So sánh luôn là khập khiễng. Nhưng, khi Barca trở lại Anh và biến Wembley thành một điểm hẹn lịch sử với một đối thủ đầy duyên nợ như M.U, thì tâm trí những người hoài cổ không khỏi bị không gian ấy dẫn dắt đến những miền ký ức, để đặt “Dream Team” năm xưa dưới tay Johan Cruyff cạnh đoàn hùng binh trong hiện tại của Guardiola.
1. Wembley 19 năm trước là đỉnh điểm huy hoàng của Barca dưới triều đại Johan Cruyff, người đã trở lại Catalunya để giành lấy những thành công chói lọi hơn gấp bội so với những gì ông đã có được trong 5 năm thi đấu dưới màu áo Đỏ-Xanh.
Trước trận đấu ấy, Barcelona vẫn cứ là “hơn cả một CLB”, nhưng phòng truyền thống của họ chưa từng hiện diện một chiếc cúp VĐ châu Âu, tấm giấy chứng nhận cần thiết cho tầm vóc của một trong những đội bóng vĩ đại nhất lịch sử. Từ Lazlo Kubala qua Cruyff đến Maradona, giấc mộng ấy vẫn chưa thành. Song, với Laudrup, Stoichkov, Salinas và đặc biệt là Ronald Koeman, Barca đã chính thức gia nhập CLB những tinh hoa trên đỉnh cựu lục địa.Dream Team hiện tại của Barcelona
2. Tuy vậy, một cách chính xác thì tập thể phi thường hiện diện đêm 20/5/1992 ấy trước Sampdoria vẫn chưa được gọi là “Dream Team”. Barca 1992 chưa tạo nên cảm giác không thể bị ngăn cản, và mới một năm trước thôi, họ còn bị Manchester United của Mark Hughes chặn lại ở trận chung kết cúp C2.
“Dream Team” đích thực của Johan Cruyff chỉ thật sự định hình với Romario, kẻ săn bàn khủng khiếp và đúng nghĩa nhất thời điểm đó. Nhưng, anh cũng chỉ là chi tiết cuối cùng để kiện toàn một cỗ máy ghê gớm, cỗ máy 4 năm liên tiếp thống trị Liga, đoạt 1 cúp C1 và tiếp tục vào đến chung kết năm 1994.
Barca lúc đó không phụ thuộc vào bất cứ cá nhân nào, bởi họ sở hữu quá nhiều cá nhân có thể một mình định đoạt trận đấu. Cái mũi chân ma thuật của Romario chỉ là một trong những nhân tố đó, bên cạnh tính toàn diện của Sergi, sự nhanh nhẹn của Bakero, độ khó lường của Stoichkov, những đường chuyền dài của Guardiola... Barca ấy ra sân với 4 hậu vệ trên danh nghĩa, nhưng khuynh hướng chủ đạo của họ là 3-4-3, khi Koeman luôn thường trực dâng cao chờ đợi cơ hội nã những phát đại bác công thành.
Barca ấy quá lộng lẫy, nhưng lại phải đón nhận một kết cục bi thương. Đêm 18/5/1994, tại Athens, không chỉ trí tuệ của Capello cùng hệ thống phòng ngự khu vực khét tiếng của AC Milan bẻ gãy mọi “hùng tâm tráng chí”, mà Savicevic còn tặng cho Barca một bài học về “trời cao đất rộng”, với những đường kiến tạo và một cú lốp bóng huyền hoặc; hay Marcel Desailly cảnh báo về sự khắc nghiệt của phù hoa trong vị thế của “một con đê người chắn sóng” (Silvio Berlusconi).
3. Đứng vững trước “Dream Team” ấy là một sứ mệnh phi thường, cũng như đứng vững trước “Dream Team” hiện tại là một điệp vụ siêu thực, nhưng cả hai đều hoàn toàn không phải là bất khả thi.
Không kể những cú vấp ngã lặt vặt tại những thời điểm không mang tính quyết định, Milan năm xưa và Inter mùa trước là những thí dụ điển hình về cách bịt chặt những họng súng Catalunya. Xen giữa họ, có thể kể thêm Juventus mùa Champions League 2002-2003. Ba ngọn cờ đầu của bóng đá Italia đều đã thành công với những hệ thống phòng ngự chủ động và giàu sức ép cũng như kỹ thuật, chứ không chỉ là dựng nên những phòng tuyến đông nghịt. Trên phương diện này, liệu “Dream Team” của Guardiola đã xuất sắc hơn “Dream Team” của Cruyff?
Nếu có một câu trả lời, nếu có một sự phán xét, thì có lẽ chỉ có thể được đưa ra bởi Manchester United sau đêm đại chiến tới. “Quỷ đỏ” đã tiến bộ một cách chóng mặt trong một thập kỷ trở lại đây, trên phương diện bóp nghẹt thế trận và huỷ hoại hệ thống của mọi đối thủ. Ngay mùa này, họ cũng đang là đội phòng ngự hay nhất Champions League, bất kể bao nhiêu xáo trộn. Bản lĩnh của Ferguson sẽ là một phép thử khách quan, sau khi những ngón đòn của Jose Mourinho đã bị vô hiệu hoá cùng Real Madrid.
4. Dĩ nhiên, có thể tin chắc là Guardiola sẽ không khiến các cule phải bàng hoàng như Johan Cruyff ngày ấy. Pep, với những gì thừa hưởng từ Frank Rijkaard, luôn bảo đảm cho các học trò độ an toàn nhất định thông qua quyền kiểm soát bóng vượt trội, và kết cấu của Barca hiện tại cũng không giàu tính phiêu lưu như thập niên 90.
Song, là tại sức nặng của quá khứ, hay là bởi đã trở nên quá quen thuộc trong mật độ dày đặc của bóng đá hiện đại, mà dường như Messi cùng đồng đội bây giờ không tiềm ẩn nhiều tính đột biến như Barca của khúc bi ca ngày cũ? Cái bóng của Leo càng lớn, thì dường như những cộng sự của anh trên hàng công càng trở nên nhạt nhoà trong cái công thức chiến thắng quen thuộc mang tên tiqui-taca. Messi có thể hoàn thiện hơn Romario (người mà năm xưa chỉ thật sự xuất hiện ở những tình huống ghi bàn, ngoài ra chẳng đóng góp bao nhiêu vào lối chơi của cả đội), nhưng nếu Messi không thể lên tiếng, thì cũng khó xác định ai sẽ là một Koeman để mở toang đột phá khẩu.
Cho cả những nghi hoặc lẫn những sự so sánh, chỉ thời gian mới có câu trả lời chính xác. Có điều, lúc này, Barca rõ ràng đã dày dạn hơn rất nhiều về bản lĩnh cũng như thói quen chiến thắng trên đấu trường lục địa so với gần hai thập kỷ trước. Vả chăng, như lời một chứng nhân lịch sử, Andoni Zubizarretta: “Họ không phải chịu nhiều sức ép như chúng tôi đã từng, trước cơ hội lần đầu mang về cho CLB một chiếc cúp VĐ châu Âu”.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)