Thứ Tư, 24/04/2024Mới nhất
Zalo

"Bí kíp thành công" cho David Moyes ở Man Utd mùa tới?

Thứ Ba 25/03/2014 16:25(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

(Bongda24h) - Mùa bóng 2013-2014 coi như đã vứt đi với bầy "Quỷ đỏ" thành Manchester dù rằng họ vẫn còn mục tiêu giành một suất tham dự Europa League mùa sau cũng như ôm ấp giấc mộng hão huyền vô địch Champions League trong giai đoạn còn lại. Ngay từ bây giờ, Man Utd cần phải nghĩ đến một kế hoạch "phục sinh" cho mùa giải tới nhằm mau chóng lấy lại vị thế vốn có. Đặt giả thuyết, ban lãnh đạo đội bóng vẫn đặt niềm tin vào tài cầm quân của David Moyes thì nhà cầm quân người Scotland sẽ phải làm gì để khẳng định năng lực cũng như bắt đầu xây dựng vững chắc đế chế của mình ở Old Trafford giống như người tiền nhiệm vĩ đại Sir Alex Ferguson.

rooney
Rooney hiển nhiên sẽ là một chủ lực không thể thay thế của Man Utd mùa tới

Tái thiết dựa trên đội ngũ nòng cốt

Chắc chắn Man Utd sẽ phải cải tổ mạnh mẽ đội hình và lực lượng nhân sự yếu đều trên mọi tuyến. Xét theo tình hình hiện giờ, số cầu thủ đủ đẳng cấp, trình độ tiếp tục khoác áo Man Utd trong tương lai gần có lẽ không quá 10 người bao gồm thủ thành David de Gea, Phil Jones, Jonny Evans, Michael Carrick, Wayne Rooney, Robin van Persie, Juan Mata và Marouane Fellaini. Ngoại trừ những cái tên chơi ổn định nhất đội ở mùa này (Rooney, Evans,  Jones, Carrick, De Gea) thì số ít ỏi còn lại đã phần nào cho thấy rằng họ vẫn có thể toả sáng, trình diễn tốt hơn, cống hiến nhiều hơn cho đội bóng mùa tới. Van Persie đã suy giảm phong độ thê thảm so với hai mùa trước khi anh liên tiếp đoạt danh hiệu "Vua phá luới Premier League" nhưng về cơ bản, Percy vẫn là một sát thủ đáng sợ, có thể thi đấu đỉnh cao thêm vài năm nữa dẫu đã bước qua tuổi 30. Thêm vào đó, do đã quá am hiểu Premier League nên khả năng hồi phục hình ảnh hoàn toàn trong tầm tay của cựu cầu thủ Arsenal. Trong khi đó, dạo gần đây, Fellaini đã thi đấu tiến bộ hơn hẳn, không còn quá mờ nhạt và nghèo nàn như quãng thời gian đầu. Fellaini mới 26 tuổi, vẫn đang trong thời kỳ sung mãn nhất của sự nghiêp nên đủ sức trở thành một thủ lĩnh mới nơi tuyến giữa đội bóng thay cho một Carrick đã 33 tuổi. Còn Juan Mata dù sao mới khoác áo Man Utd được vài tháng nên anh xứng đáng được trap thêm thời gian, cơ hội để thích ứng hoàn toàn. Bên cạnh đó, thực tế đã chứng minh nếu Mata được sắp xếp một vị trí phù hợp hơn trong chiến thuật thi đấu (nhạc trưởng, tổ chức lối chơi hay nhẹ nhàng hơn là một tiền vệ tấn công trung tâm chứ không phải bám biên) thì anh sẽ phát huy hết phẩm chất, năng lực của mình.

Thẳng tay thanh lọc đội hình

Moyes cần phải dứt khoát loại bỏ số cầu thủ hoặc đã "hết thời" (như Ferdinand, Evra, thậm chí cả "biểu tượng sống" Ryan Giggs) hoặc quá "thường thường bậc trung" (như Butter, Valencia, Young, Cleverley, Nani hay Anderson đang thi đấu ở Fiorentina theo diện cho mượn). Nếu không mạnh tay thanh trừng lực lượng thì chẳng những không có chỗ cho những gương mặt mới, tài năng trẻ mà còn tiềm ẩn rủi ro xuất phát từ sự chống đối của những con người này, nhất là khi họ đã hết giá trị sử dụng, thiếu khát vọng vươn lên chứng tỏ mình và chẳng còn mấy tiềm năng phát triển lên một tầm cao mới. Họ mà vẫn hiện diện trong đội hình thì cùng lắm chỉ có thể giải quyết bài toán khẩn cấp trước mắt nhưng không phải là những cái tên phù hợp cho những tham vọng, kế hoạch dài hơi. Rõ ràng, tính ổn định cao trong dài hạn luôn là mục tiêu Man Utd theo đuổi và hướng đến chứ không phải chỉ chăm chăm nghĩ đến thành tích nhất thời. Đó cũng chính là bản chất, truyền thống, thương hiệu của đội bóng này. Việc Sir Alex tiến cử David Moyes là một minh chứng hùng hồn cho quan điểm "phát triển bền vững" dù rằng đến lúc này, "truyền nhân của Fergie" chưa đáp ứng được kỳ vọng. Nếu muốn đội bóng duy trì địa vị thống trị sau khi huyền thoại Ferguson về hưu thì tin chắc, ban lãnh đạo thừa khôn ngoan và tỉnh táo để chọn một HLV khác tầm cỡ, đình đám như Mourinho, Guardiola song họ đâu dễ trung thành tuyệt đối và sẽ sớm tính bài "chuồn" sau vài năm thành công (hoặc thất bại). Kể cả khi Moyes có phải ra đi thì nhiều khả năng, nhân vật kế tục sẽ không thuộc diện hàng đầu thế giới mà sẽ chỉ là một người mới thành danh, chưa có nhiều thành tựu như Brendan Rodgers của Liverpool hay thậm chí một cựu "Quỷ đỏ" vĩ đại (Solskajer, Scholes, Giggs) bởi đơn giản, đó là sự khác biệt của Man Utd so với những đại gia khác.

Trong số những cầu thủ sẽ "thanh lý", hẳn Moyes sẽ phải "lăn tăn" với vài trường hợp. Đầu tiên là, Danny Welbeck, tiền đạo người Anh trưởng thành từ lò đào tạo trẻ của chính đội bóng. Welbeck đã phần nào thể hiện được mình qua vài năm khoác áo đội 1 nhưng anh chưa cho thấy những phẩm chất cần có của một ngôi sao lớn trong tương lai và cũng thăng tiến khá chậm chạp. Tiếp đó là Shinja Kagawa. Khác với Welbeck, tiền vệ người Nhật đã có "số má" qua quãng thời gian thi đấu ở Dortmund nhưng vấn đề của Kagawa nằm ở chỗ anh chưa hoàn toàn thích ứng với môi trường bóng đá tại quốc đảo sương mù. Không những vậy, "sở trường" của Kagawa (tiền vệ tấn công trung tâm) lại "trùng hợp" với Mata và Rooney nên rất khó bố trí cho anh một chỗ đứng chắc chắn trong sơ đồ thi đấu, trừ phi Kagawa chịu ngồi dự bị. Kagawa từng nhiều lần được thử nghiệm ở vị trí tiền vệ cánh nhưng anh thể hiện tệ ra sao thì có lẽ không cần phải nhắc lại. 

Mua sắm thông minh trên TTCN

Việc bổ sung thêm viện binh gần như là bắt buộc khi mà nhìn chỗ nào trong đội hình Man Utd cũng thấy thiếu. Có thông tin cho rằng David Moyes sẽ được cấp 100 triệu bảng để mua cầu thủ. Thoạt mới nghe qua, số tiền đó hiển nhiên rất lớn, đặc biệt với một CLB có tiềm lực tài chính không quá hùng mạnh như Man Utd nhưng về cơ bản, thì chẳng thấm tháp vào đâu so với nhu cầu thực tế hiện nay của đội bóng. Thêm vào đó, đừng quên rằng TTCN ngày càng rơi vào cảnh "lạm phát giá" khi ngay cả một sao trẻ chưa thăng tiến bao nhiêu cũng bị định giá đến vài chục triệu bảng đồng nghĩa những ngôi sao đã thành danh đều bị hét mức giá trên trời, đôi lúc vượt xa giá trị thực. Do đó, Moyes cần phải biết "liệu cơm gắp mắm", chi tiêu một cách khôn ngoan nhất, tránh tình trạng tập trung ngân quỹ vào vài cầu thủ nhất định để rồi chỗ thiếu vẫn hoàn thiếu. Với thực trạng hiện giờ, ít nhất Man Utd cần phải tăng cường thêm khoảng 5-6 cầu thủ mới thì may ra mới tạm đủ, trong đó trọng tâm hàng đầu là những gương mặt trẻ thuộc thế hệ 9x, đã có chút ít tên tuổi để còn phục vụ lâu dài. Ở hàng phòng ngự, họ cần mang về một trung vệ mới do thủ quân Vidic đã chính thức gia nhập Inter Milan còn Rio Ferdinand như đã đề cập ở trên cũng xứng đáng được ra đi (như vậy, Moyes sẽ chỉ còn 3 sự lựa chọn cho vai trò trung vệ: Jones, Smalling, Evans). Vị trí hậu vệ trái của Patrice Evra cũng cần sự quan tâm đúng mực bởi Buttner rõ ràng không đủ trình thay thế cựu binh người Pháp. Thần đồng sinh năm 1995, Luke Shaw của Southampton là lựa chọn tốt song đáng tiếc, giá cả của anh chàng này chắc chắn rất "chát", nhất là khi nhiều đại gia khác cũng đang khát một hậu vệ trái giỏi giang, trẻ trung như Shaw. Ở hàng tiền vệ, Man Utd sẽ phải bổ sung một tiền vệ trung tâm, chuyên đánh chặn, điều phối nhịp độ thi đấu, kiểm soát bóng cũng như triển khai tấn công nhằm dự phòng lâu dài cho Carrick và cả Fellaini. Suốt thời gian qua, họ cũng đã khởi động kế hoạch chuyển nhượng cho vị trí này khi lăm le Toni Kroos, tiền vệ của "Hùm xám" xứ Bavaria đang "bất ổn" ở nước Đức. Ngoài ra, đội bóng không thể không chăm lo đến hai biên, bất chấp lối đá "tạt cánh đánh đầu" đơn thuần đã lỗi thời và không còn được nhiều đội bóng ưa thích (tức là đòi hỏi các tiền vệ cánh phải toàn diện hơn. không chỉ dừng lại ở khoản tạt và chuyền bóng mà còn phải mạnh trong khâu dứt điểm, phối hợp tập thể). Vào lúc này, ngoại trừ "phát hiện lớn" trong mùa giải năm nay Adnan Januzaj thì chẳng còn một ai khác xứng đáng được ra sân trong vai trò tiền vệ cánh. Nếu khoản ngân quỹ vẫn cho phép thì Man Utd có thể đầu tư vào một chân sút trẻ, chưa nhất thiết phải đủ sức ra sân thi đấu và toả sáng ngay nhưng phải giàu triển vọng để đứng vào hàng ngũ đội chính trong một vài năm nữa.

Toni Kroos đang là ngôi sao được nhiều đội bóng lớn của châu Âu săn đón
Nếu mua được Toni Kroos, tuyến giữa của Man Utd sẽ mạnh lên đáng kể

Thay đổi thành phần ban huấn luyện

Trong đội ngũ cộng sự chính thức của Moyes thì chỉ duy nhất Phil Neville xuất thân từ một "Quỷ đỏ" (Ryan Giggs được cho có tên trong danh sách trợ lý của Moyes nhưng trên thực tế, đó dường như chỉ là lời đồn thổi bởi trên thực tế, chẳng ai thấy lão tướng người xứ Wales làm gì để "tương trợ" cho HLV trưởng như một người giúp việc mà vẫn chỉ là một cầu thủ đúng nghĩa). Những gương mặt còn lại đều được đưa về y nguyên từ Everton chứ không được bổ sung thêm ai từ bên ngoài nên rõ ràng, trình độ của họ liệu có đủ dùng ở một đội bóng lớn là một dấu hỏi to đùng. Quả thực, từ đầu mùa, vai trò của đội ngũ này khá mờ nhạt, gần như chẳng giúp đỡ, tư vấn gì cho vị thuyền trưởng vào những thời điểm khó khăn. Trong khi, hãy lưu ý rằng thời Sir Alex còn nắm quyền, bao giờ ông cũng sở hữu một vài cánh tay phải giỏi giang, có ích chứ không phải sự có mặt của họ là vô nghĩa dù rằng Fergie vẫn một mình quán xuyến tất cả. Chẳng thế mà, sau khi rời khỏi Man Utd, những Brian Kidd, Steve McClaren hay Carlos Queiroz đều dễ dàng tìm được công việc HLV trưởng ở một nơi khác, chứng tỏ họ rất có tài. Bởi thế, phải chăng Moyes cần gạt qua một bên yếu tố thân thiết, gần gũi, quen biết nhau trong thành phần ban huấn luyện để chọn ra những cộng sự có tài hơn, có thể "khai quật" ở đâu đó nhưng sẽ tuyệt vời nếu ông tìm ra được trợ lý giỏi từ số cựu cầu thủ từng nhiều năm chinh chiến cùng Man Utd và mang trong người dòng máu "Quỷ đỏ" thuần khiết như Scholes, Gary Neville, Butt, Giggs,....

Thổi vào Man Utd "hồn phách" cũ mang cốt cách Sir Alex

Đây có lẽ là vấn đề rất rộng lớn, mang tính bao quát và cũng vô cùng mơ hồ, khó diễn giải cặn kẽ. Sở dĩ Man Utd trở thành đội bóng được yêu mến bậc nhất thế giới không hẳn nằm ở những danh hiệu giành được cùng sự thống trị ở nước Anh trong nhiều năm trời mà còn ở cách chơi, sự cống hiến trên sân, tinh thần thi đấu và có lẽ còn do được dẫn dắt bởi một chiến lược gia huyền thoại. Dưới triều đại Sir Alex Ferguson, Man Utd không phải là đội bóng tôn thờ trường phái bóng đá tấn công nhưng cũng không nghiêng hẳn theo phong cách thực dụng. "Quỷ đỏ" luôn ứng biến linh hoạt với từng đối thủ cụ thể, trong mỗi hoàn cảnh nhất định. Khi cần, đội bóng có thể thi đấu đẹp mắt, quyến rũ, hấp dẫn chẳng kém ai nhưng nếu thích, họ sẽ khiến mọi đối thủ phải khó chịu vì những toan tính khoa học, sự chặt chẽ, chắc chắn đến tàn nhẫn. Quan trọng hơn, bao giờ Man Utd cũng bộc lộ nhiệt huyết, đam mê bất tận và chiến đấu đến cùng chứ khó có chuyện đầu hàng hay buông xuôi. Nhờ thế, đội bóng mới lập ra hàng loạt kỳ tích làm say đắm lòng người, khiến tất cả mê say rồi yêu mến họ từ lúc nào không hay. Những bản sắc ấy đã ngày càng mai một trong mùa giải này. Man Utd bây giờ toàn rơi vào cảm giác lo sợ khi bị dẫn trước, thường xuyên hoảng loạn rồi luống cuống lúc cục diện đã an bài. Có lẽ chỉ duy nhất Moyes phải tự "lĩnh ngộ" ra rằng mình phải làm gì để khôi phục lại cái khí phách, cái hồn Man Utd đích thực chứ chẳng ai có thể dạy dỗ, chỉ bảo ông trong lĩnh vực này. Đương nhiên, không thể tồn tại trên đời một Sir Alex Ferguson thứ hai và không dễ tái lập những thành tựu vĩ đại của Fergie ở Man Utd song để bắt chước cho giống khoảng 70%-80% thôi hẳn không phải là "điệp vụ bất khả thi". Chỉ cần như thế, cũng đã đủ đưa Man Utd tới những chiếc cúp vô địch.

Nếu muốn được tôn trọng và kính phục như người tiền nhiệm, trước tiên Moyes nên hiểu rằng không nhất thiết phải biến đổi Man Utd thành một sản phẩm của riêng mình thì mới chứng tỏ được tài năng cầm quân mà chỉ cần ông kế thừa thành công những di sản do Ferguson để lại, tiếp thu có chọn lọc những phương pháp huấn luyện, những cách thức "điều binh khiển tướng" và kiên trì phát triển đội bóng theo con đường Sir Alex đã vạch ra thì cả thế giới này cũng sẽ nể trọng ông như đã từng đối xử với Sir Alex. Có một thứ mà Moyes cần phải học hỏi và khắc phục ngay. Đó chính là những bài tâm lý, khích tướng các cầu thủ mà "Ngài máy sấy" thường xuyên sử dụng rất hiệu quả. Thực ra, đây là một phẩm chất bắt buộc với một HLV hiện đại nếu muốn tạo dựng chỗ đứng trong làng túc cầu giáo bởi bóng đá bây giờ đâu chỉ bó hẹp trong việc bố trí chiến thuật ra sao, thi đấu với đội hình nào mà nó bao hàm cả yếu tố quản lý con người.

  • Bảo Phương - Bongda24h.vn

Có thể bạn quan tâm

Võ Hoàng Minh Khoa: Dũng mãnh và đầy quyết đoán

Võ Hoàng Minh Khoa: Dũng mãnh và đầy quyết đoán

Võ Hoàng Minh Khoa: Dũng mãnh và đầy quyết đoán

22h30 tối nay, U23 Việt Nam lần đầu tái ngộ U23 Uzbekistan ở một trận chính thức, sau cuộc đại chiến lịch sử năm 2018. Và nếu đội bóng đầy duyên nợ có biệt danh “Sói trắng”, thì lần này, chúng ta cũng sẵn sàng giáp mặt họ với một chiến binh mang nhiều phẩm chất của loài mãnh thú này.

Xem thêm
top-arrow
X