Mùa bóng thứ hai liên tiếp Arsenal không thể ghi nổi lấy một bàn qua hai lượt trận đầu tiên, điều chưa từng xảy ra đối với đội bóng này ở Premier League. Và mùa giải này mới chỉ chứng kiến hai trận hòa không bàn thắng, thì cả hai đều có sự góp mặt của Arsenal. Một sự thất vọng ghê gớm với đội bóng đã từng biểu tượng cho lối chơi tấn công hào hoa của bóng đá Anh.
Nhưng điều khiến chúng ta thất vọng không hẳn là chỉ vì Arsenal không ghi được bàn, mà còn bởi những “dấu hiệu” để hy vọng bàn thắng đến là rất thấp qua hai lượt trận. Trận gặp Sunderland, Arsenal cầm bóng với thời lượng lên đến 70% và sút đến 25 quả, nhưng 20 lần trong số đó đi chệch khung gỗ, chỉ có 1-2 cơ hội rõ nét (rõ rệt nhất là cơ hội cuối trận Sunderland của Olivier Giroud). Tương tự là 17 cú dứt điểm với đa số là lên trời hoặc ra biển quảng cáo trong trận gặp Stoke City. Phần lớn những tình huống dứt điểm đều đến trong trạng thái cơ hội chưa “chín muồi”, bởi sự nôn nóng trong thế trận bế tắc.
Nỗi nhớ Robin van Persie là có thật, vì Arsenal phải chuyển từ một hệ thống chỉ phục vụ cho một cầu thủ săn bàn sang một hệ thống chia sẻ và hợp tác nhiều hơn để tạo ra cơ hội. Nhưng trên lý thuyết, hệ thống ấy sẽ đạt hiệu quả khủng khiếp nếu ăn khớp với nhau. Mùa trước, Lukas Podolski đã ghi 18 bàn sau 29 trận ở Bundesliga, Olivier Giroud là Vua phá lưới Ligue 1 với 21 lần nổ súng, còn Santi Cazorla đã ghi 9 bàn và kiến tạo 5 lần cho Malaga ở giải VĐQG TBN.
Nhưng chúng ta không thấy họ liên kết được với nhau, dù rất cố gắng làm điều ấy. Podolski tích cực tạt bóng từ cánh trái, nhưng thường là bị thủ môn bắt gọn hoặc đi vượt tầm với của Giroud. Tiền đạo người Pháp có ý thức di chuyển dạt biên và tham gia vào các pha phối hợp, nhưng ngay trong những tình huống làm tường sở trường, Giroud cũng không nắm được nhịp di chuyển của các đồng đội. Cazorla cũng mất liên lạc với các tiền đạo, và thường xuyên phải thử sức ở những tình huống sút xa.
Arsenal, khi bản sắc mờ nhạt
Họ dễ dàng bị chia cắt bởi lối chơi rắn và đậm thể lực của Stoke, và khi mà sự phối hợp giữa các mắt xích tấn công không tồn tại, thì hy vọng bàn thắng lại càng thấp hơn khi Arsenal xử lý những tình huống cố định khá “ngon ăn” một cách cẩu thả, ở 2-3 quả phạt trực tiếp với cự ly và góc sút thuận lợi (Cazorla và Arteta đều đá hỏng), chưa kể 11 quả phạt góc bị phung phí (Stoke không được hưởng quả phạt góc nào). Họ không đủ năng lực giải quyết trận đấu trên phương diện “chi tiết”. Trong khi đó, Stoke đã suýt làm được điều này, với tình huống mà Walters đã làm lưới của Mannone rung lên, nhưng không được không nhận vì lỗi việt vị ngay phút thứ 7.
Nhưng đáng thất vọng nhất là trận hòa không bàn thắng thứ hai liên tiếp lại cho thấy sự sụp đổ của một triết lý bóng đá đã từng là biểu tượng cho cái đẹp hào hoa của bóng đá Anh: Lối chơi ít chạm kết hợp di chuyển và những đường chuyền tinh tế đã là thương hiệu của Arsenal.
Chất lượng các đường chuyền của Arsenal qua hai lượt trận đã đấu là rất thấp, đặc biệt là những đường chuyền ở phạm vi 30 mét cuối cùng. Các lần chạm bóng của họ cũng không đủ sự tinh tế cần thiết để tạo ra nhanh các khoảng trống và đưa bóng đến vị trí thuận lợi một cách nhanh chóng. Thậm chí ngay cả một tình huống giãn biên Arsenal cũng thực hiện một cách ì ạch và mất quá nhiều chạm, chưa nói đến những pha vỗ mặt trung lộ và chọc khe của họ đã từng được đưa vào những cuốn sách chiến thuật kinh điển.
Qua một mùa bóng quá phụ thuộc vào van Persie và làm mọi cách để đặt quả bóng vào trong chân anh khi tấn công, Arsenal đã đánh mất sự sắc sảo và linh hoạt khi buộc phải chuyển về hệ thống thi đấu mà các cầu thủ phải chia sẻ, hợp tác để tạo ra các phương án tấn công. Việc mất đi một chân sút đã ghi đến 30 bàn ở Premier League mùa trước rõ ràng là một điều đáng tiếc, nhưng đáng tiếc hơn là bản sắc lối chơi đã làm nên thương hiệu của Arsenal đã được thể hiện quá mờ nhạt sau hai lượt trận đầu tiên. Hy vọng, nó sẽ trở lại ở những vòng tiếp theo, khi những tân binh thật sự hòa nhập và họ không cần phải gồng mình để tìm thấy sự thấu hiểu, như hai lượt trận đã qua.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)