Có lẽ quyết định nhận lời dẫn dắt ĐT Anh hồi tháng 12/2007 là một sai lầm lớn nhất trong sự nghiệp đầy danh tiếng của Fabio Capello, dù rằng nó cũng mang đến cho ông những trải nghiệm đặc biệt. Sau hơn 4 năm, cuộc tình ấy đã kết thúc với lá đơn từ chức cùng nhiều dư vị chua chát đằng sau nó...
Chất xúc tác từ vụ John Terry
Sau cuộc họp kéo dài hơn một tiếng đồng hồ với chủ tịch Liên đoàn bóng đá Anh (FA) David Bernstein và Tổng thư ký Alex Horne, Capello đã quyết định nộp đơn từ chức và được chấp nhận ngay lập tức. Dư luận tương đối sốc trước sự ra đi khá chóng vánh này, song người trong cuộc thì thừa hiểu đó là một kết cục hoàn toàn dễ hiểu, bởi mâu thuẫn giữa các quan chức FA và vị chiến lược gia cá tính người Ý thời gian vừa qua xung quanh câu chuyện về tấm băng thủ quân của John Terry, là có thật và chỉ chờ cơ hội để bùng phát.Capello đã rời ĐT Anh
Vụ Terry quả thực là một chất xúc tác dẫn đến quyết định từ chức của Capello. Trung vệ 31 tuổi này đã bị FA tước băng đội trưởng ĐT Anh do đang dính vào cáo buộc phân biệt chủng tộc đối với Anton Ferdinand (QPR). Nhưng điều khiến Capello tức giận là FA đã làm việc này mà không thông qua ý kiến của ông. Vị chiến lược gia lão làng này cảm thấy không được tôn trọng và tuyên bố rằng không đồng tình với phán quyết của FA. Trước cuộc gặp giữa Capello và Bernstein, cựu chủ tịch FA David Davies từng cảnh báo "Với thái độ chống đối FA, Fabio Capello có thể sẽ bị sa thải vì đã vi phạm vào hợp đồng mà hai bên đã ký kết".
Dù thế nào, FA chắc chắn không rút lại quyết định tước băng thủ quân của Terry, bởi với họ nạn phân biệt chủng tộc là một vấn đề cực kỳ nghiêm trọng. Báo chí Anh cũng lên án kịch liệt sự suy đồi đạo đức ở ĐT Anh, mà Terry thì vốn đã đầy những "chiến tích bất hảo" trong quá khứ, và hoàn toàn không xứng đáng là một tấm gương cho đồng đội. Trái lại, Capello cho rằng một khi Terry chưa phải hầu tòa (FA hoãn vụ này sau EURO 2012) thì ông vẫn coi anh là đội trưởng Tam sư. Cuộc gặp giữa họ đã không thể đi đến thống nhất, và Capello đã quyết định từ chức, trước khi FA có cơ hội sa thải ông.
ĐT Anh chắc chắn là đội bóng có nhiều sóng gió trong khâu chuẩn bị cho VCK 2012 nhất ở châu Âu. Từ án phạt treo giò với chân sút trụ cột Wayne Rooney, những tranh cãi liên quan đến tấm băng đội trưởng của Terry, nạn phân biệt chủng tộc, và bây giờ là việc HLV trưởng đột ngột từ chức. Rõ ràng, điều đó chẳng hứa hẹn một viễn cảnh tốt đẹp nào cho mùa hè tại Ukraina và Ba Lan.
Đằng sau một lá đơn
Như đã nói, vụ Terry là chất xúc tác dẫn đến lá đơn từ chức của Fabio Capello. Nhưng vấn đề là tại sao Capello lại nhất quyết bảo vệ Terry đến thế, dù rằng trước đây, ông đã từng tự tay tước băng đội trưởng của anh này? Capello đã tự nuốt lời khi trao lại băng thủ quân cho Terry chỉ sau một năm, và chính điều đó tạo nên những phản ứng khác nhau ở phòng thay đồ. Lý do: ĐT Anh suốt mấy năm qua vẫn không có một thủ lĩnh đích thực nào có thể thay thế Terry, từ phẩm chất chuyên môn cho đến tư chất cầm đầu. Đáng tiếc là ngoài những gì đã thể hiện trên sân cỏ, Terry lại là một hình ảnh hoen ố về mặt đạo đức.
Trong quá khứ, Terry từng cầm đầu một toán trụ cột nổi loạn, và đá bay Jose Mourinho khỏi Stamford Bridge. Với từng ấy năm kinh nghiệm, anh cũng là một "xếp sòng" trong phòng thay đồ của ĐT Anh, và có tiếng nói với rất nhiều trụ cột khác. Có lẽ đó cũng là một lý do mà Capello vẫn bảo vệ Terry ngay cả khi trung vệ này vướng vào vòng lao lý, đặc biệt là khi anh bóng gió chuyện ra đi. Trong 4 năm dẫn dắt Tam sư, Capello cũng đã phát hiện ra nhiều gương mặt trẻ đáng chú ý như Joe Hart, Adam Johnson, Phil Jones, Wilshere,... cũng như "khai quật" được tiềm năng của Scott Parker, nhưng ông vẫn chưa thể tạo ra một cuộc cách mạng thực sự về mặt con người bằng niềm tin dành cho các tài năng trẻ. Và thất bại ở VCK World Cup 2010 là một minh chứng khi họ bị các cầu thủ trẻ trung của Đức giã cho 4-1 tại vòng hai.
Thật ra, nếu xét trên tỷ lệ chiến thắng, Capello chính là HLV xuất sắc nhất trong lịch sử Tam sư. Trong 4 năm dưới thời chiến lược gia người Ý, ĐT Anh đá 42 trận, thắng 28, hòa 8 và chỉ thua có 6, đạt tỷ lệ chiến thắng lên đến 66,7 %, cao hơn cả dưới thời Sir Alf Ramsey, người đã đưa ĐT Anh vô địch World Cup 1966 (61,1%). Việc bất bại ở vòng loại EURO 2012 (5 thắng, 3 hòa) cũng chứng minh rằng ĐT Anh đang dần đi đúng hướng, với kỷ luật chiến thuật tương đối hợp lý, và hoàn toàn có thể phát huy ở VCK.
Trên trang nhất của số báo ra ngày hôm qua, tờ La Repubblica nhận xét "Người Anh không chịu nổi ông ấy, và ông ấy cũng không chịu nổi người Anh nữa". Quả thực, cuộc phiêu lưu đến xứ sương mù là một sai lầm trong sự nghiệp Capello bởi ông chưa bao giờ cảm thấy thoải mái ở một đội bóng có quá nhiều rắc rối nơi phòng thay đồ, sự can thiệp quá đáng từ các ông chủ liên đoàn và cả giới truyền thông nữa.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)