tiếc rằng Del Bosque đã không rút ra được những bài học cho mình, để rồi phải trả giá.
Người Tây Ban Nha thua đau một ván cờ, mà ở đó kẻ thực tế, thức thời van Gaal đã dạy cho cái đầu viển vông của Del Bosque một bài học đắt giá.
Theo Soha