Ngày tận thế 2012 theo lịch của người Maya đến với Inter sớm hơn 10 tháng. Bây giờ mới là tháng Hai, nhưng thế giới đã sụp đổ với đội bóng nerazzurri. Họ lại thua, thua nữa, thua mãi, chìm sâu hơn nữa trong một cuộc khủng hoảng kéo dài từ sau ngày Mourinho ra đi.
Không phải Inter, không phải Inter, không phải Inter…Tôi đã tự nhắc mình ba lần như thế khi chứng kiến lần lượt từng bàn thua của họ ở sân Giuseppe Meazza, giờ thành nấm mồ chôn cất dần dần những hy vọng tái sinh của một đội bóng hai năm trước từng thống trị không chỉ calcio, mà cả thế giới. Nhưng đấy chính là Inter, bởi màu áo xanh-đen ấy không lẫn vào đâu được. Đấy chính là Inter trong cái năm khủng khiếp gợi lại tất cả những thảm họa đã từng xảy ra trong những năm tháng Moratti, khiến bản thân vị chủ tịch kiêu hãnh cũng không thể ngồi đến hết giờ để chứng kiến trọn vẹn vở bi kịch, trận thua thứ ba liên tiếp không ghi nổi bàn nào, trong đó 2 trận là trước các đội cuối bảng. Một cuốn phim lại được chiếu, chạy rần rật trên màn hình: thất bại trong cuộc đua Scudetto 1998 với Juventus, thảm họa 0-6 trước Milan tháng 5/2001, những giọt nước mắt Ronaldo và ánh mắt vô hồn của Moratti buổi chiều 5/5/2002 và những trận thua Milan sau đó ở Champions League, những lời nói trong tuyệt vọng của Chủ tịch Moratti vào năm 2006, khi Calciopoli còn chưa bùng nổ (“Tôi đã thay đổi tất cả, cầu thủ, HLV, nhưng không gì thay đổi. Chỉ còn cách thay chính tôi”).Giờ tính sao đây, Ranieri?
Ở Giuseppe Meazza đêm Thứ Sáu, cả một đội bóng tan rã, có lẽ đã tan rã trước khi trận đấu diễn ra, và những lời đe dọa cứng rắn và giận dữ của Moratti sau trận thua Lecce (“sẽ tống khứ tất cả những kẻ không chiến đấu”) chẳng mảy may có tác dụng. Có lẽ bởi vì không một ai trong số những triệu phú đã có mặt trên sân muốn chìm xuống cùng con tàu đắm. Những tiếng la ó huýt sáo, những biểu ngữ giận dữ, các cầu thủ cúi gằm vì thất bại, những tít báo điên cuồng giáng xuống đầu Inter… Giờ họ lại phải quen với cảnh ấy, như những năm trước kia. Các interista có thể sẽ không ném một chiếc scooter cháy dở xuống sân San Siro để phản đối như cách đây 11 năm sau trận thua Milan 0-6, không bao vây và đập xe bus chở đội ở sân bay Malpensa như khi Inter thua Villarreal cách đây 6 năm. Họ cũng không căm thù đội bóng con cưng. Trong họ vẫn còn niềm tự hào được san lấp bởi năm 2010 không bao giờ có thể lãng quên. Nhưng họ đau đớn đến cùng cực và càng nhớ hơn Mourinho, người đã bỏ họ đi sau đêm Madrid. Có lẽ chính Mourinho cũng đau đớn nhìn về đội bóng cũ, chứng kiến sự sụp đổ của Inter mà mới tháng trước thể hiện sự hồi sinh bằng một loạt thắng lợi. Những kỉ lục tiêu cực đang đè nặng trên vai họ: chưa bao giờ kể từ mùa 1946/47, Inter thua đến 10 trận/24 trận đã đấu; Inter đã thua 5 trận sân nhà mùa này, bằng tổng số trận thua sân nhà (sau 114 trận) trong 6 mùa gần nhất; lần đầu tiên sau 8 năm, họ thua liền 3 trận ở Serie A.
Điều gì đã và đang xảy ra lúc này không còn ý nghĩa quan trọng nữa. Đấy là việc của Inter. Người ta chỉ khao khát được thấy phản ứng của một “Pazza Inter” (Inter điên) vì tổn thương trên sân Marseille mấy ngày tới. Khải huyền không bắt đầu từ trận thua Bologna, mà từ sau khi Mourinho ra đi và Inter chìm trong bóng tối đến tận bây giờ. Nhưng khải huyền không phải là cái sẽ mất đi, là ngày tận thế, mà sau bóng đêm sẽ mở ra một thế giới mới. Điều ấy bao giờ mới tới? Trong bùn lầy của thất bại nhục nhã, bông hoa hy vọng nào sẽ nở ra?
Ai sẽ thay Ranieri? "Thợ hàn" Ranieri, người đã giữ bộ mặt khắc khổ đến mức vô cảm suốt trận thua Bologna, tuyên bố ông không nghĩ đến việc từ chức khỏi vai trò HLV trưởng của Inter: "Chúng tôi chịu trách nhiệm về thất bại này. Chúng tôi xin lỗi ngài Chủ tịch và người hâm mộ. Nhưng tôi không có ý định từ chức. Chúng tôi phải đồng lòng tìm ra lối thoát. Rất khó, nhưng chúng tôi phải làm được". Mặc dù phía Inter và Chủ tịch Massimo Moratti (người đã giận dữ ra về trước khi trận đấu kết thúc và đóng cửa hoàn toàn với báo chí) chưa có phát ngôn nào về khả năng sa thải Ranieri, nhưng truyền thông Italia tin chắc rằng một thất bại nữa ở trận làm khách Marseille, tại lượt đi vòng 1/8 Champions League đêm 22/2 tới, sẽ là dấu chấm hết cho Ranieri tại Inter. Thay vì bàn đến việc Ranieri có bị "đá đít" hay không, người ta bắt đầu đề cập đến những con người có thể sẽ ngồi vào vị trí của "Thợ hàn". Các ứng cử viên sáng giá nhất hiện là Luis Figo, Fabio Capello và Roberto Baggio, huyền thoại bóng đá Italia vừa kỷ niệm sinh nhật lần thứ 45 ngày hôm qua. Figo, người đang nắm chức vụ Giám đốc đối ngoại của Inter, từng bày tỏ sẵn sàng nhận việc dẫn dắt Inter thay cho Gasperini hồi đầu mùa, trước khi Inter bổ nhiệm Ranieri. Figo không có kinh nghiệm cầm quân nhưng lại rất giỏi chuyên môn và rất có uy tín. Capello đã hơn một lần khẳng định không bao giờ trở lại cầm quân ở Serie A nữa, song nếu Inter có một kế hoạch lâu dài đủ sức thuyết phục, cơ hội có được chữ ký của "Bố già" là vẫn có. Còn Baggio cũng từng tiết lộ ý định bước chân vào nghề huấn luyện sau khi "mối duyên" với FIGC, trong vai trò Điều hành công tác đào tạo trẻ của Liên đoàn, kết thúc trong bất đồng. |
(Theo Thể Thao Văn Hoá)