Nỗi hổ thẹn của bóng đá Italia
Vô số những pha phạm lỗi biến trận đấu thành một miếng vải bị cắt vụn, và máu đã đổ những 2 lần: Phút 60, Jonathan Zebina nhảy lên tranh chấp với Granoche, để rồi một cú vung tay (không hiểu là vô tình hay hữu ý?) của tiền đạo người Uruguay khiến cho Zebina phải rời sân với máu đầu đầm đìa (trở lại sân thi đấu với cái đầu quấn băng trắng). Phút 68, trung vệ Fabio Cannavaro cũng bị chảy máu mũi khi va chạm sau một pha “tung tẩy” khác của Granoche. Thế nhưng, Diego mới chính là cầu thủ thê thảm nhất trong trận đấu này: Tiền vệ người Brazil dường như không thể giữ bóng quá 5 giây mà không bị phạm lỗi, và phần lớn đều là những pha vào bóng ác ý từ phía sau.
Chievo - Juventus: Trận đấu bộc lộ hết những "tệ nạn" của bóng đá Italia |
Phút 77, ống kính Camera bắt được hình ảnh thủ môn Stefano Sorrentino bị một vệt đèn laze quét dọc người. Trong khi đó ở trên sân, trọng tài Paolo Valeri khiến trận đấu trở nên rất căng thẳng vì những lần cắt còi bất hợp lý, và khi thổi phạt đúng, thì ông lại quá nhẹ tay khi rút thẻ. Thống kê cho thấy tổng số lần... nằm sân của cầu thủ 2 đội là 48 (Chievo phạm lỗi 28 lần, Juventus 20), và phần lớn đều là những pha đốn người rất thô, nhưng chỉ có vỏn vẹn 4 thẻ vàng được rút ra. “Máy chém” Pinzi, người chỉ có nhiệm vụ đốn chân Diego trận này, thậm chí còn không phải nhận một lời cảnh cáo từ trọng tài.
Và trận Chievo – Juventus biến thành sân khấu mà ở đó, mọi thứ “tệ nạn” của bóng đá Italia được bộc lộ rõ rệt nhất: Bạo lực, sự quá khích của khán giả và sự yếu kém của trọng tài.
Chuyên môn cực nghèo nàn
Sau 90 phút (thêm 5 phút bù giờ), tỉ số sút cầu môn của 2 đội là... 4-4, và con số ấy đủ để nói lên sự nghèo nàn kinh khủng về mặt chuyên môn. Sau cú sút mở tỉ số của Gennaro Sardo, Chievo không đá bóng nữa, mà tập trung xây nên một tuyến đê phòng ngự vô cùng dữ dằn, với những pha vào bóng cực rắn và những tiểu xảo câu giờ khá lộ. Thế thủ của Chievo sặc mùi bạo lực, còn thế công của Juventus thì nghèo nàn về ý tưởng và rất máy móc: 25 phút đầu hiệp hai, họ chỉ tổ chức tấn công từ cánh trái, với nhân lực dạt hẳn sang biên lên đến 4 người: De Ceglie, Diego, Del Piero, Grosso. 20 phút sau, dường như nhận được chỉ đạo từ Ferrara, Juventus lại chỉ đâm đầu sang...cánh đối diện, khi Diego và Del Piero tích cực di chuyển ra biên phải.
Trong bối cảnh Chievo chơi co cụm, ý đồ tấn công quá đơn sơ của Juventus dễ dàng bị bắt bài. Cự ly đội hình của họ cũng không được mở rộng để dàn các mũi tấn công ra nhiều hướng một cách thoải mái hơn, mà co cụm hệt như Chievo, khiến cho khán giả bị tra tấn khi phải chứng kiến một đám người kín đặc trên sân chỉ lo lao vào triệt hạ nhau, chứ không muốn đá bóng. Những pha bóng đẹp không thể “nảy mầm” trong một môi trường quá cằn cỗi đến như thế.
Và đó là một trận đấu thất bại trên cả hai phương diện đạo đức và chuyên môn sân cỏ. Không còn gì đọng lại, chỉ có những tương lai u tối đang chờ: Juventus chìm sâu vào khủng hoảng, còn Ferrara đối mặt với án sa thải...
(Theo Thể Thao Văn Hoá)