Nhắc đến việc mua sắm, Arsenal luôn là một con ong cần mẫn chắt chiu, còn Man City đóng vai một đại gia với túi tiền không đáy. Mùa này, tình hình có chút thay đổi, rõ nhất là trong những ngày cuối cùng của kỳ chuyển nhượng mùa hè. Arsenal đã đem về một chân sút mới, Danny Welbeck từ Man United. Trong khi đó, Man City nói lời chia tay với Alvaro Negredo, tiền đạo chuyển đến từ Sevilla cách đây một mùa.
Sự khác nhau về tiêu chí lựa chọn
Welbeck sẽ là một trong những điểm nhấn chú ý ở trận Arsenal gặp Man City trên sân Emirates vào ngày mai. Cựu tiền đạo Man United là mẫu cầu thủ mà HLV Arsene Wenger mong muốn ở nhiều khía cạnh: anh khá trẻ (mới 23 tuổi), linh hoạt, vẫn còn có thể phát triển thêm với thành tích ghi bàn không quá tồi, 29 bàn trong 142 lần ra sân cho đội chủ sân Old Trafford. Nguyên nhân khiến cho Welbeck không thể nâng cao hiệu suất ghi bàn nằm ở việc anh chủ yếu vào sân từ ghế dự bị hoặc phải dạt ra biên.
Trong khi đó, có một mẫu số chung về tiêu chí chọn mua các tiền đạo của Man City. Đó đều là những cầu thủ đã khẳng định được mình, chứ không phải là các viên ngọc thô. Nói chung, nhà ĐKVĐ Premier League luôn đặt sự thực dụng trong mỗi quyết định mua sắm. Man City kỳ vọng các tiền đạo có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ, và sẵn sàng chi ra số tiền lớn để mua họ.
Hãy quay trở lại năm 2009, khi Man City chiêu mộ một lúc ba tiền đạo trong kỳ chuyển nhượng mùa hè gồm Carlos Tevez, Roque Santa Cruz và Emmanuel Adebayor. Còn vào các mùa 2011-12 và 2013-14, mỗi mùa Man City mua về hai chân sút mới: Sergio Aguero - Mario Balotelli (2011-12) và Stevan Jovetic - Negredo (2013-14).
Hiệu quả của những cách tiếp cận có thể được đo đếm bằng thống kê. Nếu coi Podolski và Walcott là những cầu thủ thuần chạy cánh, thì ba tiền đạo của Arsenal chỉ đem về tổng cộng 24 bàn mùa trước. Trong khi đó, bốn chân sút của Man City đem về hơn 3 lần con số đó, 83 bàn. Đấy không phải là điều gì đó quá bất ngờ, bởi mùa 2011-12, Aguero, Dzeko, Tevez và Balotelli đã cùng nhau sút tung lưới các đối thủ 70 lần.
Mùa này sẽ đổi vai?
Chiến thuật có thể là nhân tố tạo ra khác biệt, nhưng cũng cần phải thấy rõ ý tưởng của hai đội không giống nhau. Ngoại trừ mùa 2010-11, chính sách của Man City trong vòng 5 năm trở lại đây là thường xuyên sử dụng hai tiền đạo. HLV Manuel Pellegrini mùa trước thường sử dụng sơ đồ chiến thuật 4-4-2.
Trong khi đó, Arsenal lại thu hẹp lựa chọn cho vị trí tiền đạo khi thường xuyên qua lại giữa các kiểu sơ đồ 4-2-3-1, 4-1-4-1 hay 4-3-3. Trong 9 năm gần đây, công thức chung của đội chủ sân Emirates là một trung phong cắm được hỗ trợ bởi dàn tiền vệ tấn công đông đảo phía sau lưng.
Lý thuyết là như vậy, nhưng Man City vẫn luôn được đánh giá có chiều sâu hàng công tốt hơn hẳn Arsenal, khi họ sở hữu bốn cầu thủ với chất lượng đồng đều nhau. Thế nên mỗi khi một cầu thủ nào đó không thể ra sân, thì những lựa chọn trên ghế dự bị luôn sẵn sàng. Trong khi đó, mùa trước, khi Giroud phải nghỉ thi đấu tới bốn tháng, Arsenal cảm nhận rõ hình ảnh của đội bóng một người.
Trước khi có được Welbeck, HLV Wenger than phiền Arsenal thiếu tiền đạo. Ông không đặt nhiều niềm tin vào những cầu thủ hoặc chủ yếu bám biên như Walcott, Sanchez, Podolski, hoặc còn non kinh nghiệm như Sanogo hay Joel Campbell.
Việc có được Welbeck sẽ đem đến cho Arsenal một lựa chọn lý tưởng cho vị trí trung phong. Còn Man City, sau khi chia tay Negredo sang Valencia, họ đã tính đến phương án đẩy Yaya Toure, người ghi 24 bàn mùa trước, lên đá tiền đạo. Sự chuyển dịch giữa hai đội liệu có làm mờ đi những khác biệt? Vẫn cần thêm thời gian để đưa ra câu trả lời rõ ràng.
Theo Thể Thao Văn Hoá