Rào cản tự trọng
Đuổi kịp và vượt Silvio Piola? Rất khó. Đạt đến con số 274 bàn thắng ở Serie A không phải là điều dễ dàng đối với một chân sút mới “chỉ” ghi 184 bàn cho đến lúc này, khi đã bước sang tuổi 34. Vậy thì phải hạ chỉ tiêu. Nordahl (225 bàn) hay Meazza (216)? Trên lí thuyết, những thành tích ấy có thể với tới được, hoặc nằm trong những hy vọng khả thi vào một điều thần kì có thể xảy ra một khi nhịp độ ghi bàn hiện tại được duy trì. Những con số ủng hộ anh một cách mạnh mẽ: không một cầu thủ nào ở Italia ghi bàn nhiều như anh kể từ đầu năm đến giờ, 24 bàn trong 28 trận đấu chính thức.
Cụ thể hơn nữa về mặt thống kê: anh đã ghi bàn trong 14 trận, 10 ở Serie A (14 bàn) và 4 ở Europa League (10 bàn), bỏ phía sau Pazzini (21 bàn/31 trận), Milito, Mastronunzio và Tavano, cùng 17 bàn trong 25, 33 và 35 trận. Totti không nhắc đến những bậc thầy ghi bàn đã quá cố Nordahl hay Meazza, anh chỉ khẳng định đã nhắm cái mốc 205 bàn ở Serie A của Roberto Baggio. Thêm 22 bàn nữa, và nhiệm vụ khả thi đối với người đội trưởng Roma, chân sút chủ lực của đội bóng thủ đô, người dường như trong 3 năm qua, sau khi giã từ Azzurra với tư cách của một người chiến thắng ở World Cup, đã dồn hết tâm trí vào việc ghi những bàn thắng, đuổi kịp và vượt những kỉ lục trước khung thành, làm nên những điều kì vĩ một cách say mê và hối hả vì thời gian đang đuổi anh sau lưng.
Nhưng còn ĐTQG, có bao giờ Totti nghĩ đến việc trở lại và đem những bàn thắng của mình cống hiến cho màu áo Thiên thanh mà anh đã rời bỏ nó sau thắng lợi World Cup? Đấy lại là một chuyện tế nhị hơn nhiều, một chuyện “người lớn” và nặng vấn đề danh dự, sự sĩ diện. Del Piero nói thẳng là anh khao khát được mặc lại chiếc áo ĐT trong World Cup 2010, giải đấu lớn cuối cùng trong sự nghiệp của anh. Nhưng Totti không bao giờ nói ra, dù anh thừa biết, nếu trở lại ĐT, được bố trí chơi ở gần khung thành như anh đang chơi với Roma bây giờ, anh có thể giải quyết không ít vấn đề bàn thắng cho Lippi khi ông chưa có cách nào thoát khỏi căn bệnh “hiếm muộn” của các tiền đạo. Số 10 của Roma không nói thẳng mong muốn của anh, mà phải qua miệng vợ mình, vì anh là một người quá trọng danh dự bản thân. Anh muốn Lippi phải lên tiếng mời anh quay lại đội, mà ông, một người cũng trọng danh dự bản thân, cũng không muốn làm điều ấy.
Đội tuyển cũ dành cho những người cũ
58 Totti đã 58 lần khoác áo ĐT Italia từ năm 1998 đến 2006, ghi 9 bàn. Anh đã tham dự 4 giải đấu lớn gồm EURO 2000, 2004, World Cup 2002, 2006. 184 Với 184 bàn thắng ghi được sau 426 trận Serie A cho Roma, Totti đang đứng thứ 9 trong danh sách các cầu thủ ghi bàn hay nhất mọi thời đại của giải này, sau Batistuta (184/318), Signori (188 bàn/344 trận), Hamrin (190/400), Baggio (205/452), Altafini (216/459), Meazza (216/367), Nordahl (225/291) và Piola (274/537), đứng trên Boniperti (178/444). |
Vụ Cassano là một minh chứng rõ nét: dư luận càng nhắc đến tiền đạo của Sampdoria bao nhiêu, thì ông già Lippi càng chống cự một cách quyết liệt bấy nhiêu, trong thời điểm lối chơi của Italia ngày càng nghèo nàn và thiếu đột biến. Lippi không muốn nhắc đến tên tuổi các cựu binh nữa sau thất bại ở chiến dịch Champions League 2006. Vị HLV dày dạn kinh nghiệm không muốn biến ĐT thành một khu vườn xum xuê những trái cây đã chín già không chịu rụng, nhưng lại hiểu quá rõ một điều: dư luận rất chóng thay đổi. Mới đây thôi họ gào lên Azzurra đã quá già cỗi, và chỉ muốn nhìn thấy những điều thật mới mẻ. Bây giờ, họ lại nhứ nuối tiếc một điều gì đó khi nhìn thấy Juventus vật vã ra sao khi không có Del Piero không khỏi suy nghĩ khi chứng kiến Totti ghi bàn với một nhịp độ chóng mặt.
Tâm trạng ấy một phần nào đó được De Rossi chia sẻ trong cuộc họp báo mới nhất của Azzurra: đội phó của Roma khẳng định những người như anh không muốn thấy Cassano trở lại ĐT, nhưng cánh cửa vẫn luôn rộng mở cho Totti và Nesta. Có thể hiểu được những gì De Rossi nói ra: một ĐT cũ nên dành cho những con người cũ, những người đã tuyên bố giã từ ĐTQG, nhưng sẽ luôn có cơ hội nếu bây giờ họ nghĩ lại để trở về chiến đấu cho Azzurra trong giải đấu lớn cuối cùng của sự nghiệp vào năm tới ở Nam Phi.
Đấy là một ý tưởng đẹp và cao thượng, nhưng cũng là các mâu thuẫn lớn lao thể hiện những vấn đề nóng bỏng của một ĐTQG: sự trở về ấy đi ngược lại những yêu cầu làm mới ĐT, nhưng lại thể hiện những khao khát cháy bỏng của các tifosi khi muốn thấy họ đi đến chặng cuối cùng với sắc áo Thiên thanh. Nhưng đấy cũng là một đòi hỏi mang ý nghĩa thực tế: vắng họ, ai sẽ góp phần củng cố hàng thủ như Nesta, ai sẽ ghi bàn như Totti đã làm với Roma trong thời gian qua. ĐT vẫn không có một ai đó đóng vai trò của một thủ lĩnh để tất cả cùng cậy nhờ. Người đó không thể là Buffon, bởi khi Buffon trở thành cầu thủ hay nhất trận thì có nghĩa là có điều gì đó không ổn xảy ra phía trên anh.
Italia sẽ đến World Cup 2010, với những trăn trở lớn lao và cả những tiếc nuối như thế đấy.
Nghiên cứu về quan hệ Lippi-Cassano? Phải. Đấy không chỉ là một nghiên cứu thông thường về chiến thuật, mà là cả một đề tài tốt nghiệp lớn của một sinh viên chuyên ngành Khoa học truyền thông ở khoa Văn học và triết học thuộc trường đại học Verona, miền bắc Italia. Tên đề tài: “Sự mệt mỏi khi là một nhà lãnh đạo: vụ Lippi-Cassano”. Lời đề tựa có 2 đoạn đáng chú ý, “từ Palermo đến Milano, tất cả đều mơ đến Cassano” và băng rôn trên khán đài trích dẫn lời của Lippi trong một bài phỏng vấn ông trên tờ Gazzetta dello Sport ngày 25/3/2009 về Cassano: “Tôi có những lập luận rõ ràng (về việc không gọi Cassano) và tôi không cần phải giải thích điều đó với bất cứ ai”. Luận văn dài 106 trang này gồm 6 chương, với chương đầu cho Cassano, chương 2 về Lippi, chương 3 về triết lí tập thể trong bóng đá, chương 4 về các lí do khiến Lippi gạt Cassano, chương 5 về các trường hợp trước Cassano, chương 6 về ý kiến các phóng viên. Đề tài này sẽ được bảo vệ ngày 22/10 tới. Tác giả luận văn đã mời cả Cassano đến dự lễ bảo vệ luận văn. Không ai biết anh có đến dự hay không, chỉ biết tác giả của nó chống lại Lippi. HLV ĐT Italia có lí của ông để không gọi Cassano. Để rồi xem, tại World Cup 2010... |
(Theo Thể Thao Văn Hoá)