Sir Alex Ferguson từng nhận xét rằng mọi đội bóng đều có chu kỳ. Những đội bóng này nổi lên, đạt tới đỉnh cao và rồi xuống dốc.
Ví dụ được Sir Alex đưa ra trong cuốn tự truyện của ông là Man United “thứ ba” của Matt Busby huyền thoại. Đây là đội bóng của những George Best, Denis Law và Bobby Charlton, “bộ ba thần thánh” ở Old Trafford vào những năm 1960.
Đội bóng đó bắt đầu vươn lên đỉnh cao sau khi George Best ra mắt vào năm 1963 và đạt tới cột mốc chói lọi tháng 5/1968. Khi ấy Quỷ đỏ trong màu áo xanh da trời, đánh bại Benfica 4-1 ở chung kết Cúp C1. Nhưng sau đó đội bóng xuống dốc khá nhanh.
Một chu kỳ tương tự cũng đúng với AC Milan của Arrigo Sacchi những năm 1980. Đội bóng của Sacchi được định hình vào mùa 1987-88 khi AC Milan đưa về bộ ba người Hà Lan Frank Rijkaard, Ruud Gullit và Marco van Basten. Đội bóng đó đạt tới đỉnh cao ở chung kết Cúp C1 1989 khi Gullit và Van Basten mỗi người lập một cú đúp giúp AC Milan đè bẹp Steaua Bucharest 4-0.
Một ví dụ nữa là Dream Team FC Barcelona của Johan Cruyff với bộ tứ ngoại binh Ronald Koeman, Hristo Stoichkov, Michael Laudrup và Romario, đội bóng đạt tới đỉnh cao năm 1992. Tuyên bố của Ferguson được đưa ra sau thất bại trong trận chung kết Champions League thứ 2 mà họ gặp FC Barcelona vào khoảng gần 3 năm trước, và những gì ông nói về đội bóng cũng có thể đúng với các cầu thủ.
Lịch sử Man United được xây dựng nên bởi những người trẻ tuổi trưởng thành từ chính lò đào tạo của họ, sáng chói trong một mùa giải, đạt tới đỉnh cao sự nghiệp, với những đóng góp không thể nào quên cho CLB. Sau thảm hỏa rơi máy bay Munich 1958, George Best có lẽ là nhân vật đầu tiên xứng danh với tầm vóc đại diện cho cả một thế hệ, và là sản phẩm thành công nhất của chính sách đào tạo trẻ dưới thời Sir Matt Busby. Ngay từ màn ra mắt, Best đã làm các khán giả áo đỏ choáng ngợp vì tài năng của ông, và danh thủ người Bắc Ireland nhanh chóng trở thành một tượng đài ở nửa đỏ Manchester.
Nối bước Best ở Old Trafford là những cầu thủ như Norman Whiteside, người mà theo Ron Atkinson, sinh ra đã có thể chơi chín chắn như một cầu thủ 25 tuổi, rồi David Beckham, người ghi dấu ấn của mình ở sân khấu lớn một cách ngoạn mục với bàn thắng thứ khoảng cách 50 mét vào lưới Wimbledon. Tiếp theo là Cristiano Ronaldo, người mà ngay từ khi bước vào sân từ ghế dự bị ở trận đấu với Bolton, đã khiến tất cả những ai có mặt ở Old Trafford và xem trận đấu qua truyền hình hiểu rằng họ đang chứng kiến sự ra đời của một siêu sao.
Cầu thủ mới nhất của Man United ra mắt với ấn tượng tương đương những tiền bối kể trên có lẽ là Adnan Januzaj, chàng trai người Bỉ 18 tuổi đã tới Manchester 2 năm trước. Những ồn ào sau đó đã ngay lập tức đặt lên vai Januzaj kỳ vọng quá lớn với một cầu thủ ở độ tuổi của anh, nhưng vấn đề không chỉ là những bàn thắng và khởi đầu vất vả của Man United đầu mùa này.
Sự kỳ vọng lớn vào Januzaj chính là bởi tính chu kỳ của thành công mà Sir Alex đã nói. Januzaj không chỉ được chờ đợi sẽ giúp Man United chiến thắng mùa này, anh còn được hy vọng sẽ nối bước những Charlton, Best, Mark Hughes, Ryan Giggs, Paul Scholes, Ronaldo và Wayne Rooney.
Mỗi cầu thủ trong số đó có chu kỳ của riêng họ. Best ra mắt ngày 14/9/1963 ở Old Trafford, nhận được sự chú ý từ cả châu Âu ở sân Da Luz, Lisbon ngày 9/3/1966 và vươn lên đỉnh cao ngày 29/5/1968 tại Wembley trước khi sa sút khá nhanh vào đầu những năm 1970.
Nhưng không chỉ mình Best, toàn bộ danh sách trên cũng là những chu kỳ thành công của lịch sử Man United. Chính cũng bởi sự tuần hoàn đó, mà 2 bàn thắng tuyệt đẹp của Januzaj vào lưới Sunderland tại sân Ánh sáng không đơn thuần là 3 điểm và một chiến thắng cho đội bóng áo đỏ. Các CĐV Man United đã thấy ở cầu thủ người Bỉ dấu hiệu về một chu kỳ thành công nữa, một người có thể kế tục những Charlton, Best, McIlroy, Whiteside, Giggs, Beckham, Ronaldo…
Theo Bongdaplus.vn