Nếu cần một lý do chung để giải thích cho trào lưu thay HLV như thay áo ở các đội bóng Serie A những mùa giải gần đây, tiêu biểu như mùa giải trước với 16 nhà cầm quân bị đuổi việc, thì đó là thực tế rằng ở Italia, nhìn đâu cũng thấy HLV bóng đá.
Tuần trước, khi chủ tịch Sergio Porcedda của CLB Bologna quyết định sa thải HLV Franco Colomba, ông đã có sẵn trong tay một danh sách khá dài các ứng viên sẵn sàng ngồi vào chiếc ghế vừa bị trống, bao gồm Mario Beretta, Alberto Malesani, Gianfranco Zola, David Ballardini, Gianni De Biasi. Nhưng đám đông đó mới chỉ tương đương 1/5 số HLV thất nghiệp mà Porcedda có thể chọn lựa cho một vị trí duy nhất mà ông cần. Nếu tất cả những nhà cầm quân này cùng nộp hồ sơ ứng cử với Porcedda, trụ sở Bologna sẽ tấp nập chẳng kém một hội chợ việc làm.Một người danh tiếng như Marcelo Lippi ẫn chưa tìm được công việc mới
Tổng cộng, bóng đá Italia lúc này đang có 24 HLV chuyên nghiệp (được cấp phép dẫn dắt các đội bóng từ Serie B trở lên) phải “ngồi chơi, xơi nước”, trong đó tất nhiên là có Colomba, nhà cầm quân vừa bị Bologna đá ra ngoài đường. Đặt giả thiết tất cả các đội bóng dự Serie A mùa này đều cùng thay tướng giữa mùa và chọn lấy mỗi đội một người từ số chiến lược gia rỗi việc kể trên, thì vẫn còn thừa ra tới 4 người. Nếu tất cả các đội Serie B cũng làm điều tương tự, thì vẫn có 2 người bị bỏ qua. Trong khi đó, vẫn đang có không ít HLV người Italia “kiếm cơm” ở nước ngoài, tiêu biểu là Ancelotti, Mancini và Di Matteo ở Anh, Spalletti ở Nga, Trapattoni ở tuyển Ireland hay Walter Zenga hành nghề tận… Arab Saudi. Nếu HLV Zaccheroni không được đội tuyển Nhật Bản mời cầm quân cách đây một tuần, thì con số đó sẽ là 25.
Tuy nhiên, không phải cứ thất nghiệp là kém cỏi. Trong danh sách HLV chờ việc ở Italia lúc này, có những cái tên được chú ý và ít nhiều đã tạo được dấu ấn như Leonardo, Ballardini, Novellino, Donadoni và có cả nhà cầm quân lừng danh Marcello Lippi. “Gã đầu bạc” Lippi vẫn khẳng định ông không có ý định trở lại cầm quân cấp CLB, nhưng khi nào ông chưa quyết định về hưu, thì điều gì cũng có thể xảy ra. Leonardo tuyên bố nghỉ ngơi một năm để cho lành vết thương bị tỷ phú Silvio Berlusconi sa thải phũ phàng dù đưa Milan thành công hơn mong đợi ở mùa vừa qua. Claudio Gentile từng dẫn dắt ĐT U21 Italia trong 6 năm, giành một chức vô địch U21 châu Âu và HCĐ tại Olympic Athens 2004. Donadoni từng đưa ĐT Italia lọt vào tứ kết EURO 2008. Dù vậy, phần lớn các nhà cầm quân đang thất nghiệp là những người đã quen với việc bị sa thải trong sự nghiệp của mình.
Sự thừa thãi HLV ở Italia rõ ràng có tác động rất lớn đến tâm lý của các ông chủ, bởi một khi người ta có thể tìm thấy sự thay thế tương đương (đôi khi là tốt hơn) dễ dàng như thò tay lấy đồ trong túi, việc sa thải người hiện tại là rất giản đơn. Chuyện một đội bóng thay tới 3 nhà cầm quân trong cùng một mùa giải để vùng vẫy tránh xuống hạng cũng trở nên rất dễ hiểu. Tuy nhiên, thay vì phải nỗ lực không ngừng để cạnh tranh và giữ chỗ đứng trong môi trường khắc nghiệt, phần lớn các HLV Italia đều có tâm lý dửng dưng chờ thời. Cứ ngồi chơi vài ba tháng rồi thế nào cũng có cơ hội đến “chữa cháy” ở đâu đó, về sau có bị sa thải cũng chẳng sao. Kẻ kém cỏi không bị đào thải, trong khi năm nào cũng có một bộ phận mới vào nghề tự tin tranh phần. Đó là lý do khiến cho cơn khủng hoảng thừa HLV ở Italia chỉ có trầm trọng hơn chứ không bớt đi, song chất lượng lại tỷ lệ nghịch với số lượng.
Điển hình như Walter Novellino, người từng dẫn dắt Sampdoria khá thành công từ 2002 đến 2007. Suốt cả mùa hè, ông chỉ nhận được một lời mời duy nhất từ Perugia, đội bóng hạng nghiệp dư. Thực tế đó có thể phản ánh chính xác năng lực của Novellino ở thời điểm này, cũng có thể không, nhưng Novellino từ chối Perugia chắc chắn không phải vì ông không cần việc làm, mà vì ông vẫn muốn chờ một lời mời “chữa cháy” từ đâu đó ở Serie A hay Serie B trong tương lai gần.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)