Trên mặt sân mang tên tiền đạo huyền thoại từng khuynh đảo World Cup 1978 và trở thành kiểu mẫu cho mọi chân sút Argentina từ đó tới nay, lần đầu tiên Argentina sẽ ra sân với một "số 9" thực sự. Khi mà những hậu duệ của Maradona, mà tiêu biểu nhất là Messi (còn cả Aguero, Tevez... nữa chứ!) đang loay hoay không biết cách nào để chui đầu vào chiếc áo của ông, thì Gonzalo Higuain sẽ phải tự biến mình thành một Mario Kempes mới. Nhưng…
Theo báo chí Argentina, HLV Batista chắc chắn sẽ cho Higuain đá chính, chơi cao nhất trên hàng công, với sự yểm trợ của bộ ba Messi - Aguero - Di Maria trong sơ đồ 4-2-3-1. Lần đầu tiên, ý tưởng về việc copy nguyên xi sơ đồ ở Barcelona đã bị dẹp bỏ, và thay đổi cơ bản nhất chính là sự hiện diện một số 9 thực thụ là Higuain.
Không hiểu là sau khi chứng kiến Fred, một chân sút rất "bình dân" của Brazil bỗng dưng quăng chân lạnh lùng gỡ hòa cho đội tuyển Vàng xanh ở trận gặp Paraguay, ông Batista có nghĩ lại về việc bỏ quên một phương án nhân sự khác trên hàng công, ngoài cái việc nhàm chán là ngày ngày vắt óc nghĩ ra một cách biện minh mới cho những thất bại khi cố tìm cách đặt Messi vào trục trung tâm, rồi xoay cả đội quanh anh như người ta xoay roulette hay không?
Argentina không chỉ cần chất lãng mạn, tính nghệ sĩ của Messi và Maradona
Dẫu sao, ông đã nghĩ đến một đổi thay mấu chốt. Vào thời điểm ở thế chân tường như thế này, Argentina không cần cảm hứng của một "truyền nhân Maradona" nào hết, mà cần sự chính xác, lạnh lùng, và "phát một" tàn nhẫn của một Mario Kempes, Vua phá lưới World Cup 1978, người không tạo ra cảm hứng thi đấu, nhưng cung cấp những bàn thắng, chất liệu cụ thể nhất cho chiến thắng.
Không thể chiến đấu bằng cảm tính
Công việc loại một "truyền nhân Maradona" ở ngoài (Tevez) và đưa vào sân một chân sút thực thụ là động tác giảm đi chất cảm tính, để cung cấp thêm lý trí, sự thực dụng cho đội Argentina. Nhưng xét theo tình hình hiện nay, một động tác như thế vẫn là quá ít, đối với một nền bóng đá suy nghĩ, và phản ứng trước mọi việc đều theo cảm tính như thế này.
Một năm không làm thay đổi đi hậu quả của tư duy cảm tính. Diego Maradona, người bao giờ cũng sống ở tận cùng của cảm xúc, có thể khiến cả thế giới quỳ rạp dưới đôi chân ông gần hai thập niên trước, nhưng không thể giúp Argentina thành công, với tư duy cũng đậm đặc cảm tính như đôi chân thiên tài của ông. Thứ bóng đá bột phát và cách sắp xếp như thể theo cảm giác của Diego đã bị băm nát bởi thứ bóng đá chính xác, khoa học và lý trí của Đức ở World Cup 2010, như một hệ quả tất yếu.
Dư luận và truyền thông cũng nhìn nhận mọi việc xảy ra một cách hoàn toàn theo cảm xúc. Tình yêu với Diego Maradona đã chiến thắng lại cảm giác tủi hổ của các CĐV sau một thảm bại kinh khủng (họ vẫn chào đón ông như một người hùng sau khi trở về từ World Cup), và sự ghen tỵ đơn thuần với thành công vang dội của Barcelona đã khiến họ hình thành một nỗi căm ghét vô lý với Messi, mà không chịu hiểu rằng vấn đề mấu chốt khiến những người Argentina ấm ức bấy lâu nay chỉ đơn giản thế này: Bóng đá là cuộc chơi của một tập thể, và Maradona may mắn hơn Messi, khi được đứng trong một tập thể phù hợp hơn.
Ngay cả các HLV, và cầu thủ Argentina hiện nay, cũng là một nạn nhân của lối mòn từ tư duy cảm tính. Ông Batista bị ám ảnh nặng nề bởi một mệnh đề: Nếu chúng ta có người giỏi nhất, thì cả đội phải xoay quanh anh ta. Nếu suy nghĩ một cách thật lý trí, thì ông sẽ nhận ra rằng Messi, dù được kỳ vọng và so sánh với Maradona, thực tế là một kiểu cầu thủ khác hẳn với Diego. Nhầm lẫn giữa kỳ vọng và vai trò chiến thuật trên sân, là một thất bại nữa của lý trí trước cảm xúc. Sự lúng túng của các hậu vệ Argentina, và thậm chí là toàn đội, khi Messi chơi chùng xuống (Burdisso thậm chí còn bất lực đến nỗi đã văng tục với Messi) và không còn ai làm điểm tựa cảm hứng, đã cho thấy sự thiếu kiểm soát của khối óc các cầu thủ Argentina.
Sẽ có rất nhiều nước mắt rơi xuống, nếu một cú sốc lớn xảy ra trên Mario Kempes, nhưng những giọt nước mắt "rất đàn bà" ấy là điều không mấy ngạc nhiên với một thứ bóng đá quá nặng nề về cảm xúc của Argentina hiện tại. Vào thời khắc khó khăn nhất, cái mà một người Argentina cần lúc này, không phải đắm chìm trong cảm xúc và những nỗi sợ mơ hồ nữa, mà là sự tỉnh táo của khối óc. Không cần cảm hứng của một số 10 như Maradona hay Messi, mà những bàn thắng của một số 9 như Kempes, hay Higuain, mới thực sự là oxi cho sự sống.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)