4 quả phạt đền hỏng ăn, điều chưa từng xảy ra ở Copa America, và thậm chí là trong lịch sử bất kỳ giải đấu quốc tế nào, của Brazil cho thấy rằng chấm 11 mét không đơn thuần là trò xổ số may rủi với họ nữa, mà là một sự trừng phạt đích đáng cho Selecao kiểu "gà công nghiệp".
Chất lượng của các quả đá phạt 11 mét đều cực thấp. Nếu như một chú chim xấu số nào bay ngang Ciudad de La Plata tình cờ đúng vào lúc mà Elano và Andre Santos đá penalty, thì dù có bay cao đến mấy, cũng khó mà thoát được những cú đá được thực hiện dứt khoát chỉ thiên như thế. Fred quyết đoán sút... chệch cột dọc, và người khá khẩm nhất, Thiago Silva, thì cũng chỉ đưa bóng đến một vị trí mà thủ thành Justo Villar có thể dễ dàng cản phá. Đó là những quả 11 mét tạo cảm giác rằng phải đến hàng năm rồi, 4 cầu thủ Brazil ấy chưa hề thực hiện một quả penalty nào.
Nhưng không, cả 4 người ấy đều không phải những người đá phạt đền tồi (Elano thậm chí còn là một chuyên gia bóng chết, và như lời Robinho khẳng định, thì "chưa từng thấy anh ấy bắn chim từ năm 2002"). Và như đã nói, trước khi trận đấu với Paraguay bắt đầu, người Brazil đã lường trước đến khả năng phải đấu súng trên chấm luân lưu, để dành ra hẳn một thời lượng không nhỏ trong buổi tập thực hiện các quả 11 mét cho thuần thục.
Brazil thi đấu như những chú gà công nghiệp
Sự cẩn thận ấy không ngăn nổi Brazil trở thành trò cười cho bóng đá Nam Mỹ. Ngoại trừ Martin Palermo từng 3 lần sút hỏng phạt đền trong trận gặp Colombia ở Copa America 1997, trong lịch sử giải đấu này, "kỷ lục" đá hỏng đến 4 quả của Selecao thực sự là "vô tiền khoáng hậu", và cách mà những quả penalty ấy hỏng ăn cũng tệ chưa từng có!
Brazil kiểu "gà công nghiệp"
Việc chuẩn bị cẩn thận trước mỗi trận đấu là điều rất lạ lẫm với các cầu thủ Brazil. Romario, người hùng của Brazil ở World Cup 1994, từng thú nhận rằng anh chẳng kiêng khem gì chuyện chăn gối trước khi ra sân. Thậm chí, "Quỷ lùn" còn thẳng thừng yêu cầu được... đi chơi đêm trước những trận quan trọng, khi còn đá ở Flamengo. Ronaldo "béo" thời còn ở Inter vẫn được coi là một trong những kẻ tập luyện lười biếng nhất, cũng đi chơi đêm chẳng kém Romario. Còn cả Roberto Carlos, Ronaldinho..., đếm không xuể những cầu thủ Brazil ham vui đến ngông cuồng như thế.
Nhưng thói quen chuẩn bị cẩu thả dường như chẳng khiến họ bối rối khi bước vào trận đấu. Ronaldo "béo" là chân sút vĩ đại nhất trong lịch sử World Cup, từng đoạt hai chức VĐTG 1994 và 2002, cùng hai chức VĐ Copa 1997 và 1999. Ronaldinho là hạt nhân của chức VĐ Copa America 1999 và World Cup 2002, còn Romario là "nhân vật chính" ở World Cup 1994. Ở trận chung kết với Italia, sau khi Marcio Santos đá hỏng quả phạt đền đầu tiên, chính "Quỷ lùn" là người đã cởi bỏ áp lực cho Selecao bằng quả đá thứ hai thành công, và kết quả là sau đó, người Brazil có thêm chức VĐTG lần thứ 4 trong lịch sử.
Đó là một trong những bản sắc quý giá của người Brazil. Việc phán đoán những gì có thể xảy ra trước khi trận đấu diễn ra và chuẩn bị để tránh hậu quả tồi tệ không phải là điều mà họ thường làm, mà thích ứng cực nhanh với những biến cố xảy đến trong trận, tạo ra những điều thần kỳ nhờ vào sự ngẫu hứng đến hoang dã, ngông cuồng, tự tin đặc biệt vào tài năng của mình, mới là biệt tài của họ. Người Brazil dường như sinh ra là để tạo ra những điều phi thường trong thực chiến, dù trên "thao trường", họ chẳng mấy khi phải đổ mồ hôi.
Nhưng những quả penalty quá tệ hại trong trận gặp Paraguay lại cho thấy khoảng cách lớn kinh khủng giữa việc chuẩn bị rất cẩn thận và kết quả thực chiến. Brazil của HLV Menezes đã để áp lực đè cho bẹp dí, dù họ đã dành thời gian để tìm cách chống lại sức ép ấy, bằng cách cố gắng chuẩn bị thật kín kẽ và cẩn thận (riêng vấn đề về bóng chết và những quả penalty, thì HLV Menezes đã nhấn mạnh ít nhất 2 lần). Họ đã lường trước được khả năng phải đá 11 mét với người Paraguay, và tưởng chừng đã sẵn sàng để đón nhận thử thách được coi là "vừa sức" ấy (nên nhớ, đây mới là tứ kết), nhưng thậm chí còn để điều tồi tệ chưa từng có xảy ra.
World Cup 2014 trên sân nhà, còn 3 năm nữa cho người Brazil chuẩn bị, Nhưng điều ám ảnh họ chưa bao giờ là thời gian, mà là sự tiếc nuối cho cá tính ngông cuồng, thừa tự tin và sắt đá trong thời điểm quyết định của một thế hệ đã lùi vào cánh gà lịch sử. Để lại phía sau những chú gà công nghiệp có cái mào đỏ ối và kiêu hãnh trên đầu (như kiểu tóc của Neymar) trong những buổi tập, nhưng luôn run sợ lẩy bẩy khi bước vào thực chiến.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)