Trong giai đoạn đầy khó khăn và đau đớn với tuyển Anh khi họ bị loại khỏi World Cup hồi mùa hè, từ được nhắc đến nhiều nhất trên các tờ báo ở xứ sở sương mù là “thay đổi”: thay đổi HLV, thay đổi đội hình, thay đổi cả một thế hệ cầu thủ. Chẳng khác gì thông điệp trong cuộc bầu cử của đương kim thủ tướng David Cameron, người Anh, vốn bảo thủ trước giờ, đòi hỏi một làn sóng đổi thay ở đội tuyển quốc gia, và trong khi LĐBĐ nước này chưa muốn thay HLV Fabio Capello, thì chiến lược gia người Italia đang chuẩn bị cho những đổi thay thực sự, qua danh sách triệu tập của ông chuẩn bị cho trận giao hữu rất được chờ đợi với đối thủ Pháp cũng trẻ trung và đầy những nhân tố mới dưới thời Laurent Blanc.
Nhưng có thể tin rằng cuộc cách mạng của Capello, với sự xuất hiện của những cái tên lạ lẫm như Chris Smalling, Jordan Henderson, Jack Wilshere hay Andy Carroll, thay cho các công thần cũ vắng mặt vì nhiều lý do khác nhau, John Terry, Frank Lampard, Wayne Rooney, không chỉ là do áp lực từ người hâm mộ. Những đổi thay đã manh nha từ trận giao hữu gặp Hungary hồi giữa tháng 8, trận đầu tiên sau kỳ World Cup thảm hại.
Tuy nhiên, trên thực tế tới thời điểm này, Capello chưa bao giờ dành những cơ hội thật sự cho những thành viên thê đội thứ hai của ông. Trong chiến thắng 2-1 trước Hungary ở Wembley cũng như 3 trận vòng loại EURO 2012 sau đó, đội hình xuất phát của Tam sư vẫn là những cái tên cũ. Nếu các công thần số một vắng mặt, thì kinh nghiệm vẫn là phẩm chất số một HLV người Italia cần ở những người thay thế, Phil Jagielka, Michael Dawson và Peter Crouch. ĐT Anh cần nhiều nhân tố mới như Andy Carroll và Jordan Henderson
Sự chỉ trích đã bùng lên dữ dội khi các CĐV áo trắng muốn nhìn thấy Wilshere và Carroll trên sân. Họ, cùng nhiều người khác được gọi đợt này, đều có một tương lai rất tươi sáng với tuyển Anh. Tuy nhiên, màn ra mắt được trông đợi của tiền đạo đang khoác áo Newcastle và tài năng triển vọng của Arsenal đã phải hoãn lại sau khi tuyển Anh giành được những chiến thắng ấn tượng trong lượt chạy khởi động cho vòng loại EURO trước hai đối thủ rắn mặt Bulgaria và Thụy Sĩ. Khi đó, Capello hẳn tin rằng những người từng thất bại cùng ông ở Nam Phi vẫn có thể thành công tại Ba Lan và Ukraine.
Quên hẳn thế hệ thất bại?
Chỉ đến sau khi bị Montenegro cầm hòa không bàn thắng ngay ở Wembley, nhu cầu đổi mới lại trở nên bức xúc và không thể tránh khỏi. Đó chính là một phần lý do của sự thay máu hàng loạt lần này, ngoài các chấn thương của những trụ cột. Vẫn đang trong tình trạng mò mẫm và còn nhiều câu hỏi phải trả lời, nhưng ít ra Capello đã tỏ ra dứt khoát hơn với những lựa chọn của ông. Các biểu tượng của Tam sư suốt gần một thập kỷ qua, Lampard, Terry không thể có mặt trong trận gặp Pháp, nhưng liệu họ có trở lại trong tương lai, khi vào năm 2012, tất cả đều đã hơn 32 tuổi (danh sách đó còn có thêm Gerrard)? Liệu Peter Crouch hay Carroll xứng đáng và phù hợp hơn trên hàng tấn công? Liệu những người đóng thế không thật xuất sắc, thuộc một thế hệ chuyển giao, như Jagielka, Gareth Barry hay Stephen Warnock có nên lùi hẳn lại, để nhường đường cho những Kieran Gibbs, Smalling, Wilshere và Theo Walcott?
Sức trẻ và luồng sinh khí hừng hực của những cái tên đó, những người từng sát cánh bên nhau khi đội U21 Anh vào đến chung kết giải vô địch châu Âu mới một năm trước, nơi họ thúc thủ trước một tuyển Đức có trong đội hình Mesut Oezil và Sami Khedira, là không phải nghi ngờ. Tuy nhiên, cuộc cách mạng ở Wembley đã không thể diễn ra, hoặc đã là quá muộn. Thật trớ trêu rằng chính thành công của kình địch Đức là một bài học tốt cho những người Anh.
Chuẩn bị cho trận giao hữu với Thụy Điển, diễn ra cùng ngày với trận Anh-Pháp, HLV Joachim Loew triệu tập một đội hình có độ tuổi trung bình là 23,4 và không có bất kỳ ai nhiều hơn 29 tuổi. Michael Ballack và Miroslav Klose đều phải ngồi nhà. Sở dĩ Loew có thể làm như vậy là do những Khedira, Jerome Boateng hay Lucas Podolski của ông đã dày dạn kinh nghiệm trận mạc không kém ai, và đương nhiên hơn nhiều so với Smalling hay Gibbs, dù tuổi tác giữa họ không chênh là bao.
Có lẽ đã đến lúc người Anh, và bản thân Capello, phải cân nhắc một cuộc cách mạng triệt để hơn, một giải pháp đến cùng, thay vì cứ loay hoay như hiện giờ. Ngoài những cái tên được gọi một cách rụt rè lần này, người Anh còn có Marc Albrighton, Jack Rodwell, Michael Johnson hay Danny Welbeck. Có lẽ đã đến lúc phải quên hẳn Terry và Lampard, mãi mãi.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)