Phút 13, từ tình huống tổ chức tấn công nhanh của AC Milan, chính Pulisic là người chuyền bóng đúng tầm chân của Samuel Chukwueze, và cú cứa lòng sau đó của cầu thủ chạy cánh mang quốc tịch Nigeria đã đánh bại thủ thành đồng hương Maduka Okoye.
Trận này, Christian Pulisic được huấn luyện viên Paulo Fonseca xếp đá hộ công, trong sơ đồ 4-2-3-1. Anh hợp cùng Samuel Chukwueze và Noah Okafor, những người thường vào sân từ ghế dự bị ở các trận trước, có nhiệm vụ hỗ trợ cho trung phong cắm Alvaro Morata.
Những sự thay đổi của Fonseca ít nhiều mang đến màu sắc tươi mới cho AC Milan, với không ít tình huống lên bóng thông thoáng từ biên lẫn trung lộ. Nhưng rồi, biến cố ập tới ở phút 29, đúng 16 phút sau khi Rossoneri có bàn mở tỉ số, với việc Tijjani Reijnders nhận thẻ đỏ trực tiếp.
Kể từ đây, Paulo Fonseca buộc phải thay đổi kế hoạch, không mạo hiểm dâng cao, thay vào đó chỉ đạo các học trò chơi chùng xuống. Ngay đầu hiệp 2, nhà cầm quân người Bồ Đào Nha đã rút một cầu thủ tấn công (Noah Okafor) ra nghỉ, và thế chỗ bằng một nhân tố có thiên hướng phòng ngự (Yunus Musah). Mặc dù hứng chịu nhiều sức ép từ Udinese trong hiệp 2, song rốt cuộc đội chủ sân San Siro vẫn bảo toàn thành quả có được đến hết trận.
Người chơi nổi bật nhất phía AC Milan ở trận này vẫn là cái tên Christian Pulisic. Ngoài đường kiến tạo cho Samuel Chukwueze lập công, anh còn tung ra 20/26 đường chuyền chính xác (tỉ lệ 77%), tạo được 3 đường chuyền quyết định, 1 lần rê bóng thành công, có 6/10 tình huống thắng tranh chấp tay đôi, 3 lần đánh chặn, và có 1 cú tắc bóng.
Sau trận đấu, huấn luyện viên Paulo Fonseca đã đưa ra nhiều lời tán dương nhiệt thành dành cho cậu học trò, và Pulisic hoàn toàn xứng đáng với điều đó. “Captain America” vẫn trình diễn một thứ bóng đá căng tràn năng lượng, cày ải đầy nhiệt huyết trên mặt trận tấn công, cả ở trung lộ lẫn dạt ra hai biên. Những tình huống rê bóng và xuyên phá của cầu thủ mang áo số 11 đặt hệ thống phòng ngự 3 người của Udinese đối diện với những thử thách lớn.
Không những vậy, khi đội nhà chỉ còn chơi với 10 người, Christian Pulisic xả thân lùi về, yểm trợ cho Youssouf Fofana và Yunus Musah trong khâu phòng ngự từ xa. Anh mạnh dạn lao vào các cuộc tranh chấp nảy lửa cùng những cầu thủ giàu sức mạnh bên kia chiến tuyến như Jesper Karlstrom, Sandi Lovric, hay Oier Zarraga.
AC Milan đã có một màn trình diễn quả cảm, và Christian Pulisic chính là hình ảnh tiêu biểu, mang dáng dấp chiến binh, lăn xả quên mình. Đây là trận đấu mà Paulo Fonseca không dùng Rafael Leao, người được xem là ngôi sao lớn nhất của Rossoneri trước mùa giải nhưng lại gặp vấn đề về phong độ lẫn thái độ chơi bóng. Và một lần nữa, Pulisic cho thấy, chẳng cần đến Leao, anh mới đích thực là nhân tố đáng tin cậy nhất của đội chủ sân San Siro tới lúc này.
Sau 8 vòng tại Serie A, cựu cầu thủ của Borussia Dortmund ghi 5 bàn thắng, có 3 kiến tạo, và mang về 3 cơ hội lớn. Ngoài ra, trong mỗi 90 phút, Christian Pulisic thực hiện tới 2.5 đường chuyền quyết định, và tung ra 25.5 đường chuyền chính xác (tỉ lệ 85%). Bên cạnh đó, anh cũng đã ghi 1 bàn thắng tại UEFA Champions League sau 2 trận.
Dưới triều đại Paulo Fonseca, bất kể AC Milan vận hành sơ đồ 4-2-3-1 hay chuyển sang 4-3-3, Christian Pulisic đều thích nghi tốt và vui vẻ hài lòng đón nhận nhiệm vụ được giao. Anh có thể đá dạt cánh, chơi như một trequartista, hay thậm chí sắm vai trung phong.
Mùa trước, trong năm đầu tiên khoác áo AC Milan, Christian Pulisic cũng đã gây ấn tượng mạnh khi đóng góp 15 bàn thắng cùng 11 kiến tạo trên mọi đấu trường. Và mùa này, dẫu cho Rossoneri thể hiện bộ mặt thất thường, “Captain America” vẫn khiến báo chí truyền thông phải nhắc đến mình với những màn trình diễn nức lòng.
Chưa biết AC Milan dưới kỷ nguyên Paulo Fonseca sẽ ra sao ngày sau, nhưng điều chắc chắn, hành trình phía trước của tập thể này không thể thiếu dấu chân của chàng trai 26 tuổi người Mỹ ấy.