Tất nhiên, quá khứ thì vẫn là quá khứ. Nhưng nói vậy để thấy, người hâm mộ xứ sương mù đã hãnh diện đến thế nào với thành tích 8 trận thắng tuyệt đối của thầy trò Capello. Chưa bao giờ đội bóng 3 con Sư tử lại giành vé sớm một cách ấn tượng như thế. Và cũng chưa bao giờ, những chiến thắng của họ lại cho thấy rõ nét đến thế, hình ảnh của một gã khổng lồ đích thực.
Tam Sư đang gầm vang ở châu Âu |
Đã qua rất lâu rồi, cái thời người Anh chỉ muốn các HLV bản địa cầm ĐTQG. Những thất bại cả trên sân cỏ lẫn hình ảnh đã khiến những nhân vật bảo thủ của FA phải suy nghĩ lại. Sau khi đứng trên đỉnh thế giới bằng chiến thắng gây tranh cãi trước người Đức năm 1966, Anh hoàn toàn trắng tay. Nhưng những thất bại trên sân cỏ của những Graham Taylor, Venables, Hoddle, Wilkinson, hay Keegan không đáng báo động bằng những thất bại trong việc cải thiện lối chơi “kick&rush” để chiến thắng. Eriksson đã thất bại vì không đủ tầm, và cũng không hiểu rõ một đội bóng có quá nhiều ngôi sao như thế. Nhưng Capello thì khác. Điều mà “ông trùm” mang tới không chỉ là những chiến thắng, những phát hiện mới, hay một cách chơi mãn nhãn. Điều quan trọng nhất mà chiến lược gia Italia làm được, chính là để người Anh thấy: Nghệ thuật Phục hưng không nằm trong những bản báo cáo.
Nghệ thuật của Capello
Nhiều người đã nói tới Capello như một biểu tượng của sự khắc nghiệt, kỷ luật, và tinh thần thép. Chưa đủ! HLV 63 tuổi này còn là hiện thân của nghệ thuật. Không dễ để làm chủ một đội bóng nhiều ngôi sao nhưng cũng lắm rắc rối như Tam sư là không cần nghệ thuật. Don Fabio chưa bao giờ nói tới điều này như một cây quyền trượng để ông cai quản vương quốc của mình. Nhưng nó đã hiển hiện ở mọi lúc, mọi nơi.
Vì sao mọi HLV tiền nhiệm đều dễ dàng tìm được đội trưởng của tuyển Anh, còn Capello thì không? Vì sao Eriksson hay McClaren luôn phải đối mặt với sức ép triệu tập những ngôi sao mà họ không thích, còn Capello thì xem đó như chuyện cỏn con? Câu trả lời của HLV Italia là những chiến thắng, dĩ nhiên. Nhưng trước đó, ông đã tạo ra những luật lệ riêng, bằng nghệ thuật sắp đặt của mình.
Thứ nhất, không ai là không thể thay thế. Áp lực đã đè nặng lên vai cả Gerrard, Lampard, Terry hay Beckham trong suốt thời gian tuyển Anh luân phiên người đeo băng đội trưởng. Và thậm chí, ở giữa sân, Capello còn từng tuyên bố 1 điều mà không ai đủ sức tưởng tượng: Sẽ chỉ có hoặc Gerrard, hoặc Lampard được chơi, nếu người còn lại đá dở. Thứ 2, sự nghiêm túc và thái độ hợp tác 100% của cầu thủ. Đây là điều đã luôn gây ám ảnh cho những nhà cầm quân trước đó, khi họ không thể thắng nổi những điều đơn giản như thói quen ưa nhậu nhẹt của học trò, hay những màn biểu diễn thời trang của Wags. Với Capello, dẹp hết.
Và cuối cùng, đó chính là nghệ thuật tạo ra niềm tin, cùng trách nhiệm của những người đàn ông. Quá dễ để nói về sự tự tin, nhưng với người Anh, đã từng quá khó để họ quên đi những ám ảnh thất bại. Capello đã tới và thay đổi tất cả. Khi các cầu thủ Anh tin vào chính khả năng của mình, phần thưởng sẽ đến. Anh có thể thua Tây Ban Nha trong một trận giao hữu. Nhưng tại vòng loại World Cup, những nhà ĐKVĐ châu Âu cũng chẳng thể làm tốt hơn thầy trò Capello.
Chiến thắng bằng chiến thuật ư? Vô nghĩa. Bằng bao nhiêu ngôi sao trong đội hình ư? Hãy nhìn Pháp và Argentina. Hơn tất cả, Capello đang mang tới cho người một bài học lớn: Hãy chiến thắng chính bản thân mình.
(Theo Thể Thao Văn Hóa)