Hiệu ứng thay tướng ở Chelsea bỗng trở nên vô dụng. Trận đấu thứ hai dưới thời tân HLV Rafa Benitez, đội chủ sân Stamford Bridge chịu thất bại tâm phục khẩu phục 1-3 trước West Ham, và Fernando Torres, cầu thủ con cưng một thời của ông Benitez, trải qua gần 12 tiếng đồng hồ tịt ngòi trong màu áo xanh. Bây giờ, ai có thể xây lại cây cầu Stamford đây?
Cây cầu ấy cứ từng đổi chủ lại rực rỡ hơn. Chelsea của ông Avram Grant đã từng thua ngay trận đầu tiên, nhưng sau đó bất bại gần hai tháng trên mọi mặt trận và giành ngôi á quân ở cả Premier League và Champions League (thậm chí, họ không thể chiến thắng ở Champions League cũng chỉ do thiếu may mắn). Chelsea của tân HLV Luiz Felipe Scolari chí ít cũng chơi thành công ở lượt đi của mùa giải, giành Cúp Community Shield và dẫn đầu 9 vòng đầu liên tiếp với thành tích bất bại. Chelsea của Guus Hiddink chỉ thua 1/23 trận dưới triều đại của ông, và cán đích thứ ba ở Premier League. Chelsea của Ancelotti giành cú đúp quốc nội trong năm đầu tiên, và Chelsea của Roberto Di Matteo thậm chí còn vô địch cả FA Cup lẫn Champions League trong ba tháng đầu tiên.
Benitez chưa thể vực dậy Chelsea
Nhưng Chelsea của Rafa Benitez không được như thế. Các đời HLV mới trước đây, trừ ông Grant, đều được các CĐV áo xanh ủng hộ nhiệt tình. Benitez, người đã từng thóa mạ chính các CĐV Chelsea và đội bóng này, bị chửi rủa và coi như tội đồ. Trên sân, đội áo xanh vẫn thể hiện được tinh thần thường thấy của một CLB có “sở trường thay tướng”, nhưng sự nguy hiểm của một đội bóng lớn thì không còn.
Chelsea đã dẫn bàn từ phút 13 từ một tình huống căng ngang của Torres cho Juan Mata, nhưng đội bóng áo xanh và bản thân tiền đạo người TBN đều không thể vượt qua được chính bản thân mình. Bàn thắng ấy giúp hàng công Chelsea hưng phấn nhanh chóng, liên tiếp tạo ra chừng chục cơ hội chỉ trong nửa cuối hiệp hai, và Torres cũng đã có không ít cơ hội để sút tung lưới West Ham, nhưng tất cả các pha dứt điểm đều đi lên khán đài hoặc ra biển quảng cáo.
Hiệu ứng thay tướng đã giúp Chelsea tạo ra tinh thần tốt hơn, như thường lệ, nhưng dưới sự dẫn dắt của ông Benitez, đó không phải là một đội bóng nguy hiểm. Ngược lại, giống như một CLB nhỏ, Chelsea của Benitez dễ dàng chao đảo chỉ bởi một vài pha lên bóng đơn giản của đối phương. Thậm chí, cuối hiệp một, Petr Cech phải nhận thẻ vàng vì một tình huống cứu bóng bên ngoài vòng cấm, và sau đó, anh còn cứu thua xuất thần từ một pha đánh đầu cận thành khác.
Sự mong manh ấy gia tăng dần trong hiệp hai, khi West Ham thực hiện hai sự thay đổi người và dâng lên tấn công táo bạo hơn. Ông Benitez phản ứng khá chậm với sự thay đổi ấy, không nhận ra được rằng xen kẽ với những cơ hội rõ rệt, Chelsea cũng đối mặt với những phút sinh tử, mà pha phá bóng ngay trên vạch vôi của Ashley Cole vào phút 83 là lời cảnh báo rõ ràng nhất.
Ba bàn thắng đến với kịch bản khá đơn giản của West Ham sau đó cho thấy sự sụp đổ nhanh chóng của Chelsea khi sa chân vào một thế trận giằng co và thiếu đi cú đấm quyết định để kết liễu đối thủ. Chelsea đêm qua là một trong những Chelsea ít tính nguy hiểm nhất dưới triều đại Abramovich, và ngay cả sức bật thường thấy của hiệu ứng thay tướng cũng không thể đẩy bật đội bóng này lên. Ngay cả khi ông Benitez đã cố gắng can thiệp thật ít vào hệ thống thi đấu thường thấy của Chelsea: Đội bóng áo xanh vẫn ra sân với sơ đồ 4-2-3-1, với bộ tứ phòng ngự giữ nguyên và chỉ thận trọng hơn một chút trong ý đồ thi đấu. Nhưng các cơ hội vẫn trôi qua một cách khó hiểu, và một bàn thắng ghi được từ đòn đánh phủ đầu cũng không thể giúp họ chơi thanh thoát hơn.
Thất bại này có lẽ là một hiện tượng lạ dưới thời ông chủ Abramovich, khi việc thay tướng không thể tạo ra một cú hích về mặt kết quả như thường thấy, dù đội bóng không hề chơi tồi về mặt thế trận. Đây đã là trận không thắng thứ 7 liên tiếp của Chelsea ở Premier League (thua 3 và hòa 4), chuỗi trận dài nhất kể từ tháng 2/1995, thời điểm họ trải qua 10 trận không thắng. Thay tướng lần này, Chelsea không đổi vận. Mà… nát vận.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)