Đó không phải một cuộc cạnh tranh đơn thuần ở tuyến giữa, mà đã bị thổi bùng lên thành một cuộc chiến. Trong buổi họp báo trước khi đội tuyển Đức lên đường sang Thổ Nhĩ Kỳ, Sami Khedira đã nói thẳng rằng anh tỏ ra khó chịu và cảm thấy "không được tôn trọng" vì những lời chỉ trích anh cho là "thiếu công bằng", khi bị so sánh với Toni Kroos trong cuộc cạnh tranh vị trí đá cặp với Bastian Schweinsteiger.
3 trận gần đây của ĐT Đức, thắng Brazil 3-2, thắng Áo 6-2 và hòa Ba Lan 2-2, Khedira đều vắng mặt vì chấn thương. Đó cũng là những trận đấu mà Toni Kroos đã chơi rất hay và làm dấy lên băn khoăn rằng liệu cầu thủ gốc Tunisia, người vốn được cho là chắc suất đá chính trước đó, liệu có giữ được vị trí của mình? Đáp lại, Khedira đã nói thẳng: "Tôi là một người có khả năng chịu đựng những chỉ trích, nhưng tôi không thể chấp nhận được những điều thiếu công bằng. Tôi đã giữ im lặng trong thời gian rất, rất dài, nhưng giờ là thời điểm phải nói ra". Theo Khedira, thì Kroos "đã chơi rất tốt", nhưng những đóng góp của anh cũng không thể bị lãng quên: "Những năm qua, tôi đã đem lại sức mạnh đáng kể cho đội bóng. Thật không đáng để bị đối xử không công bằng".
Sami Khedira (phải) phát biểu trong cuộc họp báo
HLV Joachim Loew đã lên tiếng trấn an cầu thủ gốc Tunisia: "Ai cũng có quyền củng cố vị trí của mình. Một đội bóng tốt luôn được xây dựng dựa trên sự cạnh tranh ở các vị trí. Sami Khedira đã phản ứng hơi tiêu cực. Cậu ấy nên bỏ qua và thoải mái hơn một chút trước các lời chỉ trích". Nhưng rõ ràng là ông không có ý định ngăn cản một cuộc tranh đấu ở hàng tiền vệ, tại vị trí bản lề của đội tuyển Đức thời điểm hiện tại.
Khedira, "sứ giả" của sự cân bằng
Khedira có vẻ như không ngần ngại phải cạnh tranh: "Chúng tôi có sức mạnh chiều sâu ở hàng tiền vệ, và mỗi người cần phải chứng minh bản thân mình. Cá nhân tôi luôn tin vào năng lực của mình". Nhưng không thể phủ nhận rằng anh đang cảm thấy vị trí trước đây vốn là đương nhiên của mình bị lung lay dữ dội, trước sự tiến bộ vượt bậc của Toni Kroos. Không chỉ vì phong độ hiện tại của người đồng đội trẻ tuổi, mà có lẽ còn bởi sự thích thú đặc biệt của ông Loew với việc giảm bớt sự chắc chắn ở vị trí "2 số 6", để gia tăng tính linh hoạt trong tấn công của đội tuyển Đức.
Trong 3 trận Kroos chơi cặp với Bastian Schweinsteiger ở tuyến giữa, Đức đã đẩy ý thức tấn công của họ lên một nấc cao hơn nữa. Tiền vệ trẻ của Bayern không chỉ đóng vai trò một người giữ nhịp ở trung tuyến, mà tập trung hơn vào nhiệm vụ tấn công, với những pha dâng cao và phối hợp ở gần khung thành hơn. Kết quả là Đức tấn công với một hiệu suất khủng khiếp (11 bàn thắng sau 3 trận), nhưng thường xuyên bị đâm thủng ở trung lộ, và nhận đến 6 bàn thua.
Trong các trận ấy, thì ông Loew cũng đã thử nghiệm Mario Goetze, cầu thủ vốn chỉ quen chơi hộ công, ở vị trí tối quan trọng với đội tuyển Đức hiện tại.
Việc sử dụng những tiền vệ linh hoạt và có ý thức tấn công cao ở vị trí ấy rõ ràng là một động thái phủ nhận đi tính chắc chắn của "2 số 6", điều mà cặp Schweinsteiger - Khedira sẽ làm tốt hơn hẳn, với lối chơi cân bằng giữa tấn công và phòng ngự của họ.
Chưa rõ đó chỉ là một thử nghiệm để đem vào sử dụng trong hoàn cảnh đặc biệt của ông Loew, hay là một bước để đẩy tư duy tấn công của đội Đức lên mức cực đại. Nếu là vế thứ hai, thì họ sẽ chơi với một đội hình rất mất cân bằng, và gần như không cần tiền vệ thủ. Sức công phá của đội Đức khi ấy là rất lớn, nhưng 3 trận gần nhất của họ cũng chứng tỏ sự mong manh của đội hình ấy, và đòi hỏi đội Đức thi đấu một cách ổn định trong 90 phút là điều không tưởng, vì tính linh hoạt gia tăng đến mức ấy, thì cũng có nghĩa là nguy cơ rối loạn đội ngũ có thể đến bất cứ lúc nào.
Sự thể hiện của Khedira trong trận đấu trên đất Thổ Nhĩ Kỳ (Kroos sẽ không thể đá vì bị cúm) không chỉ nhằm bảo vệ vị trí của anh, mà còn để bảo vệ một hệ thống cân bằng lấy anh làm điểm tựa. Kroos hay Khedira? Câu hỏi ấy cũng có nghĩa là tấn công toàn diện, hay vẫn chừa ra một góc nhỏ trong đội hình, để trám vào đó một mảnh giáp?
(Theo Thể Thao Văn Hoá)