Trong nhóm "tứ đại gia" truyền thống của Serie A, chỉ duy nhất Milan không có huấn luyện viên mới. Juventus gửi gắm niềm tin vào Conte, Inter đặt hy vọng vào Gasperini và Roma quyết mạo hiểm với Luis Enrique. Cuộc đấu trí giữa họ với Allegri, nhà cầm quân của Milan, cũng sẽ chính là cuộc chiến Scudetto mùa này.
Allegri, "người đặc biệt" của Serie A
Jose Mourinho từng nhận xét với vẻ khinh miệt về cuộc bầu chọn nhà cầm quân hay nhất Serie A mùa 2008-09 do Hiệp hội huấn luyện viên Italia tiến hành, nơi Allegri giành chiến thắng còn ông chỉ đứng thứ… 8, rằng "Tôi rất ngạc nhiên, chẳng phải vì không đứng đầu, mà là vì không đứng bét". Hơn một năm sau khi "Người đặc biệt" nghạo nghễ rời Italia, Allegri đã chứng tỏ rằng ông xứng đáng được coi là chiến lược gia số một của giải đấu.
Muốn giật Scudetto, hãy đánh bại Allegri |
Trong một năm dẫn dắt Milan, Allegri biến mình thành một "Mourinho mới" của Serie A về mặt chuyên môn, giành được những chiến thắng thuyết phục mà không cần phải làm loạn truyền thông bằng những cử chỉ hay phát ngôn gây tranh cãi. Có xuất phát điểm là một người ưa thích lối đá tấn công "quên chết", nhưng ở Milan, chiến lược gia sinh tại Livorno này đã chứng minh được rằng, ngay cả khi chơi với tư tưởng phòng ngự, đội bóng của ông vẫn quyến rũ và mạnh mẽ vô cùng. Cái uy phong của Allegri không được thể hiện trên mặt báo hay trước camera truyền hình, mà là trước mặt những học trò triệu phú và thậm chí cả ông chủ của mình.
Ai đã buộc Ronaldinho và Pirlo, những "đại ca" dưới thời Leonardo, chấp nhận lẳng lặng ra đi? Ai đã biến những "siêu quậy" như Ibrahimovic, Robinho hay Cassano thành những anh chàng "ngoan hiền"? Ai đã khiến ông chủ Berlusconi "á khẩu" suốt cả mùa giải, bất chấp đã thẳng tay gạt bỏ Ronaldinho, cầu thủ mà Berlu rất cưng chiều? Ai đã thêm một lần chứng minh lý thuyết của Mou (hiện đã không còn đúng ở cuộc chiến chống Barcelona của Real Madrid), rằng chiến thắng được sinh ra từ sự thực dụng? Là Allegri.
Học Allegri để thắng Allegri
Không hẹn mà gặp, cả ba đối thủ lớn truyền thống của Milan mùa này đều đặt niềm tin vào những huấn luyện viên ưa thích lối đá tấn công. Gasperini trung thành với sơ đồ có 3 tiền đạo và 3 hậu vệ, Conte thậm chí còn "phiêu" hơn với sơ đồ 4-2-4 không dành cho các tifosi có vấn đề về tim mạch, Luis Enrique mang đến Italia tham vọng truyền bá lối đá tiqui-taca mạnh mẽ mà quyến rũ. Họ sẽ tạo thành thế chân kiềng để tấn công vào cứ điểm mà Allegri, người mang tư tưởng phòng ngự chắc chắn để giành chiến thắng, đang chiếm giữ. Nhưng để đạt được mục tiêu đó, những vị tướng mới này trước hết cần phải học cách khẳng định chỗ đứng như Allegri đã làm.
Một năm trước, Allegri cũng đã ở vào vị thế của Conte, Gasp hay Luis Enrique hiện tại, bắt đầu công việc trong sự hoài nghi và rất nhiều bỡ ngỡ trước một môi trường hoàn toàn khác lạ. Allegri còn bị ảnh hưởng bởi lối chơi 4-2-1-3 từng giúp Milan chơi ấn tượng dưới tay Leonardo và đá xong trận mở màn mới biết Milan hình hài thế nào. Những trận đầu mùa chệch choạc của Milan khiến sức ép trên vai ông vô cùng nặng nề khi tháng 10 đến, nhưng bằng việc dũng cảm (hay liều lĩnh?) gạt Pirlo và Ronaldinho để dành sân cho các tiền vệ giàu sức chiến đấu theo ý tưởng của mình, Allegri đã tìm ra con đường chiến thắng cho đội bóng. Ai trong số ba vị Conte, Gasperini và Luis Enrique hiện nay cũng đều có những vấn đề tương tự về lối chơi, đội ngũ và sự khó xử với các "cây cổ thụ" trong đội, nhưng ai sẽ vượt qua được như Allegri đã từng?
Thuận lợi lớn cho các tân chiến lược gia là lịch đấu đầu mùa của cả Inter, Juventus và Roma (ở Serie A) đều nhẹ hơn của Milan rất nhiều. Đó sẽ là điều kiện để họ khẳng định khả năng của mình nhằm tạo ra một cuộc cạnh tranh quyết liệt hơn với Allegri, người duy nhất đã có được sự ổn định và hiệu quả trong công việc của mình.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)