Chỉ trong 1 tuần, ông trùm Capello đã có 2 phát biểu liên tiếp khiến người hâm mộ không khỏi suy nghĩ. Đầu tiên là sự phản kháng với những điều báo chí Anh thêu dệt sau World Cup. Tiếp đến là tuyên bố “nghỉ hưu” sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại Euro 2012. Phải chăng, chiến lược gia nổi tiếng là sắt đá này đang gặp vấn đề với sức ép trên xứ sương mù?
Chẳng ai ngạc nhiên với sự “quá đáng” của giới truyền thông Anh quốc. Nhưng sẽ thật chua xót nếu ngay cả các CĐV của Tam sư cũng nghĩ về Capello như một biểu tượng hết thời. Người Anh nổi tiếng bảo thủ. Tuy nhiên, họ cũng nổi tiếng không kém về sự cực đoan. Khách quan mà nói, Capello có lỗi trong thất bại của tuyển Anh tại Nam Phi. Có điều, liệu ông có đáng phải nhận những chỉ trích thậm tệ đến thế sau cuộc báo thù của người Đức?
Người ta đã nói nhiều về sự cứng nhắc trong việc sử dụng sơ đồ 4-4-2 của Capello. Tất cả cũng nói đã tới khả năng vận hành lối chơi đó như một chiến thuật lỗi thời của ông. Khoảng cách giữa chiến thắng và chiến bại trong bóng đá quả là mong manh. Từng ngày, từng giờ, cánh báo chí đã thổi phồi cái bong bóng thất bại mang tên Don Fabio. Qua đó, dễ dàng gạt bỏ 1 sự thật: Ông là một trong không nhiều nhà cầm quân xuất sắc hàng đầu thế giới về chiến lược và chiến thuật thi đấu. Ông là một cỗ máy gặt danh hiệu. Là một người đàn ông biết cân bằng một cách đáng kinh ngạc giữa bản năng và kỷ luật. Là một vị tướng tài khó kiếm. Và là một biểu tượng của vinh quang!
Nếu không có Capello, bây giờ tuyển Anh có gì? Một đội bóng thất bại thảm hại ở vòng loại Euro. Một tập thể có quá nhiều ngôi sao cực giỏi trên sòng bạc và trong phòng ngủ, nhưng lại rất khó kiểm soát trên sân đấu. Một Dream Team thậm chí còn chẳng định hình nổi lối chơi trước khi xuất hiện Don Fabio. Thêm một người nước ngoài đã tới, đã đặt dấu ấn lên sự phát triển của một cường quốc bóng đá (trên giấy tờ). Nhưng thay vì dành cho ông lòng kính trọng như Guus Hiddink hay Mourinho, Capello đã sớm nhận lấy sự hoài nghi. Ở phương diện nào đó, những động thái muốn “bỏ chạy” của FA sau World Cup chẳng khác nào 1 sự xúc phạm với ông. Không, Capello không phải là người ưa hờn dỗi hay thích hù dọa. Nếu như ông đã nói sẽ ra đi sau Euro, nước Anh sẽ phải chấp nhận 1 thực tế, cho tới lúc này, tìm được người như ông trùm Gorizia là không thể.
Người Anh muốn gì?
Rất đơn giản, việc FA đưa về các HLV ngoại như Eriksson hay Capello không ngoài mục đích kiếm tìm danh hiệu cho Tam sư. Nhưng nếu như đã chấp nhận thay đổi để tiếp cận vinh quang, họ cũng cần thay đổi tư duy để thích nghi với những tư tưởng mới. Khi Liên đoàn bóng đá Anh im lặng trước bản danh sách 5 người có thể thay thế Capello sau World Cup, có cảm giác như bộ sậu của họ đã quá dễ dàng bị mất phương hướng. Sự sợ hãi vì thất bại có thể hiểu được, nhưng trên hết, những động thái nghi kỵ lại cho thấy FA dường như đã quên mất họ muốn gì!
Tháng 12-2007, Capello, người đã ghi bàn duy nhất giúp Azzurri hạ gục Anh ở Wembley năm 1973 đã tới, đem theo biết bao kỳ vọng. Khi ấy, nước Ý đang là ĐKVĐ thế giới cùng Lippi, và Ancelotti cũng đang là HLV đương thời đáng ngưỡng mộ nhất tại Champions League. Capello, với thói quen tôn trọng kỷ luật và một bề dày kinh nghiệm đáng nể, đã không chỉ được ví với vị thần chiến thắng, mà còn là một bảo mẫu hảo hạng đối với những ngôi sao được yêu chiều tại nước Anh. Vậy đấy, 3 năm về trước, một nước Anh lừng lẫy về kiếm tiền tại Premier League đã chấp nhận một HLV Italia. Một HLV tới từ một đất nước luôn bị dè bỉu về sự thực dụng và những chiến thuật giết chết bóng đá đã được đòn chào như một người hùng. Khi tuyển Anh vượt qua vòng loại World Cup, Capello là hiện thân của chiến thắng. Nhưng chỉ sau 1 tháng, những gì ông nhận được chỉ còn là “mớ rác rưởi” – như Capello nói - từ cánh báo chí lá cải. Lòng tự trọng và sự chuyên nghiệp sẽ buộc ông phải giành chiến thắng cho nước Anh. Có điều, không ai biết ở phía trước, điều gì sẽ xảy ra.
Sau 2 năm nữa, Capello sẽ 66 tuổi, cái tuổi mà ông nói là “quá già” để tiếp tục. Nhưng thực ra, người ta chẳng bao giờ quá già để hướng tới vinh quang. Người ta chỉ cảm thấy “quá già”, khi phải chịu đựng những áp lực “rác rưởi”!
(Theo Thể Thao Văn Hoá)