Thứ Bảy, 27/04/2024Mới nhất
Zalo

Chân dung một mùa bóng tại Serie A: Nhớ và quên

Thứ Ba 24/05/2011 13:58(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

 

Có điều gì đáng nhớ hoặc đáng quên trong một mùa bóng vừa chính thức khép lại, để lại phía sau ngổn ngang những suy tư và trăn trở, niềm vui và nỗi buồn, để rồi sau đó, tất cả lại chìm trôi trong dòng chảy của thời gian? Mùa bóng sau kì World Cup thất bại của calcio đã kết thúc với 37 bàn ít hơn mùa trước, với một kết cục hoàn toàn khác những năm tháng mà Inter còn trị vì với bàn tay sắt. Hai trong số 4 vị trí đứng đầu đã đổi chủ, Napoli và Udinese xuất hiện để lấy chỗ của Roma và Sampdoria. Inter chấm dứt những năm tháng thống trị của nó và nếu không đoạt được Cúp Italia mùa này như một phần thưởng an ủi, thì đỉnh cao nhất mà họ leo tới chính là chiếc Siêu Cúp châu Âu và Cúp Liên lục địa dưới thời người tiền nhiệm của Leonardo, Benitez. Milan trở lại đỉnh cao sau 7 năm nhưng với một thứ bóng đá không còn gợi nên nhiều cảm xúc. Roma không còn gắn bó với những người Sensi nữa khi kể từ mùa tới sẽ treo cờ Mỹ trước trụ sở, trở thành CLB đầu tiên ở Serie A có chủ người nước ngoài. Juventus lần đầu tiên sau 20 năm không dự bất cứ Cúp châu Âu nào hết. Sau 6 năm, Udinese trở lại Champions League, trong khi Napoli đã làm điều ấy lần đầu tiên kể từ 20 năm. Những gì còn lại của một mùa bóng vừa chết là những giọt nước mắt của Pirlo, gương mặt nhợt nhạt của Del Neri và 3 tháng của thứ bóng đá đầy chất thơ ở Inter gắn với cái tên Leonardo.

AC Milan trở lại ngôi Vua sau một mùa giải đáng nhớ

Đã có rất nhiều cuộc chia tay: nhà Sensi rời Roma, những kẻ thất bại rời Juve và Roma. Đã có nhiều nước mắt: Pirlo khóc khi không còn là một người Milan nữa, Lazio ân hận vì đã ở tốp 4 suốt 35 vòng đấu để rồi cuối cùng chỉ được dự Europa League. Đã có không ít những cãi vã, thất vọng và sức ép giáng lên đầu những HLV vừa trải qua một mùa bóng khốn khổ và nghèo nàn chất lượng nhất trong nhiều năm qua: 15 HLV đã bị đuổi việc, nhiều chưa từng có trong lịch sử giải đấu. Và sẽ có rất nhiều câu hỏi đặt ra: Mùa bóng tới sẽ ra sao sau những thay đổi quá lớn lao đến mức không thể tưởng tượng nổi ở tốp các đội dẫn đầu? Sự thống trị tuyệt đối của bóng đá Milano với thắng lợi của Milan và vị trí á quân của Inter sẽ kéo dài bao lâu, trong thời điểm bóng đá thủ đô sa sút (Roma tụt xuống thứ 6, Lazio chưa hoàn toàn ổn định) và trục đối địch Torino tan nát (Juve đứng thứ 7, Torino đã 3 năm chưa trở lại Serie A)?

Và nữa, nếu mùa bóng này đã kết thúc trong sự nhàm chán và thiếu ý tưởng sáng tạo bởi cơ bắp đã lên ngôi (hãy nhìn Milan đoạt Scudetto với một hàng tiền vệ toàn các chiến binh) thì mùa tới sẽ ra sao, khi những người được coi là nghệ sĩ cuối cùng của calcio kể từ khi Baggio ra đi, như Totti và Del Piero, đang chống cự một cách quyết liệt và tuyệt vọng với tuổi tác, trong khi những người như họ không còn được sản sinh ra nữa? Đội bóng được chờ đợi nhất, Juve, sẽ tái thiết ra sao bằng canh bạc Pirlo, người mà từ đó họ sẽ xây nên lối chơi, người không còn là một hứa hẹn lớn lao hay là một bông hoa chớm nở nữa, vì trên thực tế đã nở bung rồi?

Hy vọng nào ở Champions League 2011-12?

Rất khó tin Napoli và Udinese có thể làm nên những điều kì diệu ở Champions League, bởi họ không có kinh nghiệm như Roma hay Juve, những đội giờ chỉ nhìn Cúp ấy với sự nuối tiếc. Việc đi xa của Milan và Inter phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm đang được bồi bổ dần dần sau những thất bại của Allegri và Leonardo. Còn ở Serie A, người ta chờ đợi những câu chuyện khác: Milan sẽ tiếp tục thống trị giải đấu, với lực lượng mạnh nhất và bổ sung náo nhiệt nhất, dù Scudetto mùa này có một cái giá không hề rẻ (70 triệu euro thâm thủng và sự ra đi của Pirlo có thể khiến Milan một ngày nào đó hối hận), Inter sẽ tiếp tục là một dấu hỏi lớn lao từ sự thiếu chắc chắn và quá mơ mộng của Leonardo; Roma sẽ mất không chỉ một mùa giải để hồi phục, cả Juve cũng thế.

Sự suy thoái của Juve trong những năm tháng hậu Calciopoli trở thành nỗi phiền muộn của cả calcio. 38 trận mùa giải qua là 38 nỗi khổ ải, từ trận ra quân thua Bari đến trận hòa ở vòng cuối với Napoli. La Signora Omicidi (Bà đầm già sát thủ) đã trở thành Signora Suicidi (Bà già tự sát). Đứng thứ 7 mùa trước và thứ 7 mùa này, để kể từ 1991 lần đầu tiên không dự Cúp châu Âu. Mùa 1990/91 ấy cũng chẳng khác mùa này, được coi là khởi đầu cho một cuộc cách mạng để rồi cuối cùng thất bại khi bị Sampdoria và sau đó Milan của Capello quét sạch. Juve hồi ấy đã phải chờ thêm 4 năm nữa mới trở lại với Scudetto nhờ tài năng của không chỉ Lippi mà còn Moggi. Juve bây giờ, sau 5 năm thay HLV theo đúng phong cách Zamparini của Palermo, sẽ phải chờ thêm bao năm nữa? Chừng nào những tên tuổi ấy, Roma và Juve, còn chưa trở lại, cuộc đua Scudetto vẫn chỉ là trận derby Milano. Không hi vọng nhiều vào Napoli. Người miền nam Ý làm người ta thất vọng nhanh như hy vọng. Cũng không tin lắm vào Udinese hay Palermo.

Ngày mai, ngày kia, những dòng chữ này rồi sẽ nhanh chóng chìm vào quên lãng. Những dòng tin dồn dập của chuyển nhượng báo hiệu một mùa hè hoặc rất sôi động, hoặc tẻ nhạt đã bắt đầu. Sẽ chẳng ai còn nhớ những gì đã diễn ra và rồi kết thúc sau 9 tháng của một mùa giải. Chỉ những tấm ảnh và các kí ức không quên là còn mãi. Một mùa hè nữa, là EURO, và các tifosi chỉ muốn nghe những điều tươi vui…

 (Theo Thể Thao Văn Hoá)

1 Thủ môn Napoli, De Sanctis, là người duy nhất có mặt không sót phút nào trên sân trong 38 trận mùa này. 3 cầu thủ khác cũng đá cả 38 trận mùa này (ít phút hơn) là Julio Cesar (Inter), Bonucci (Bari) và Agostini (Cagliari).

13 Inter lập kỉ lục của CLB này thắng 13 trận liên tiếp trên sân nhà, phá kỉ lục 12 trận lập mùa 1949/50 và 1970/71. Kỉ lục của cả Serie A do Juve lập mùa 1975/76 với 14 trận.

21 Napoli san bằng kỉ lục thắng nhiều trận nhất mùa giải lập mùa 1989/90, 21 trận. Họ cũng phá kỉ lục thắng sân khách, 10 trận. Kỉ lục cũ là 7 trận các mùa 1933/34, 1986/87 và 1988/89.

31 Juve san bằng kỉ lục thủng lưới sân nhà của họ với việc để lọt lưới 31 bàn sân nhà mùa này, bằng mùa 1942/43, 1961/62 và 1978/79.

120 Palermo là đội bóng hấp dẫn nhất mùa bóng. 38 trận đấu có Palermo đã có tổng cộng 121 bàn thắng (ghi 58 bàn, thủng lưới 63 bàn), trung bình 3,15 bàn/trận.

955 Là tổng số bàn thắng các CLB đã ghi mùa này sau 38 vòng đấu, ít hơn mùa trước 37 bàn (992 bàn). Vòng nhiều bàn nhất là vòng 2, với 38 bàn; ít nhất là vòng 9, với 13 bàn.



 

Có thể bạn quan tâm

Erling Haaland không khủng hoảng nhưng rốt cuộc anh cũng chỉ là người phàm trần mà thôi

Erling Haaland không khủng hoảng nhưng rốt cuộc anh cũng chỉ là người phàm trần mà thôi

Erling Haaland không khủng hoảng nhưng rốt cuộc anh cũng chỉ là người phàm trần mà thôi

Erling Haaland không hề khủng hoảng. Chàng trai trẻ người Na Uy đang đứng trước viễn cảnh có được mùa giải thứ hai liên tiếp đoạt cú đúp danh hiệu quốc nội và giải thưởng Chiếc Giày Vàng của Premier League, một thành tích mà ngay cả Thierry Henry cũng chẳng làm được.

Xem thêm
top-arrow
X