Trên thế giới, không hiếm việc các đội thể thao đồng ý bán tên sân để giải quyết sự bí bách về mặt tài chính. Chỉ có điều, cái giá họ phải trả là quá lớn: đánh mất niềm tin nơi người hâm mộ.
Ngay từ khi chiếm quyền điều hành "Quỷ đỏ", gia đình Glazer đã hứng chịu làn sóng biểu tình phản đối mạnh mẽ. Đơn giản bởi người Anh vốn rất tự trọng và kiêu hãnh. Họ không muốn nhìn thấy đội bóng con cưng rơi vào tay những người nước ngoài. Bên cạnh đó, MU của họ còn dần dần trở thành thành công cụ kiếm tiền hiệu quả cho tay trùm tài phiệt 84 tuổi này.
Trong quá khứ, Glazer từng có hai lần nhượng bộ các fan hâm mộ. Lần đầu tiên, ông bật đèn xanh cho Sir Alex Ferguson xé bỏ khung lương của đội bóng nhằm giữ chân Wayne Rooney. Lần thứ hai liên quan tới một sự kiện bi hài. Tháng 5/2012, tin tức từ một nhóm Manucian nước Mỹ cho rằng "Glazer đã qua đời vì một cơn trụy tim" nhanh chóng lan truyền với tốc độ chóng mặt trên internet.Liệu Glazer có dại dột quay lưng lại truyền thống CLB và cả triệu Manucian?
Biết được thái độ thù địch của các cổ động viên sau một mùa giải trắng tay của MU, Glazer đã làm dịu tình hình bằng cách đổ tiền vào thị trường chuyển nhượng. Kết quả là MU đã sắm được 3 tân binh và sắp sửa hoàn thành nốt thương vụ "bom tấn" Robin van Persie.
Rõ ràng, động đến Old Trafford, biểu tượng 102 năm tuổi của MU, ban lãnh đạo đội bóng sẽ phải nhận lấy kết cục không mấy dễ chịu. Glazer ý thức rất rõ điều này. Bởi thế giới từng chứng kiến những trường hợp bộ sậu lãnh đạo điêu đứng từ sự căm ghét, thù hận của fan sau khi bán đi vĩnh viễn tên "ngôi nhà" của họ.
Dưới đây là những trường hợp điển hình:
1- Lễ tang khiến ông chủ Newcastle méo mặt
Tháng 2/2012 một nhóm CĐV Newcastle đã tụ tập bên ngoài sân nhà CLB này để phản đối việc ông chủ Mike Ashley quyết định đổi tên SVĐ St James 'Park thành Sports Direct Arena - tên một công ty do chính Ashley điều hành. Đỉnh điểm cuộc biểu tình là ngay trước khi trận đấu giữa Newcastle và Wolves tại Sports Direct Arena bắt đầu. Rất nhiều người hâm mộ Chích chòe đã nối thành một dòng người dài, đi đầu là những CĐV vác theo một chiếc quan tài. “Hôm nay CĐV Newcastle tập hợp cạnh SVĐ giống như một đám tang. Chúng tôi ở đây để tưởng nhớ về sự mất mát của (cái tên) St James 'Park. Nhưng đồng thời cũng là để ăn mừng quyết định của chủ tịch về tên sân vận động mới", người đứng đầu đoàn biểu tình mỉa mai.
2- Liverpool, Real "hứng gạch" vì manh nha ý định xóa sổ Anfield, Bernabeu
Cũng giống như St James Park của Newcastle, Anfield và Bernabeu đều là biểu tượng ăn sâu vào tiềm thức của nhiều thế hệ cổ động viên Liverpool cũng như Real Madrid. Ông chủ đội bóng vùng Merseyside, J.Henry đã phải tổ chức một cuộc họp bất thường bao gồm sự hiện diện của hội cổ động viên Liverpool để trần tình về dự định xóa sổ Anfield, xây một sân vận động mới mang tên Stanley Park. Trong khi đó, Florentino Perez đang phải đau đầu đối phó với làn sóng phản đối của các Madridistas khi bắt đầu các cuộc thương thảo với đối tác về một cái tên vừa lạ vừa... cũ: "Fly Emirates - Bernabeu" (hãng hàng không danh tiếng đến từ Dubai sẵn sàng trả 53 triệu euro/mùa để xuất hiện trên bảng hiệu sân vận động huyền thoại).
3- Màn biểu tình độc nhất chống lại đội bóng bầu dục của ông chủ Arsenal
Năm 2000, sau khi giành cúp Super Bolw, St. Louis Rams chính thức bị bán về tay Stan Kroenke, đương kim cổ đông lớn nhất của CLB Arsenal và tên sân nhà của họ cũng bị đổi thành Edward Jones Dome. Bất bình trước việc "Những thủy thủ" (biệt danh của Rams) đánh mất tên ngôi nhà huyền thoại, cụ ông 76 tuổi Richard Hackman Sturgis đã diễu hành hàng chục năm trời qua các con phố thuộc tiểu bang Missouri để kêu gọi mọi người ủng hộ việc khôi phục lại tên SVĐ. Dù không thành công nhưng nỗ lực và tình yêu của Turgis đã gây xúc động mạnh đối với người dân Mỹ. Sự ngó lơ của ban lãnh đạo Sams đối với kẻ mà họ cho là "ông già dở người" càng khiến thương hiệu và uy tín của đội bóng bị hạ thấp trong lòng giới mộ điệu.
4- Bị bắt giam, CĐV gọi là kẻ phản bội sau khi xây sân mới
Năm 1999, doanh nhân George Reynolds ấp ủ tham vọng đầu tư vào đội bóng hạng nhì của Anh, F.C Darlington. Việc đầu tiên ông làm là phá bỏ đi sân cũ Darlington Arena và xây hẳn một sân mới mang tên... mình - sân "George Reynolds". Bi kịch ở chỗ chính ý tưởng xây sân mới vô cùng hiện đại với 25 nghìn chỗ ngồi đã làm hai đội bóng 129 năm tuổi. Tháng 1/2004, tức 3 năm sau khi mua lại Darlington và 4 tháng sau khi sân mới khánh thành, chủ tịch Reynolds bất ngờ bị bắt vì tội rửa tiền. CLB bị trả lại cho chính quyền địa phương và từ đó đến nay, đội bóng này vẫn chưa thể thăng lên một hạng nào, thậm chí năm 2010, họ còn bị giáng từ hạng Tư xuống hạng Năm.
Bảy năm sau sự kiện chủ tịch Reynolds ra đi, website chính thức của Darlington đăng một thông điệp gửi tới 'người cũ': "Cảm ơn ông vì chiêu PR rẻ tiền". Không tức giận sao được khi chủ tịch bỏ đi và ném cỗ máy hút tiền lại cho đội bóng. Những khoản chi phí vận hành và sử dụng đắt đỏ, vượt quá sức chi trả của sân vận động khiến tình hình tài chính F.C Darlington thực sự lâm nguy. Ba lần tuyên bố phá sản trong vòng 9 năm là cái giá quá đắt cho 'chuyến phiêu lưu' cùng giấc mơ của Reynolds. Hiện tại, dù có kêu gào đầu tư đến mấy, chính quyền địa phương cũng vẫn chưa nhận được bất cứ lời đề nghị 'giải cứu' nào dành cho Darlington. Tình trạng nợ lương đang ngày càng trở nên bức xúc. "Chúng tôi đã khuyên ông ấy nhiều lần rằng không đời nào Darlington có thể lấp đầy chỗ ngồi trong sân mới. Ông ấy đã ném tiền qua cửa sổ và kéo theo cả chúng tôi", Craig Liddle, thủ quân hiện tại của CLB buồn bã cho hay.
(Theo VTC)