Thứ Năm, 25/04/2024Mới nhất
Zalo

Genoa - "Galacticos" của Serie A

Thứ Hai 27/07/2009 14:32(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
Chuyện một đội bóng vĩ đại như Real Madrid lũng đoạn thị trường chuyển nhượng Liga là không có gì phải ngạc nhiên, nhưng chuyện một “gã nhà quê” như Genoa đứng đầu danh sách đầu tư ở Serie A là một điều gì đó thực sự to lớn. Xét về mặt nào đó, Genoa còn “khủng” hơn cả Galacticos 2.0 của “siêu nhân” Florentino Perez.

Tất cả cho khát vọng đổi đời

Tính đến thời điểm này, Genoa đã tung vào thị trường chuyển nhượng không ít hơn 60 triệu euro để đổi lấy sự phục vụ của 14 cầu thủ mới, trong đó có tính giá trị quy ước của chân sút Acquafresca là 15 triệu euro, dù cầu thủ này được Inter gán trong vụ mua Diego Milito. Đó là con số đã vượt qua kỷ lục 57 triệu euro mà đội bóng nửa xanh thành phố Genova đã chi ra cách đây đúng một năm, trong kỳ chuyển nhượng mà họ thực hiện cú “áp-phe” ngoạn mục với mũi nhọn Milito ngay trước khi thị trường đóng cửa. Sắp tới, con số này sẽ tăng lên thêm không ít hơn 10 triệu euro nữa, với sự góp mặt của tiền vệ Zapater từ Zaragoza (99%), và có thể còn nhiều hơn thế bởi Chủ tịch Preziosi chưa thôi ý định mua sắm để quyết đưa Genoa chen chân vào Top 4 sau khi đã thất bại trước Fiorentina ở chặng nước rút mùa vừa qua. Có cực nhiều khả năng từ nay cho đến khi thị trường đóng cửa vào ngày 31/8, lượng tân binh của Genoa cũng sẽ vượt con số 17 ở mùa hè năm ngoái, đồng thời tạo ra một sự thay đổi lớn về diện mạo và tính cạnh tranh của đội.

Crespo là tân binh được kỳ vọng nhất của Genoa mùa này.

Điều đáng chú ý là nếu như 17 tân binh của Genoa mùa hè trước chỉ gây ấn tượng về số lượng, thì những tân binh vừa gia nhập “Grifoni” lại thể hiện được chất lượng khá rõ nét. Crespo thì không cần phải nói nhiều. Floccari cũng là một trong những chân sút hay nhất giải đấu hai mùa gần đây. Palacio là tiền đạo chủ lực của Boca Juniors. Zapater là trụ cột của Zaragoza, đội vừa trở lại Liga chỉ sau một mùa rớt hạng, trong khi Moretti là một cầu thủ không tồi với nhiều năm khoác áo Valencia. Kharja là một trong những phát hiện thú vị nhất ở Serie A mùa vừa qua, trong màu áo Siena. Những gương mặt khác tuy chưa hứa hẹn điều gì nhưng cũng đáng để mắt, như các hậu vệ Tomovic, Troest, Fatic hay tiền vệ Bolzoni. Các mục tiêu Genoa đang hướng tới như Appiah, Burdisso, Dembele hay Esposito, tuy không phải là ngôi sao đích thực nhưng cũng không hề tầm thường. Hậu vệ trẻ Esposito, vô danh nhất trong số đó, cũng vừa được gọi vào ĐT Italia.

“Điên” kiểu Galacticos

Không hợp lý chút nào nếu so sánh chiến lược chuyển nhượng của Genoa với Real Madrid cả về quy mô đầu tư và tên tuổi của các ngôi sao, nhưng nếu so về mức độ “điên rồ” thì họ không khác nhau là mấy. Cả hai đều cùng muốn “thay máu” gần như toàn bộ những vị trí chủ chốt nhất, tuy cách làm của Real Madrid là vung thật nhiều tiền để có những người số một thế giới, còn cách làm của Genoa là tìm kiếm những cái tên phù hợp và không quá đắt. Vì sự khác nhau đó mà Real cho đến giờ này mới chỉ có 6 tân binh, còn Genoa đã có đến 14. Cũng vì thế mà Real Madrid giờ đây chỉ tập trung chiêu mộ thêm một hoặc hai cầu thủ đẳng cấp, còn Genoa vẫn thích đưa về càng nhiều càng tốt, miễn là trong điều kiện của họ. Hiện ông trùm sản xuất đồ chơi Preziosi chỉ đang để mắt đến 4 cầu thủ, nhưng chắc chắn đó chưa phải là những mục tiêu cuối cùng.

Một sự tương đồng chủ chốt khác giữa Genoa và Real Madrid là sự đầu tư thiếu tính cân bằng, mặc dù hiện đội bóng Galacticos đang tập trung khắc phục nhược điểm đó. Genoa cũng chỉ tập trung vào nhiệm vụ bổ sung hỏa lực ở tuyến đầu cũng như gia cố hàng tiền vệ, trong khi công việc tưởng như thiết yếu nhất là mua thêm một thủ môn thì họ lại không màng tới. Trên hàng công của Genoa đang có đến 8 chân sút chia nhau 3 suất đá chính, là Crespo, Palladino, El Shaarawy, Floccari, Sculli, Oliveira, Figueroa và Palacio. Tuyến tiền vệ cũng có không ít hơn 10 cái tên, mà trong đó riêng việc chỉ bán Motta mà mua thêm cả Kharja, Bolzoni và Zapater cũng đã là một minh chứng cho sự “quá đà”. Nhưng hiện đội hình gần 30 cầu thủ của Genoa chỉ có đúng 2 thủ môn là Rubinho và Scarpi. Nếu chẳng may một hoặc cả hai không thể ra sân, HLV Gasperini sẽ làm thế nào?

Real Madrid đang dần bình tĩnh với việc bỏ qua Ribery để tập trung vào Xabi Alonso hay Arbeloa. Genoa cũng cần phải lấy lại được sự sáng suốt như vậy để chiến dịch chuẩn bị cho một cuộc “đại nổi dậy” của họ được đi đúng hướng ngay từ những bước đầu tiên.

Vấn nạn “rác”

Những tưởng cơn khủng hoảng rác thải chỉ là nỗi ám ảnh của riêng thành phố Napoli, nhưng giờ nó đã lan tới một nửa thành phố cảng Genova. Với 14 tân binh vừa cập bến và chuyến tàu ra đi thực chất chỉ có 5 người, Genoa đang có một đội ngũ phình to quá mức, và họ cần phải đẩy đi những người không còn “giá trị sử dụng” để ổn định nhân sự và tâm lý cho toàn đội. Đó là những cái tên như Modesto, Juric, Milanetto, Fabiano, Oliveira, Figueroa. Genoa cũng đã rất thành công khi mang cho mượn được một số tài năng trẻ như tiền đạo Forestieri (vừa được đem cho Malaga mượn hôm qua), Meggiorini, Greco, Paro và Ranocchia (đều cho Bari mượn), Acquafresca (Atalanta), cũng như bán Ferrari (Besiktas) hay Coppola (Parma), nhưng họ vẫn còn phải nỗ lực hơn nữa bởi “dư chấn” từ đợt chiêu mộ ồ ạt mùa trước vẫn còn rất mạnh mẽ. Hàng loạt cầu thủ được Genoa đem cho mượn mùa trước để giản lược đội ngũ đều đã quay lại, để rồi một lần nữa ông chủ Preziosi lại phải tính kế đẩy họ đi như cách đây một năm.

(Theo Thể Thao Văn Hóa)

Có thể bạn quan tâm

Cole Palmer tại Euro 2024: Vị trí nào cho "kẻ cứu rỗi" Chelsea ở tuyển Anh?

Cole Palmer tại Euro 2024: Vị trí nào cho kẻ cứu rỗi Chelsea ở tuyển Anh?

Cole Palmer tại Euro 2024: Vị trí nào cho "kẻ cứu rỗi" Chelsea ở tuyển Anh?

Dù đã đóng góp 25 bàn thắng và 13 pha kiến tạo cho Chelsea tại mọi đấu trường ở mùa giải này, Cole Palmer vẫn chưa được ra sân thi đấu cho tuyển Anh trong những trận giao hữu gần đây bởi hàng công của “Tam sư” đang vô cùng chật chội.

Xem thêm
top-arrow
X