Thứ Bảy, 27/04/2024Mới nhất
Zalo

Đào tạo cầu thủ trẻ: Cái nhìn từ nước Anh

Thứ Bảy 03/09/2011 21:34(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Khi nào thì nỗi ám ảnh về thành tích của bóng đá Anh ở cấp độ đội tuyển, từ đội tuyển quốc gia cho đến các đội tuyển trẻ, mới kết thúc? Đó là câu hỏi mà người Anh đau đáu bấy lâu nay, và tương lai của bóng đá xứ sở sương mù tiếp tục mờ mịt khi họ vừa trải qua một mùa Hè thất bại nữa ở các giải trẻ.

Thêm một mùa Hè đáng quên

Một đội tuyển Anh khác. Một giải đấu khác. Nhưng đều chung một kết quả đáng thất vọng. Tại Đan Mạch mùa Hè này, đội tuyển U-21 của Anh đã bị đánh bật khỏi giải vô địch U-21 châu Âu sau thất bại 1-2 trước Czech.

Lần này, không có ông trọng tài Jorge Larrionda người Uruguay với quyết định điên rồ không công nhận bàn thắng hợp lệ của Frank Lampard ghi vào lưới Đức tại World Cup 2010, cũng không có ông huấn luyện viên người Italia Fabio Capello khó hiểu trong khu vực kỹ thuật, dường như người Anh chỉ có một gã tâm thần, một người tiêu biểu cho Liên đoàn bóng đá Anh. Người đó là huấn luyện viên đội tuyển U-21 Anh, Stuart Pearce. Khi các học trò của ông Stuart Pearce cúi đầu chậm chạp rời sân Viborg ở Đan Mạch, người ta lại đổ lỗi lẫn nhau. “Bóng đá Anh đã sụp đổ”, Danny Mills - cựu hậu vệ của đội tuyển Anh - bình luận trên đài BBC Radio 5 Live. “Chúng tôi đã tụt lại quá xa so với phần còn lại của thế giới, điều đó thật khủng khiếp”.

Một cầu thủ đang tập với huấn luyện viên tại học viện đào tạo bóng đá trẻ của Manchester United

Các số liệu từ Đan Mạch cho thấy: Anh chỉ ghi được 2 bàn thắng trong 3 trận đấu trong khi chuyền không chính xác 61 đường bóng dài - nhiều hơn so với bất kỳ đội tuyển nào khác tại giải U-21 châu Âu. Để đổ thêm dầu vào lửa, 2 ngày sau đó tại giải World Cup U-17 diễn ra ở Mexico, trong trận Anh hòa 2-2 trước Canada, thủ môn đội Canada đã ghi một bàn thắng khá khôi hài bằng một cú bấm bóng từ phần sân nhà, góp phần mang lại điểm số đầu tiên trong lịch sử tham dự giải đấu này cho đội tuyển đến từ khu vực Bắc Mỹ.

Cách đây 4 năm, dư luận Anh đã từng đặt câu hỏi và tiến hành nghiên cứu xem vì sao bóng đá Anh lại tụt hậu như vậy so với Brazil, Tây Ban Nha, Hà Lan và Pháp trong công tác đào tạo tài năng bóng đá trẻ. Khi đó, Giám đốc phát triển của Liên đoàn bóng đá Anh, Trevor Brooking, đã dự đoán rằng chẳng bao lâu nữa đội tuyển quốc gia sẽ rất khó khăn khi cạnh tranh tại các giải đấu lớn. Vài tháng sau, lời tiên tri của ông đã trở thành hiện thực khi đội tuyển Anh mất suất tham dự vòng chung kết EURO 2008 và 2 năm sau đó, tại World Cup 2010 ở Nam Phi, đội tuyển của ông Fabio Capello bị Đức thổi bay từ vòng 1/8.

Bài học từ Tây Ban Nha

Nếu muốn biết câu lạc bộ hàng đầu nước Anh đã để thua câu lạc bộ tốt nhất châu Âu như thế nào, bạn chỉ cần có mặt tại sân vận động Wembley vào ngày 28/5/2011. Nỗi ám ảnh mang tên Barcelona của Manchester United trong trận chung kết Champions League đã giúp người Anh hiểu rõ yếu tố nào là cần thiết để có thể thành công ở những giải đấu đẳng cấp. Tỷ số trận đấu là 3-1 nhưng tỷ số quả phạt góc, 6-0, phản ánh chính xác hơn ưu thế của đội bóng Tây Ban Nha. Đội hình xuất phát của Barcelona bao gồm 7 cầu thủ trưởng thành từ chính lò đào tạo trẻ La Masia của câu lạc bộ này. Trong khi đó Manchester United chỉ có một cầu thủ - Ryan Giggs, 37 tuổi.

Ông Ferguson đã không ngớt lời tán dương hệ thống đào tạo trẻ Barcelona. Không phải huấn luyện viên này trốn tránh sự thật phũ phàng về đội bóng mà ông đang dẫn dắt. “Chúng tôi chỉ được phép huấn luyện các cầu thủ trẻ trong 1,5 giờ”, huấn luyện viên người Scotland than vãn. “Barcelona có thể huấn luyện các cầu thủ vào bất cứ khi nào họ muốn. Đó là một lợi thế. Hy vọng trong vài năm tới, các huấn luyện viên của chúng tôi có thể dành nhiều thời gian hơn cho đội trẻ để dạy các cầu thủ những nguyên tắc cơ bản, khả năng kỹ thuật và tự tin giữ bóng bất kỳ lúc nào”.

“Giờ tiếp xúc” là thuật ngữ thông dụng được dùng trong hệ thống đào tạo trẻ và người ta cho rằng tới khi nào số giờ tiếp xúc dành cho các cầu thủ trẻ đội tuyển Anh tăng lên, họ sẽ mãi mãi tụt lại đằng sau các đối thủ trên thế giới. Ở lứa tuổi từ 9 đến 21, một cầu thủ trẻ Tây Ban Nha có 4.880 giờ tiếp xúc. Hà Lan và Pháp thậm chí còn dành nhiều thời gian hơn cho đào tạo trẻ, tương ứng là 5.940 và 5.740 giờ. Các cầu thủ Anh thì chỉ có 3.760 giờ.

Đây là số liệu ghi nhận được từ 92 câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp ở Anh, trong khi tình hình ở các câu lạc bộ hạng dưới còn tồi tệ hơn. “Các học trò 12 tuổi của tôi hiện nay đang phải chơi với đội hình 11 người một bên trên sân kích thước tiêu chuẩn”, Danny Mills nói. Ông cũng phụ trách lứa cầu thủ 6 và 8 tuổi. “Điều đó thật khôi hài khi cho rằng các cậu bé có thể dùng hết cả sân rộng trong lúc chúng chỉ cần tập sút bóng. Các cầu thủ chuyên nghiệp cũng hiếm khi tập trên sân kích thước tiêu chuẩn thì tại sao chúng ta lại đòi hỏi các cậu bé 11 hay 12 tuổi làm điều đó?”.

Vấn đề văn hóa trong bóng đá

Nhưng Mills tin rằng cốt lõi của việc Anh không thể sản sinh ra những cầu thủ bóng đá có kỹ thuật tốt và thông minh nằm ở vấn đề văn hóa. Những gì vẫn nhìn thấy vào mỗi dịp cuối tuần khiến ông nản lòng. “Chúng tôi có một số huấn luyện viên giỏi, những người góp phần phát triển bóng đá trẻ”, ông giải thích. “Nhưng đối với hầu hết trong số họ, chiến thắng là tất cả. Họ chỉ lựa chọn những cầu thủ to lớn nhất vì đó là những người có thể tranh chấp tốt và tạo ra nhiều cơ hội chiến thắng hơn. Tôi muốn những đứa trẻ phải có kỹ năng tốt để có thể chuyền bóng. Các học trò 8 tuổi của tôi có nhiều thủ thuật và kỹ năng hơn tôi từng có, nhưng nếu chúng dùng các kỹ năng ấy trong các trận đấu mà không hiệu quả thì chúng sẽ bị khiển trách”.

Tâm lý chiến thắng là tất cả tồn tại trong bóng đá trẻ càng thể hiện rõ khi mới đây người ta đã phát hiện ra một giải đấu trẻ ở North-West đã tiêu tốn 20.000 bảng cho những chiếc cúp và huy chương, trong khi một câu lạc bộ chỉ dùng có 6.000 bảng cho các giải thưởng cuối mùa giải.

“Các huấn luyện viên và các bậc cha mẹ cần thay đổi quan niệm của họ, chiến thắng không phải là tất cả”, Mills tiếp tục. “Việc huấn luyện nên theo hướng tạo ra sự vui vẻ và khuyến khích lũ trẻ thể hiện bản thân mình. Tôi đã gửi e-mail cho các huấn luyện viên và cha mẹ lũ trẻ đang chơi tại giải đấu ở Harogate dành cho cầu thủ dưới 7 và 8 tuổi và hỏi rằng liệu họ có thể dạy các thủ môn đá quả bóng ra ngoài thay vì cầm tay ném bóng hay không. Câu trả lời tôi nhận được thật kinh khủng. Một người đáp lại rằng: ‘Những đường bóng dài là một phần trong di sản bóng đá của chúng tôi, do đó việc một cầu thủ trẻ biết chặn và xử lý một đường bóng dài là vô cùng quan trọng’. Những người này đang ở thời đại nào vậy?”

Thực tế ở đội trẻ Tây Ban Nha cũng cho thấy sự khác biệt lớn về văn hóa giữa hai nước. Bốn năm trước, trong một bài điều tra của tạp chí Four Four Two, tác giả Phill Ball của bài viết “Moro: Câu chuyện về bóng đá Tây Ban Nha” đã nói về những trải nghiệm của con trai ông tại San Sebastian.

Trở lại thời điểm đó, cậu bé Hary Ball 11 tuổi mới tập luyện tại Real Sociedad. Hiện nay, cậu thanh niên Ball 15 tuổi đang chơi ở vị trí trung vệ cho Antiguoko, câu lạc bộ đã giúp Xabi Alonso và Mikel Arteta trở thành ngôi sao. Có vô số câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp đang săn lùng chữ ký của Harry. Năm ngoái, Harry đã có thời gian thử việc tại một câu lạc bộ hàng đầu giải hạng Nhất Anh nhưng những gì cậu trải qua đã khiến cha cậu sửng sốt. “Mỗi lần Harry có bóng, người ta đều bảo nó chuyền lên cho 2 tiền đạo. Mỗi lần Harry chuyền bóng sang ngang thì đều bị la mắng. Ở Tây Ban Nha, chơi bóng là tiếp cận bóng, giữ bóng, tạo khoảng trống và thay đổi hướng bóng. Nếu nó không đổi hướng bóng thì mới bị la mắng”.

Người Anh kém cả Thụy Sĩ

Thụy Sĩ là đất nước học tập hệ thống đào tạo tài năng trẻ của Tây Ban Nha. Hai năm trước, họ đã vượt qua Brazil, Italia, Tây Ban Nha và nước chủ nhà Nigeria để giành danh hiệu vô địch World Cup U-17. Tiếp nối thành công đó, mùa Hè này họ cũng vào tới trận chung kết Giải vô địch U-21 châu Âu nhưng sau đó thất bại trước Tây Ban Nha. Đó quả là thành tích không tệ đối với một đất nước chỉ có 7,5 triệu dân. “Cách đây 15 năm, chúng tôi đã tới thăm rất nhiều quốc gia châu Âu, trong đó có cả Tây Ban Nha”, Peter Knabel, Giám đốc kỹ thuật của Liên đoàn bóng đá Thụy Sĩ, nói. “Chúng tôi lập một hồ sơ và quyết định hướng đi tiếp theo là áp dụng phương pháp phối hợp với sự cộng tác của các câu lạc bộ”.

Thụy Sĩ đã triển khai một hệ thống trong đó tổ chức các nhóm cầu thủ ở cùng độ tuổi theo cấu trúc của đội tuyển quốc gia. Sự phối hợp giữa các câu lạc bộ trong những khía cạnh khác của công tác đào tạo trẻ được khuyến khích bằng những ưu đãi về tài chính, trong khi đó các huấn luyện viên phải cập nhật chương trình đào tạo để phù hợp với phương pháp chơi bóng của những câu lạc bộ hàng đầu châu Âu. Ông lạc quan một cách đáng ngạc nhiên về tình thế khó khăn hiện tại của bóng đá trẻ nước Anh. “Tôi không nghĩ công tác đào tạo tài năng trẻ của Anh lại yếu kém như nhiều người khác nhận định. Năm ngoái, đội U-17 nước Anh đã đè bẹp đội chúng tôi trong một trận đấu giao hữu và sau đó họ tiếp tục giành danh hiệu vô địch châu Âu đấy thôi”.

Knabel có lẽ là người hào phóng. Chức vô địch của đội tuyển Anh tại Liechtenstein mùa Hè vừa rồi là danh hiệu quốc tế đầu tiên mà quốc gia này giành được ở mọi lứa tuổi kể từ năm 1993. Cầu thủ Josh McEachran của Chelsea là một trong những ngôi sao, cùng với tiền đạo Connor Wickhan, người đã ghi bàn quyết định chiến thắng của Anh trong trận chung kết với Tây Ban Nha. Thành công này, cộng với những thay đổi nhân sự gần đây của Liên đoàn bóng đá Anh, Premier League và Football League, nhiều người cho rằng bóng đá Anh đã có những chuyển biến tích cực.

Những bất cập trong đào tạo

Bốn năm trước, Trevor Brooking đã nói về sự hoang mang của ông khi 3 câu lạc bộ bóng đá lớn của Anh thiếu phối hợp với nhau. Hiện nay, bức tranh đã có vẻ đỡ tối tăm hơn nhờ nền chính trị và quyền lợi bất di bất dịch của bóng đá Anh, vì các câu lạc bộ phải tuân thủ các quy tắc của UEFA liên quan đến các cầu thủ được đào tạo trong nước và luật công bằng tài chính. “Có vẻ như mọi người ngày càng đồng thuận rằng chúng tôi cần đào tạo thêm nhiều cầu thủ của riêng mình”, Nick Levett, Giám đốc đào tạo trẻ của Liên đoàn bóng đá Anh, nói. “Mối liên hệ giữa Liên đoàn, Premier League và các cơ quan liên quan khác tốt hơn so với những gì người ta nghĩ về nó”.

Levett đã giành 18 tháng qua thu thập ý kiến từ 400 giải đấu trẻ, 37 Liên đoàn bóng đá của các quốc gia và hơn 1.000 huấn luyện viên các đội hạng dưới. Nhưng quan trọng hơn là ông đã thiết lập một lộ trình để thu thập ý kiến của hàng ngàn đứa trẻ. Kết quả đã được công bố, đặc biệt gây chú ý ở quan điểm của các cầu thủ trẻ về sự can dự của cha mẹ chúng. Một cậu bé dưới 10 tuổi từ Worcester nói: “Tôi không thích khi chúng tôi thử nghiệm những điều mới và không thành công ở lần đầu tiên thì bị cha mẹ la mắng”. Một cậu khác từ Bedfordshire cho biết một cách đáng ngại hơn: “Khi người ta mắng tôi vì những điều tôi làm chưa tốt, tôi chỉ muốn rời sân tập và trở về nhà”.

Quan điểm của chúng về bóng đá trẻ thậm chí còn cụ thể hơn: “Tại sao sân tập lại to hơn so với năm ngoái khi chúng cháu chỉ lớn hơn chút xíu?”, một cậu bé dưới 11 tuổi đến từ Huddersfield hỏi, trong khi một thủ môn 11 tuổi không trả lời vào câu hỏi: “Tại sao người ta lại mong đợi cháu bắt được những cú sút bóng với một khung thành quá lớn mà khi căng lưới người lớn phải dùng đến cả thang gấp?”. Bài thuyết trình dài 58 trang của Levett đã chỉ ra rất nhiều vấn đề còn tồn tại xung quanh hệ thống đào tạo trẻ, tập trung vào hai điểm chính. “Có vẻ như lũ trẻ đều không quá bận tâm về chiến thắng như cha mẹ chúng”, Levett nói, “lũ trẻ chơi bóng bởi vì chúng thấy vui và vì chúng được nô đùa với bạn bè. Chúng muốn cố gắng hết sức nhưng chiến thắng không phải là tất cả. Những đứa trẻ của chúng tôi chắc chắn là còn quá trẻ khi chuyển sang bóng đá 11 người, và vấn đề thứ hai là bước chuyển từ bóng đá mini sang bóng đá 11 người là quá lớn.”.

Về khía cạnh này, thay đổi sắp tới là rất lớn. Hiện tại các cầu thủ trẻ ở Anh chuyển sang chơi bóng 11 người ở tuổi 11. Tại Tây Ban Nha và Hà Lan là ở tuổi 13, ở Pháp là 14 và Đức là 15. “Mọi người đều đồng ý rằng từ mùa giải 2013-2014, các cầu thủ 11 tuổi của chúng tôi sẽ chơi bóng 9 người một bên”, Levett tiếp tục. “Một năm sau đó, các cầu thủ đã 12 tuổi. Tôi muốn tiến xa hơn nhưng mọi thứ cần phải kiên nhẫn”.

(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Có thể bạn quan tâm

Erling Haaland không khủng hoảng nhưng rốt cuộc anh cũng chỉ là người phàm trần mà thôi

Erling Haaland không khủng hoảng nhưng rốt cuộc anh cũng chỉ là người phàm trần mà thôi

Erling Haaland không khủng hoảng nhưng rốt cuộc anh cũng chỉ là người phàm trần mà thôi

Erling Haaland không hề khủng hoảng. Chàng trai trẻ người Na Uy đang đứng trước viễn cảnh có được mùa giải thứ hai liên tiếp đoạt cú đúp danh hiệu quốc nội và giải thưởng Chiếc Giày Vàng của Premier League, một thành tích mà ngay cả Thierry Henry cũng chẳng làm được.

Xem thêm
top-arrow
X