Ngoài Fabregas, không một thành viên nào của Arsenal thừa nhận thất bại. HLV Wenger thậm chí bóng gió rằng đã có một “âm mưu” loại Pháo thủ ra khỏi Champions League. Nhưng dù sao Arsenal cũng đã dừng bước, và bây giờ họ sẽ đưa ra kế hoạch nào để chống lại mùa giải trắng tay thứ 7 liên tiếp?
HLV Arsene Wenger có lý do riêng khi tin rằng trọng tài Busacca đã hủy hoại trận đấu. Robin van Persie đã bị đuổi quá sớm, và lại trong một tình huống gây tranh cãi. “Làm sao tôi nghe thấy tiếng còi khi có 96.000 người đang nhảy nhót và gào thét” - tiền đạo người Hà Lan bức xúc. Anh gọi việc mình phải rời sân “hoàn toàn là một trò đùa”. Và trong khoảng thời gian còn lại của trận đấu, với thế hơn người, Barca không ép sân và ghi thêm bàn mới là chuyện lạ.
Arsenal thua do kém hay do bị "thế lực siêu nhiên" ngăn cản
Ông Wenger thậm chí khẳng định rằng ngay cả những nhân vật trong UEFA mà ông tiếp xúc cũng “cảm thấy sốc vì một trận đấu tuyệt vời đã bị giết chết”. Nếu nhìn nhận sự việc theo hướng Buccasa đã xử quá nặng tay, không có nhiều lý do để trách Arsenal.
Tuy nhiên, không phải ngẫu nhiên mà Cesc Fabregas phải đứng lên tuyên bố nhận “tất cả chỉ trích” vì trận thua của Arsenal, cũng như khẳng định rằng trận đấu tại Nou Camp là “thời khắc đen tối nhất trong sự nghiệp”. Pha chuyền hỏng của anh vẫn là dấu hiệu rõ ràng của việc Arsenal vẫn là một “nhà trẻ”. Đành rằng Barca cũng đã phạm sai lầm với một pha phản lưới, nhưng có quá nhiều chi tiết nhỏ nhặt trong trận đấu tại Nou Camp cho thấy các Pháo thủ vẫn chưa thể lớn hẳn. Đơn cử như việc họ chạm bóng bên phần sân đối phương có 41 lần trong hiệp 1, còn con số tương ứng bên phía Barca là... 310.
Tất cả đều là chuyện đã rồi. Wenger một mực khẳng định rằng nếu không có chiếc thẻ đỏ của Van Persie, đội đi tiếp đã là Arsenal. Đó chỉ là giả tưởng. Không ai dám chắc rằng trong hiệp 2, đội bóng của ông sẽ không phạm sai lầm như trong bàn mở tỷ số của Barca. Ở quê hương của Wenger, người ta tin rằng mình có thể cho cả Paris vào trong chai chỉ bằng chữ “Nếu”. Bây giờ, nhiệm vụ của Wenger là cho một chiếc cúp vào phòng truyền thống của Arsenal, chứ không phải cho Paris vào trong chai, nên thay vì bám lấy cái giả tưởng “không có thẻ đỏ”, ông cần một kế hoạch.
Kế hoạch ấy là làm thế nào để vượt mặt Man United ở FA Cup hoặc Premiership để có danh hiệu. Quên đi thất bại tại Champions League, mọi thứ vẫn sáng sủa với Arsenal khi M.U đang có dấu hiệu đi xuống với 2 thất bại liên tiếp. Ở FA Cup là một cuộc đấu tay đôi, còn ở Premiership, nếu Arsenal thắng trận đấu bù, họ sẽ bằng điểm Man United.
Vấn đề bây giờ không phải là ai đi nhanh hơn, mà là ai sẽ vấp ngã trước? Arsenal lại luôn có truyền thống vấp ngã đúng vào thời điểm quan trọng nhất (điều họ đã chứng minh rất cụ thể ở trận chung kết Carling Cup 2010/11).
Đây không phải lúc trông chờ các cầu thủ trẻ của Arsenal chứng tỏ bản lĩnh (họ vốn có rất ít thứ đó), mà lúc Arsene Wenger thể hiện kinh nghiệm của mình. Trắng tay ở 2 đấu trường chỉ trong chưa đầy một tháng là một đòn giáng mạnh vào tinh thần các Pháo thủ. Sau thất bại tại Carling Cup, người ta thấy Arsenal chững lại phần nào với trận hòa Sunderland. Sau thất bại tại Champions League, liệu có thêm những cú vấp?
Đá thế nào, chọn đấu trường nào, dùng ai và dùng lúc nào, bây giờ là lúc Giáo sư làm những con toán tối hậu cho Arsenal mùa giải 2010/11, và có thể là cho cả sự nghiệp của ông ở Emirates.
(Theo báo Bóng Đá)