Thứ Sáu, 26/04/2024Mới nhất
Zalo

Juve không thắng 5 trận liên tiếp: Nỗi thất vọng mang tên Juve

Thứ Tư 21/10/2009 14:03(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
Trong vòng 1 năm, khi Juve khủng hoảng, Ranieri và Ferrara cùng thay thế một tiền đạo bằng một hậu vệ cánh (De Ceglie) trong 2 trận đấu khó khăn ở Serie A. Một sự trùng lặp ngẫu nhiên hay là bằng chứng cho thấy một CLB vẫn đang loay hoay tìm cách xác lập lối chơi và cá tính, sau khi đã bỏ ra đến 50 triệu euro để đầu tư và đã thay đổi cả BHL lẫn BLĐ?


Tội nghiệp De Ceglie

Đấy là một trận đấu hết sức khó khăn với Napoli, trong thời điểm Juve khủng hoảng nghiêm trọng, với 2 trận hòa liên tiếp và 1 trận thua ngay trên sân nhà trước Palermo. Lo sợ một thất bại nữa lại ập tới nên sau khi Hamsik gỡ hòa 1-1 cho Napoli, Ranieri đã rút Del Piero ra để thay bằng De Ceglie, với hy vọng bịt chặt những khoảng trống ở cánh trái nhằm bảo toàn tỉ số. Vô ích, bởi ngay sau đó, Lavezzi đã ghi bàn quyết định khiến Juve tụt xuống gần giữa bảng, vị trí thấp nhất của họ kể từ khi trở lại Serie A. Đó là ngày 18/10/2008.

Sức ép đang đè nặng lên Ciro Ferrara

Một năm sau, chỉ sai đúng 1 ngày (17/10/2009), Ferrara đưa De Ceglie vào sân thay Iaquinta không phải để bảo toàn tỉ số, mà là để tìm cách phá vỡ một kết quả hòa không ai mong đợi (trước đó, trong trận thua Palermo, anh cũng đưa De Ceglie vào sân thay Diego, nhưng là để ngăn chặn Juve thua đậm hơn). Tội nghiệp chàng trai trẻ De Ceglie, người giờ đây biến thành hình ảnh biểu tượng cho hai thời kì khủng hoảng của đội, mà bản chất của chúng không khác nhau nhiều. Ngày ấy, sau trận thua Napoli, Ranieri đã bị đưa lên dàn thiêu. Những người không ưa ông cho rằng, một HLV hèn nhát như Ranieri không xứng đáng ngồi trên ghế HLV Juve. Một năm sau, với cùng việc thay người như thế của Ferrara, nhưng dư luận tự bịt mồm mình và im lặng. Hai sự thay người như nhau cách nhau 1 năm được nhìn ở 2 khía cạnh khác nhau. Tại sao?

Sự kiên nhẫn là có giới hạn

Lý do là Ferrara có một lợi thế mà Ranieri không thể nào có được: sự ủng hộ trong nội bộ đội bóng và sức ép với anh từ phía bên ngoài cũng ít hơn với Ranieri, một “người tốt”, nhưng không được lòng các học trò lẫn BLĐ Juventus. Song sự kiên nhẫn là có giới hạn, và những người mất kiên nhẫn đầu tiên chính là các tifosi: họ đã biểu thị điều đó bằng những tiếng huýt sáo nhắm vào anh khi trận hòa với Fiorentina kết thúc. Đấy là những tiếng huýt sáo đầu tiên, báo hiệu tuần trăng mật của anh với họ đã kết thúc. Sự thật đã sáng tỏ: Không phải lỗi của Ranieri ở mùa trước nếu Juve đã đầu tư mạnh mẽ như thế mà kết quả không đến ở mùa này.

Không phải lỗi của ông nếu 2 mùa bóng liên tiếp Juve phải trả giá đắt cho chế độ tập luyện dẫn đến rất nhiều chấn thương (chủ yếu chấn thương cơ). Bởi sau khi đã thay HLV, thay hầu hết ban huấn luyện, thay đổi trong BLĐ khi Cobolli-Gigli ra đi nhường chỗ cho Blanc, đội ngũ được tăng cường một loạt các tân binh, Juventus vẫn hoàn toàn bế tắc trong việc xây dựng một lối chơi điển hình, vẫn không thể hiện được một cá tính mạnh mẽ và khả năng vượt qua những khó khăn chồng chất. Ranieri bị đá đít bởi hàng loạt tội lỗi như thế. Nhưng Ferrara thì chưa. Tuy vậy, nếu tình hình không được cải thiện, có lẽ Ferrara cũng sẽ chung số phận với Ranieri, dù có thể cách “hạ cánh” sẽ an toàn hơn (xem khung).

Mùa trước, cuộc khủng hoảng đầu tiên của Juve kéo dài từ 24/10 đến 18/11/2008, với 2 trận hòa (Catania 1-1, Samp 0-0) và 2 thất bại (cùng 1-2 trước Palermo và Napoli). Cuộc khủng hoảng hiện tại đến sớm hơn, nhưng bản chất của chúng không khác nhau, dù HLV khác nhau, BHL khác nhau, BLĐ khác nhau, sơ đồ chiến thuật và cầu thủ không có nhiều điểm giống nhau. Nhưng Juve Ranieri ngày đó đã dùng chiến thắng Real Madrid để làm cú hích thoát khỏi thời điểm khó khăn ấy. Maccabi Haifa không phải Real Madrid. Đấy chỉ là một CLB tầm thường so với tên tuổi của Juve và hiện đang đứng cuối bảng. Một chiến thắng để thoát khỏi tình trạng hiện tại, chẳng lẽ không thể thực hiện nổi sao?
 
Ferrara chỉ là thế vai tạm thời cho Lippi?
 
Hiện tại, Ciro Ferrara vẫn được sự bảo trợ của người thầy Marcello Lippi, vị Giáo hoàng ở Juventus, người đang ngự trị ở “quảng trường San Pietro” Olimpico của thành phố Torino một cách vô hình. Lippi có lẽ cũng chỉ sử dụng Ferrara như một con bài thế chân mình ở Juve bây giờ. Sau 2 lần làm ông chủ trên băng ghế huấn luyện Juve (Giáo hoàng Marcello I và II) sẽ là lần thứ 3? Sau World Cup 2010, có thể Lippi sẽ quay lại dẫn dắt Juve và đó sẽ là triều đại Marcello III.

(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Có thể bạn quan tâm

Erling Haaland không khủng hoảng nhưng rốt cuộc anh cũng chỉ là người phàm trần mà thôi

Erling Haaland không khủng hoảng nhưng rốt cuộc anh cũng chỉ là người phàm trần mà thôi

Erling Haaland không khủng hoảng nhưng rốt cuộc anh cũng chỉ là người phàm trần mà thôi

Erling Haaland không hề khủng hoảng. Chàng trai trẻ người Na Uy đang đứng trước viễn cảnh có được mùa giải thứ hai liên tiếp đoạt cú đúp danh hiệu quốc nội và giải thưởng Chiếc Giày Vàng của Premier League, một thành tích mà ngay cả Thierry Henry cũng chẳng làm được.

Xem thêm
top-arrow
X