Thứ Bảy, 27/04/2024Mới nhất
Zalo

Chelsea và Arsenal ở Champions League: Hồi sinh tham vọng

Thứ Năm 21/10/2010 08:44(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Mang bộ cánh lộng lẫy ra trình diễn ở đấu trường Champions League, Chelsea và Arsenal bỗng biến thành những quý ông lịch lãm. Sự lịch lãm của họ đang reo rắc nỗi sợ hãi khắp cõi châu Âu. Để rồi, sau một năm đáng quên, tham vọng Premiership như dần được hồi sinh.

Người ta nói, thủ đô Moscow của Nga và sân vận động Luzhniki là nỗi ám ảnh muôn đời của Chelsea. Họ có lý. Thời thịnh vượng nhất, oai hùng nhất của The Blues trong kỷ nguyên Roman Abramovich, Chelsea chứng kiến nỗi buồn đau lớn nhất ở chính nơi đây. Và họ nghĩ, Spartak Moscow sẽ xát thêm muối vào vết thương chẳng bao giờ lành của The Blues.

Nhưng không, mọi suy đoán đều đã trở nên lố bịch. Chelsea không còn sự mong manh và cũng đã quên cái cảm giác bị ma ám như cách đây hơn 2 năm. Cái lạnh nước Nga có thể buộc Anelka phải đeo găng tay cho khỏi bị cóng, song chẳng thể đánh bại ý chí lập công của tiền đạo người Pháp này. Và Zhirkov, tình đồng hương có nghĩa chi khi anh sút tung lưới Spartak Moscow?

Không cần đến Drogba, Chelsea vẫn toàn thắng cả 3 trận ở Champions League

Thời Carlo Ancelotti, Chelsea mang bộ mặt sắc lạnh của một kẻ hủy diệt đích thực. Kết quả là với 9 điểm, The Blues độc chiếm ngôi đầu bảng F.

Không lạnh lùng như Chelsea, Arsenal mang vóc dáng của những công tử nhảy múa cùng trái bóng. Con số 14 bàn thắng sau chỉ 3 trận đầu dễ dàng đưa Pháo thủ London trở thành một cỗ máy săn bàn siêu hạng. Tại kỷ nguyên Champions League, chưa từng có đội bóng nào làm được điều kỳ diệu như các học trò của Wenger. Hình như, Arsenal đang bay vào vòng kế tiếp.

Có người bảo, lá phiếu bốc thăm đưa Chelsea và Arsenal vào những bảng đấu giản đơn quá. Cũng có người bảo, đã được gọi bằng từ “đại gia”, các anh hào của thủ đô London buộc phải có trách nhiệm vượt qua vòng bảng… Họ có lý. Sự thực là 2 bảng F và H có sự hiện diện của Chelsea và Arsenal dễ chơi thật. Nhưng sau những gì 2 trong 4 đại diện của Premiership trình diễn, có dự cảm về một sự tốt lành đang đến với bóng đá Anh.

Mùa trước, đã không có lấy một gương mặt Premiership nào góp tên ở vòng bán kết. Đó là một nỗi thất vọng ghê gớm, sau nhiều năm các CLB Anh làm điên đảo sân chơi danh giá Champions League. Ngoài thiệt hại về tài chính và giá trị thương hiệu, đã có không ít dự báo rằng thời thịnh vượng của bóng đá Anh đã qua. Nhìn cách Liverpool rơi rụng ngay ở vòng bảng, rồi mùa này không được dự Champions League, mối lo là hoàn toàn có cơ sở. Câu hỏi được đặt ra, sau Barca 2008, Inter 2009, năm 2010 này ai sẽ lên ngôi?

Còn quá sớm để đưa ra một nhận định đủ sức thuyết phục, chứ chưa dám nói là chính xác. Nhưng cách Carlo Ancelotti đang vận hành Chelsea khiến nhiều người tin The Blues sẽ là lá cờ đầu của Premiership trên bình diện quốc tế mùa này. Còn tất nhiên, vẫn có thể hy vọng vào khát khao tuổi trẻ của Arsenal, bản lĩnh và kinh nghiệm của M.U hay tinh thần khám phá của Tottenham.

Nhưng trên hết, đã hội tụ đủ các điều kiện để khẳng định rằng, Premiership bây giờ vẫn là một đối trọng đáng sợ. Serie A có Inter không hơn. Bundesliga chỉ Bayern và hết. La Liga có thể có cả Barca lẫn Real. Song không giải đấu nào trong số 5 “ông lớn” của bóng đá châu Âu có đến 3 ƯCV cho ngôi vị quán quân Champions League 2010/11 ngoài Premiership.

Hè 2010, bóng đá Anh trải qua cuộc khủng hoảng trầm trọng trên mọi cấp độ. Bây giờ, nền trời u ám đã tan, nhường chỗ cho tham vọng dần được hồi sinh.

Chelsea những ngày không Drogba: Trong họa, rất nhiều phúc

Thật khó tin rằng Chelsea đã toàn thắng cả 3 trận đầu của vòng bảng Champions League 2010/11 mà không có Didier Drogba. Không chỉ thắng, họ còn thắng đậm, ghi tổng cộng 8 bàn/3 trận và chỉ để lọt lưới 1 lần. Và càng đáng ngạc nhiên hơn, khi ngược lại với các trận thắng đậm ở Premiership, trong cả 3 trận đấu ấy Chelsea là đội… tấn công ít hơn. Tỷ số cú sút trong 3 trận lần lượt là 23-13 (nghiêng về phía Zilina), 22-15 (nghiêng về phía Marseille) và 17-13 (Spartak Moscow).

Dễ dàng nhận ra một điều: khi không có Drogba, bóng được chia đều cho các cầu thủ ở tuyến trên. Anelka tất nhiên vẫn là mũi nhọn trong mỗi lần Drogba vắng mặt (anh ghi 4 bàn/3 trận), nhưng phong cách chơi bóng của Anelka khác với Drogba. Anelka hoạt động rộng hơn, chịu khó lùi sâu hay dạt ra biên để làm bóng thay vì cắm chặt quanh vòng cấm địa của đối phương. Trong số 8 bàn Chelsea đã ghi, ngoài 4 lần tự lập công, tiền đạo người Pháp còn có một pha kiến thiết (mở đầu cho chiến thắng 4-1 trước Zilina).

Chính điều đó đã khiến lối chơi của Chelsea cởi mở hơn nhưng vẫn không kém phần hiệu quả, khi nhiều nhân tố bấy lâu đóng vai “kép phụ” được quyền lên tiếng. Một trong những điểm sáng của 3 chiến thắng tại vòng bảng Champions League của Chelsea chính là việc 2 cầu thủ tưởng đã thành vô dụng là Sturridge và Zhirkov đều đã lập công.

Có một chi tiết thú vị nữa đến từ những con số. Spartak Moscow là đội bóng duy nhất kể từ tháng Chín năm 2009 tung ra được tới 9 pha dứt điểm trúng khung thành khi thi đấu với Chelsea. Nhưng nếu đội bóng cuối cùng làm được việc đó (Wigan) đã thắng Chelsea tới 3-1 thì Spartak lại thua 0-2. Từ việc Chelsea luôn tấn công ít hơn và phòng thủ vững chắc hơn khi không có Drogba, có thể đặt giả thiết rằng họ chơi thận trọng hơn khi không có chân sút hàng đầu của mình. Đó chắc chắn là “phúc”.

Drogba vẫn rất vô cùng quan trọng, nhưng anh đã không còn là cầu thủ không thể thay thế. Nếu HLV Hiddink sửa sai cho Scolari bằng việc sử dụng Anelka đá cặp thành công với Drogba trên hàng công, thì có vẻ như Ancelotti đã nâng nghệ thuật dùng người lên một đỉnh cao mới. Ông biến Anelka thành một ngôi sao có khả năng tỏa sáng độc lập, khai thác tối đa các phẩm chất của tiền đạo này.

Con số: 6

Với bàn thắng ghi được ở trận Arsenal hủy diệt Shakhtar Donetsk 5-1, tiền đạo Chamakh đã đi vào lịch sử Champions League, khi là cầu thủ đầu tiên lập công trong 6 trận liên tiếp. Thành tích của tuyển thủ Morrocco được bắt đầu từ vòng tứ kết Champions League mùa trước, lúc anh còn khoác áo Bordeaux, kéo dài cho tới tận bây giờ, khi anh đã chuyển sang Arsenal. 
 
(Theo báo Bóng Đá)

Có thể bạn quan tâm

Erling Haaland không khủng hoảng nhưng rốt cuộc anh cũng chỉ là người phàm trần mà thôi

Erling Haaland không khủng hoảng nhưng rốt cuộc anh cũng chỉ là người phàm trần mà thôi

Erling Haaland không khủng hoảng nhưng rốt cuộc anh cũng chỉ là người phàm trần mà thôi

Erling Haaland không hề khủng hoảng. Chàng trai trẻ người Na Uy đang đứng trước viễn cảnh có được mùa giải thứ hai liên tiếp đoạt cú đúp danh hiệu quốc nội và giải thưởng Chiếc Giày Vàng của Premier League, một thành tích mà ngay cả Thierry Henry cũng chẳng làm được.

Xem thêm
top-arrow
X