Chơi không hay mà vẫn thắng. Thắng với tỉ số tối thiểu 1-0. Thắng từ một tình huống cố định. Thắng vào phút bù giờ và tạo cảm giác thật tức tưởi cho đối phương. 3 điểm trước Everton vừa qua là một chiến thắng rất... Mourinho. Chiến thắng của một cỗ xe tăng, hội tụ tất cả những yếu tố cấu thành Chelsea giai đoạn từ 2004 đến 2007, kỷ nguyên Mourinho 1.0.
Lampard, Terry và phong cách chiến thắng 1-0
Đó là trận đấu đánh dấu sự trở lại trong đội hình chính thức của những cánh tay nối dài của Mourinho trong lần đầu dẫn dắt Chelsea, John Terry và Frank Lampard. Đây chính là những người mà theo Mourinho sẽ truyền mệnh lệnh của ông đến phần còn lại, những người mà theo ông, “tôi trao quyền lực nhiều hơn cho họ, và họ có trách nhiệm giúp tôi lãnh đạo đội bóng”.
John Terry trở lại sau khi vắng mặt ở 3 trận gần nhất của Chelsea vì chấn thương cơ. Frank Lampard đá chính sau khi ngồi dự bị ở trận gặp West Brom và Man City. Họ chính là những người đem về bàn thắng quyết định trận đấu. Lampard tung ra một cú đá phạt khó lường, còn pha băng vào của Terry khiến thủ thành Howard lúng túng không thể bắt dính bóng. Một tình huống cực kỳ khôn ngoan của trung vệ 33 tuổi.
Chelsea đã lấy trọn 3 điểm chỉ nhờ khoảnh khắc tương đối may mắn ấy. Mourinho từng nói sau trận thua trước Sunderland hồi tháng 12 rằng thắng 1-0 là công việc dễ dàng nhất của ông trong bóng đá. Trong 2 chức vô địch từ 2004-2007, các chiến thắng 1-0 chiếm 20% trong số những thắng lợi của Chelsea. Bây giờ, ngay cả khi Chelsea vẫn chưa thực sự ổn định, công thức của Mourinho vẫn chưa lỗi thời. Suốt 90 phút, Chelsea chơi không thực sự sắc nét, nhưng đúng vào lúc mà thể lực lẫn tinh thần đối phương hao mòn nhất, họ đã chiến thắng.
Những phút cuối đáng giá
Chúng ta bắt gặp thêm một đặc tính của Chelsea kỷ nguyên 1.0 được nhắc lại: Bàn thắng phút bù giờ. Ở vòng 9, bàn thắng đem về chiến thắng 2-1 trước Man City của Torres được ghi khi đồng hồ chỉ sang phút 90. Hay như trận đấu gặp West Brom, Hazard ghi bàn gỡ hòa 2-2 từ chấm phạt đền ở phút bù giờ thứ 5 của hiệp hai.
Tất nhiên những bàn thắng như thế cũng có dấu ấn không nhỏ của thần may mắn, với đóng góp từ sai lầm của đối phương (tình huống không hiểu ý của Joe Hart và Nastasic) hoặc từ một quyết định gây tranh cãi của trọng tài (Ramires đem về quả phạt đền trong một tình huống đóng kịch). Nhưng không thể phủ nhận may mắn mà thầy trò Mourinho được hưởng chỉ đến từ nỗ lực vùng lên của họ, kể cả khi cánh cửa cơ hội tưởng như đã không còn.
Và đó cũng là kết quả của một Chelsea sắt đá và đầy bản lĩnh. Triết lý của Chelsea dưới thời Mourinho hoàn thành đối lập với phong cách của những đội bóng tấn công như Arsenal. Với Arsenal, các cầu thủ thường xuyên phải tự mình ra những quyết định thật nhanh và thông minh. Mourinho không cần các học trò làm như thế. Ông huấn luyện các học trò của mình đưa ra những quyết định dù chậm hơn, nhưng mỗi lần đưa ra đều phải chính xác và cực kỳ hợp lý.
Sự gan lì của các đội bóng Mourinho dẫn dắt được tạo ra từ đó, và bàn thắng vào phút bù giờ thứ ba vừa qua, khi đối phương đã mệt mỏi và mất tập trung, là lúc phẩm chất ấy lên tiếng. Giống như trong môn quyền anh, các đối thủ có thể dồn đội bóng của Mourinho vào một góc võ đài bằng những cú đấm liên tiếp. Nhưng khi họ không thể giải quyết triệt để trận đấu, thì Mourinho và các học trò sẽ tung ra đòn kết liễu đối thủ.
Trước khi ghi được bàn thắng, Chelsea có rất ít cơ hội đe dọa khung thành Tim Howard. Hàng thủ Everton được tổ chức rất kín kẽ, thường xuyên áp sát mỗi khi các cầu thủ tấn công của Chelsea có bóng. Và cũng đừng quên những pha phản công của đội khách. Đó là những vũ khí đã giúp họ hạ Chelsea ở lượt đi.
Nhưng Mourinho là một chuyên gia rút kinh nghiệm từ sai lầm, và món nợ ông đã vay được trả theo một cách có thể không thuyết phục cho lắm, nhưng đó là tất cả những gì Mourinho cần. 3 điểm, và ngôi đầu.
Theo Thể Thao Văn Hoá