Suýt chút nữa những nỗ lực ghi bàn của hàng công ĐT Tây Ban Nha đã bị biến thành… công cốc, bởi những sai lầm của hàng thủ tại Hampden Park.
Linh hoạt trong tấn công
Phải thừa nhận, Tây Ban Nha chơi tấn công rất đa dạng. Chỉ trong 2 trận đấu tại vòng loại EURO 2012 vừa qua gặp Lithuania và Scotland, họ đã thi đấu với 3 sơ đồ chiến thuật khác nhau. Đặc biệt, cả 3 cách bố trí đội hình đó đều mang lại những hiệu quả đúng như kỳ vọng của HLV Del Bosque.
Ở trận gặp Lithuania, do sự vắng mặt của tiền vệ phòng ngự Xabi Alonso, nhà ĐKVĐ thế giới đá với sơ đồ 4-4-2, trong đó cặp tiền đạo là David Villa và Fernando Llorente. Hôm đó, Villa đã im tiếng. Nhưng anh cũng đã thành công trong việc thu hút sự chú ý của hậu vệ đối phương. Nhờ vậy, người đá cặp Llorente mới được rảnh rang, ghi 2 bàn.
Trước Scotland, nhà ĐKVĐ thế giới đã trình diễn 2 bộ mặt khác nhau: sắc sảo trong tấn công, kém cỏi trong phòng ngự
Trên sân Hampden Park hôm qua, HLV Del Bosque đã có những điều chỉnh về mặt chiến thuật vì sự trở lại của Xabi Alonso. Có lúc, họ đá với hệ thống chiến thuật 4-1-4-1 với Villa là tiền đạo cắm duy nhất; cũng có lúc, họ chuyển sang sơ đồ 4-3-3, với Villa dạt sang cánh trái, Pablo Hernandez bên hành lang phải, trong khi Llorente đá cao nhất.
Sự biến hóa trong cách chơi tấn công của tuyển Tây Ban Nha đã khiến hàng thủ Scotland không biết đường nào mà chống đỡ. Một lần nữa, đội khách lại làm tung lưới đối phương tới 3 lần. Có khác là lần này, cả Llorente lẫn David Villa đều lập công, xen giữa là bàn thắng từ một pha phối hợp trung lộ do tiền vệ Iniesta thực hiện.
Lỏng lẻo trong phòng ngự
Ở hiệp 1 trận đấu với Scotland, do tuyến giữa của Tây Ban Nha chơi quá hay, cầm bóng phần lớn thời gian thi đấu, nên các hậu vệ không phải hoạt động quá vất vả. Nhưng sang hiệp 2, Tây Ban Nha đang dẫn bàn và các tiền vệ có chút đá chùng xuống, điểm yếu nơi hàng thủ của họ lập tức bộc lộ và đã bị các chân sút của ĐT Scotland khai thác triệt để.
Hai bàn thua của Tây Ban Nha đều không phải do sự xuất sắc của các tiền đạo Scotland, mà do lỗi của các hậu vệ. Chúng đều được xuất phát từ bên cánh phải của đối phương (tức cánh trái của Tây Ban Nha), đều từ những pha tạt bóng bổng vào vòng cấm địa của nhà ĐKVĐ thế giới.
Trong tình huống thủng lưới đầu tiên của Tây Ban Nha, lỗi do trung vệ Pique và hậu vệ phải Ramos đã không ăn ý, để tiền đạo Naismith thoải mái băng vào đánh đầu dũng mãnh tung lưới thủ thành Casillas. Bàn thua thứ hai của đội khách còn tệ hơn nữa, với Pique là thủ phạm “đốt lưới nhà”. Nhưng trước đó, cũng phải kể đến lỗi của Capdevila và Puyol đã để các cầu thủ Scotland phối hợp như tập, trước khi bóng được tạt vào vòng cấm địa của Tây Ban Nha.
Nói đi cũng phải nói lại. Sở dĩ hàng thủ Tây Ban Nha lỏng lẻo cũng một phần bởi 2 hậu vệ biên, đặc biệt là Sergio Ramos khá tích cực lên tham gia tấn công. Họ đã ghi dấu ấn trong những bàn thắng của nhà ĐKVĐ thế giới nhưng cũng vì thế mà đã không kịp về hỗ trợ bọc lót cho cặp trung vệ Pique và Puyol trong những tình huống phản công của đối phương.
(Theo báo Bóng Đá)