Còn hơn là một ngôi sao, David Beckham vẫn là một thương hiệu lớn ở tuổi 36 và chuẩn bị rời khỏi Mỹ sau mấy năm thi đấu và kiếm bộn tiền ở đó. Nhưng anh chưa treo giày. Anh đang hướng tới một cú nhảy sang Paris để khoác áo PSG và có tham vọng khoác áo đội tuyển Vương quốc Anh dự Thế vận hội London 2012. Tương lai không bóng đá của anh hòan toàn chắc chắn: Beckham sẽ trở thành một biểu tượng mang tính toàn cầu. Bài viết của nhà văn người Italia Gabriele Romagnoli.
“Hãy nghĩ về anh như thế này, David Beckham - Los Angeles - Milano - Madrid - Paris. Đấy còn hơn là một quảng cáo cho nhãn hiệu Bulgari hay một mác đồ xa xỉ nào đó nữa. Một cái tên thành công và sau đó là một serie các thành phố, tất cả là những nơi giàu có, sang trọng và hào hoa nhất của thế giới, tóm lại là những nơi đủ tiền để mua anh. Tên tuổi của Beckham gắn liền với thế giới biểu diễn, đã trở nên nổi tiếng khắp toàn cầu, nhưng có lẽ vẫn còn nhiều ý tưởng nữa để có thể khai thác hình ảnh của anh và từ đó tiền tiếp tục chảy ra. Người ta bảo rằng, anh là một kiểu mẫu đủ sức tạo cảm hứng và không phải ngẫu nhiên ở Italia, người ta dịch tiêu đề bộ phim “Bend it like Beckham” (Đá vòng cung như Beckham) là “Sognando Beckham” (Mộng mơ Beckham).
Bây giờ, người ta chờ đợi một “gian hàng” mới sắp mở ra, Paris Saint Laurent (nhại của thương hiệu Yves Saint Laurent) hơn là Paris Saint Germain. Thêm một bước nữa trên con đường lát vàng mà David Beckham cũng như rất nhiều những tên tuổi hoặc thương hiệu lớn khác sẽ đi để đến bất tử. Trong bóng đá, anh đã đến được tầm vóc đó. Anh 36 tuổi và vẫn nhìn về phía trước, tới đỉnh Olimpe của thể thao thế giới, cho Thế vận hội London 2012. Nhưng giờ là lúc ta nên nhìn lại một chút.
Ở tuổi xế chiều của sự nghiệp, cái tên David Beckham vẫn rất “hot”
Nam Phi, World Cup 2010. Trong khi đội tuyển Anh đang ngộp thở thì Beckham ngồi trên băng ghế huấn luyện viên bên cạnh Fabio Capello, mặc trên người bộ quần áo thể thao. Bị chấn thương khi chơi cho Milan, anh không thể ra sân được nữa. Tôi nghĩ rằng như thế với anh là hết. Bộ quần áo mà anh đang mặc trên người gần như đồng nghĩa với việc anh đã nghỉ hưu. Có một câu chuyện mà người ta đã bịa ra sau trận đấu về một cổ động viên chẳng may đi lạc xuống phòng thay quần áo của đội Anh đã bất ngờ gặp anh như sau: Beckham đụng phải anh chàng nọ và hỏi: “Cậu là ai thế?”. Người cổ động viên trả lời: “Tôi là Pavlos và tôi đi tìm toilet. Nhưng tôi phải nói với anh rằng, chúng tôi đã chi ra một đống tiền để sang tận đây hóa ra chỉ để được chứng kiến cái màn trình diễn đáng xấu hổ này”. Một câu chuyện đầy ý nghĩa được thêu dệt để làm cho hình ảnh của Beckham trở nên lố bịch. Nhưng những câu chuyện cười kiểu đó không ảnh hưởng gì nhiều đến tên tuổi của anh, từng là một cậu bé tóc vàng bước ra sân cỏ cho đến khi cưới một cô ca sĩ nổi tiếng, người vẫn đi shopping bằng tàu cao tốc TGV. Là cha của những đứa con với các cái tên giống như được lấy ra từ trò đố ô chữ (đứa mới nhất được đặt tên Harper Seven).
Cũng không có gì ngạc nhiên khi lần đầu tiên tôi “gặp” anh lại chính là ở trang bìa của tạp chí “Fantastic Man”. Anh xuất hiện ở đó với đôi kính râm, áo sơ mỉ kẻ, cravat và áo gilet, đang ngồi uống cà phê nóng. Bóng đá dường như đang ở đâu đó rất xa và không để lại một dấu vết nào cho tương lai của anh. Sau đó là một bức ảnh khác, David Beckham đang ôm lấy Thierry Beckham trong một trận đấu của giải bóng đá nhà nghề Mỹ MLS. Đây sẽ là mùa giải cuối cùng của anh với bóng đá ở Mỹ, và những vị thần của Hollywood muốn có anh ngay tức khắc: họ muốn rằng, trong trận chung kết, đội LA Galaxy của Beckham sẽ chơi trên sân nhà và đoạt được danh hiệu vô địch MLS trước khi anh rời nơi đây ra đi. Những vị thần ư? Họ hoàn toàn xứng đáng như thế nếu như trong mùa bóng này, Beckham có nhiều đường chuyền thành bàn hơn tất cả những cầu thủ khác cộng lại? Liệu anh có biết được lúc nào là thời khắc quan trọng nhất để rồi tỏa sáng và sau đó ra đi? Beckham mới chỉ chơi bóng có 82 trận trong 5 năm qua và không phải trận nào cũng đá đủ 90 phút.
Những nhà “phê bình bóng đá”, những người đang đốt đuốc giữa bàn ngày để kiếm tìm những người hậu duệ của anh, bảo rằng, Beckham không để lại nhiều. Những gì anh đã làm ở Mỹ cũng chẳng khác gì những nét kẻ mắt hay vệt phấn mà một quý bà để lại trên khăn mùi xoa. Bóng đá ít được quan tâm ở Mỹ, chỉ là một dạng Serie B tại đó. Nhưng nếu không có Beckham, thì có lẽ giải MLS cũng chỉ đạt chất lượng ngang tầm với Serie C của Italia. Tôi đã có mặt để xem một trận đấu của Los Angeles Galaxy với đội Pachuca của Mexico. Beckham rời sân vì chấn thương ở cuối hiệp một. Ở kì nghỉ giữa hiệp, phần đông khán giả đi mua xúc xích ăn và sau đó, họ không trở lại các khán đài nữa.
Giữa hai giải vô địch MLS, Beckham đá bóng ở chỗ khác, không phải ở Mỹ. Milano đã từng là tấm hộ chiếu để anh đến World Cup, và những giọt nước mắt trong ngày anh dính chấn thương không phải là của một đứa trẻ bị đánh, mà là của một người đàn ông bị trừng phạt một cách bất công. Paris, nếu anh đến được đó, không chỉ là một bến đỗ mới cho cuộc đời, mà còn là một vụ đánh cược lớn nhất trong giai đoạn cuối của sự nghiệp: Anh muốn đến EURO 2012 cùng với Capello, nhưng không phải trong bộ quần áo của quan chức, mà là cầu thủ. Sau EURO là Thế vận hội mùa Hè ở London, trên quê hương anh. Còn sau đó? Các nhà báo Anh đã bắt đầu một trò chơi mới: Đoán xem Beckham sẽ làm gì sau khi nghỉ hưu, làm nhà tạo mẫu, người mẫu, diễn viên hay nghệ sĩ.
Những cái tít liên quan đến Beckham hiện tại cũng không khác gì những gì người ta đã viết mấy năm trước, khi anh đến Madrid hoặc mở cửa hàng đồ xịn của riêng anh tại Los Angeles. Họ viết những điều không còn gì mới mẻ nữa, vẫn là những câu từ và suy đoán ấy. Hồi đó, họ cũng bảo rằng anh sẽ đóng cánh cửa với nghề bóng đá lại để mở ra cánh cửa khác, cho một nghề khác. Nhưng hóa ra anh vẫn đá bóng tiếp, vẫn kiếm tìm những nơi mới để tới và thi đấu, để sống và nuôi dưỡng thương hiệu chính là tên tuổi và hình ảnh của mình trong một sự kết hợp hoàn hảo chưa từng có đối với một cầu thủ: Bóng đá + quảng cáo + phát triển thương hiệu + gia đình.
Sau sáu danh hiệu vô địch quốc gia với M.U và một với Real Madrid, ngày 21/11 tới, có thể sẽ là danh hiệu vô địch thứ 8 trong sự nghiệp của anh, cùng với Los Angeles Galaxy. Sau đó, gần như chắc chắn anh sẽ chuyển sang chơi cho Paris Saint Laurent, à quên, Paris Saint Germain, cho chức vô địch thứ 9 và từ đó, lập một kỉ lục mới: Nhà vô địch ở 4 nước khác nhau trải ra trên 2 châu lục, đồng thời xuất hiện trên trang bìa của tạp chí “Men’s Health” lần thứ 45. Rồi anh càng ngày càng lớn tuổi thêm, không chơi bóng nữa, nhưng vẫn bán được. Mãi mãi là thế, cho đến già”.
Phong cách và cuộc sống của Becks Sưu tập xe hơi: Beckham có 3 chiếc Ferrari, 1 chiếc Bentley, 1 chiếc Porsche màu trắng và 1 chiếc Cabrio đen. Trong garage nhà anh ở Los Angeles có 1 chiếc RR Phantom Drophead trị gía 300 nghìn bảng Anh. Những hình xăm: Anh xăm lên cơ thể mình 20 hình xăm, với tên vợ (bằng tiếng Hindu), tên các con, tên Chúa, mấy câu Kinh thánh bằng tiếng Hebrew. Lâu đài gia đình: Được gọi là Beckhingam Palace, tòa nhà của anh ở Sawbridgeworth (Herfortshire) trị giá 2,5 triệu bảng Anh. Sau đó anh chi thêm 5 triệu nữa để mở rộng thêm các phòng và xây một công viên cho lũ trẻ. Quảng cáo và tài trợ: Anh có hợp đồng quảng cáo với Pepsi, Adidas, Gillette, Vodafone, Police và Emporio Armani. Các kiểu tóc: Becks đã thay đổi cả thảy hơn 50 kiểu tóc khác nhau, từ tóc dài vàng, đeo bờm, để tóc đuôi ngựa cho đến cạo trọc. Tháng 10 mới rồi, anh bảo rằng, anh sẽ để tóc màu xám! |
(Theo Thể Thao Văn Hoá)