Thành công của đội tuyển Đức ở World Cup 2010, với thứ bóng đá tấn công vừa đẹp mắt vừa hiệu quả, là một liều doping tinh thần quan trọng, kích thích các đội bóng ở Bundesliga triệt để hơn nữa trong cuộc cách mạng về lối chơi với nòng cốt là các cầu thủ trẻ.
Với dàn cầu thủ trẻ nhất trong lịch sử 76 năm tham dự các VCK World Cup của bóng đá Đức, huấn luyện viên Joachim Loew đã khiến cả thế giới phải ngưỡng mộ khi cho “Mannschaft” trình diễn một thứ bóng đá tấn công đầy truyền rũ. Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa sức trẻ, kỷ luật và khoa học đã giúp đội tuyển Đức tạo ra một hình ảnh hoàn toàn mới mẻ, làm nên những chiến thắng vang dội đến mức không tưởng trước kình địch Anh hay Argentina. Trên thực tế, để có được những cầu thủ trẻ đầy tài năng nhằm phục vụ cho ý tưởng chiến thuật của mình, Loew cũng phải dựa vào vườn ươm là các CLB, nơi trực tiếp đào tạo ra các ngôi sao tương lai cho bóng đá Đức. Người Đức đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa Liên đoàn bóng đá và các đội bóng, hỗ trợ tích cực lẫn nhau trong việc xây dựng chiến lược đào tạo trẻ dài hạn và giờ là lúc họ bắt đầu gặt hái thành quả.
Thành công của ĐT Đức ở World Cup 2010 sẽ tạo đà cho Bundesliga |
Để có một Thomas Mueller giành danh hiệu Chiếc giày vàng và Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất World Cup 2010, công đầu tiên thuộc về Louis van Gaal và Bayern. Van Gaal không trực tiếp chăm bẵm Mueller từ ngày anh còn học đá bóng ở lò đào tạo trẻ của Bayern, nhưng ông đã giúp anh nổi lên như một hiện tượng ở mùa giải 2009-2010 vừa qua. Được Van Gaal đặt niềm tin, Mueller đã không phụ lòng ông thầy người Hà Lan, tỏa sáng và đóng góp một phần không nhỏ vào chiến tích đoạt Đĩa bạc cũng như chức vô địch Cúp quốc gia của Bayern. Những gì mà Van Gaal đã tạo ra ở Bayern được Loew cóp nhặt mang vào đội tuyển Đức. Thành công của “Mannschaft” ở World Cup 2010 lại giúp Van Gaal có sự điều chỉnh về mặt lối chơi cho Bayern, để đội bóng của ông đá hiệu quả hơn nữa trong mùa giải tới. Đó là tác động tương hỗ giữa câu lạc bộ và đội tuyển, điều mà không phải ở nền bóng đá nào cũng có được.
Schalke không đóng góp nhiều cho đội tuyển Đức, nhưng không vì thế mà Felix Magath lại đứng ngoài cuộc chơi cách mạng về chiến thuật. Cũng như Van Gaal, Magath đã thổi vào Schalke một làn gió mới, với những cầu thủ trẻ lứa tuổi mười tám, đôi mươi. Thậm chí, trong mùa giải 2009-2010 vừa khép lại, Schalke mới là đội để lại nhiều ấn tượng hơn về mặt lối chơi khi trong tay Magath không có một cầu thủ nào được xếp vào hàng ngôi sao như Franck Ribery và Arjen Robben ở Bayern. Cách vận hành chiến thuật của Magath ở Schalke cũng có nhiều nét tương đồng với Loew ở đội tuyển Đức: Đề cao sự kỷ luật và tính khoa học. Đó dường như là tiêu chí mà rất nhiều huấn luyện viên ở Bundesliga đang hướng đến, mà Jupp Heynckes cũng là một trường hợp điển hình.
Rũ bỏ lớp vỏ bọc nặng nề của một cỗ xe tăng, đội tuyển Đức đã lột xác ở World Cup 2006, EURO 2008 và World Cup 2010. Giờ đến lượt các đội bóng ở Bundesliga tiếp tục quá trình thay đổi chính mình. Ở khắp nơi trong làng bóng đá Đức, những cuộc cách mạng về chiến thuật đang diễn ra từng ngày, từng giờ, hướng đến sự hiệu quả trong một lối chơi đẹp mắt. Một hình ảnh mới về Bundesliga đang dần hình thành, bắt đầu từ những đội bóng danh tiếng.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)