Sau Nigeria, lại một trận thua nữa, lần này là trước Ba Lan. Tuy nhiên đây chỉ là đội hình hai của Argentina và đánh giá Albiceleste dựa trên những trận cầu dạng thế này không hẳn là chính xác. Hãy cùng nhìn lại xem Argentina đã biến chuyển ra sao khi Batista cầm quân.
Hướng đến sự chặt chẽ
Khác biệt dễ nhận thấy nhất của Argentina - Batista và Argentina - Maradona trước đó là tính phiêu lưu trong vận hành đã được giảm đi nhiều. Maradona biến Argentina thành một đội quân mà cách họ chơi bóng cũng phản ánh khá rõ nét tính cách của ông thầy: ngẫu hứng, đôi khi đến mức tùy tiện cả trong bố trí đội hình chiến thuật và sử dụng con người, thích tấn công ào ạt (nhưng thường không hiệu quả), nếu Argentina ấy lâm vào một thế trận mà đối phương biết cách giập tắt cảm hứng chơi bóng của họ, thì họ cũng không thể lấy lại thăng bằng trong tâm lý thi đấu nữa. Nhìn chung, Argentina ở thời Maradona mang dáng dấp một đội bóng “giải trí” nhiều hơn là người đi chinh phục, chẳng ai đi đánh chiếm những cái đích lớn lao với một HLV chẳng để lại gì nhiều những dấu ấn về kỹ chiến thuật thế cả.
Batista chưa tìm được một nhạc trưởng cho Argentina
Với Batista, những khiếm khuyết nêu trên gần như được xóa bỏ. Argentina bây giờ đề cao sự cân bằng trong công thủ. Dù chơi với sơ đồ 4-3-3 nhưng Albiceleste giờ không tồn tại khoảng cách lớn giữa các tuyến như trước. Thời Maradona, Argentina như chỉ có 2 tuyến, tiền đạo và hậu vệ. Lúc này, với bộ ba tiền vệ trung tâm rất mạnh trong tranh chấp khu trung tuyến và hỗ trợ phòng ngự, tập thể của Batista không lâm vào cảnh bị đánh vỗ mặt hay hứng chịu những pha phản công mà có ít người tham gia bảo vệ phần sân nhà. Cân bằng, đó là điều Batista luôn đề cao. Nói đến yếu tố chặt chẽ không có nghĩa là Batista theo đuổi thứ bóng đá nặng về độ an toàn mà vì khi có Messi cùng một giàn các chân sút khét tiếng, chẳng ai nghi ngờ sức công phá của Argentina cả.
Có thể lấy những trận cọ xát “lớn” với TBN, Brazil hay BĐN làm ví dụ cho những thay đổi ở Argentina. Các học trò của Batista vẫn tấn công bằng những đường đan bóng ở cự ly trung bình, ngắn, và luôn cố gắng áp đặt thế trận dù đối thủ là những đội bóng tên tuổi. Bên cạnh đó, phòng tuyến sau của họ chơi khá an toàn. Ít nhất cũng an toàn trên khía cạnh bọc lót và luôn có đủ số người cần thiết để không bị động lúc đối phương phản công hay gia tăng sức ép.
Nhưng…
Chưa thể rút ra kết luận khi chỉ mới xem các trận giao hữu, nhưng nếu có một hình dung khá cụ thể về bộ mặt của Argentina sắp tới thì đó là một đội bóng đang hướng tới một cách chơi hiện đại, khoa học nhưng thiếu đi một mắt xích cực kỳ quan trọng để tạo ra sự khác biệt: Tiền vệ dẫn dắt. Đánh bại được đội Argentina ấy không phải dễ, nhưng Albiceleste cũng sẽ gặp khó khăn nhất định trước các đội chưa hẳn là mạnh. Ví dụ như trận thử nghiệm trước ĐT Mỹ. Họ cầm nhiều bóng hơn, nhưng chất lượng cầm giữ bóng không cao do thiếu người điều phối xuất sắc ở tuyến giữa. Kết quả là dù có Messi hay các siêu tiền đạo khác, Argentina cũng chưa cụ thể hóa ưu thế kiểm soát bóng của mình vì họ triển khai bóng hơi “cùn” lúc tiến sát đến gần vòng cấm đối phương.
Một vấn đề nữa là vai trò của Messi. Maradona muốn biến Messi thành một người như ông, một số 10 kinh điển, nhưng lại bố trí một đội hình thiếu hợp lý. Phần vì ở Nam Phi, Messi chưa trở thành vĩ đại, phần nữa là anh chẳng thể vĩ đại được nếu chơi trong tập thể thiếu hẳn sự hài hòa và phụ thuộc thái quá vào anh. Batista lại muốn Messi thoải mái nhất, nghĩa là chơi tự do và không lạm dụng anh trong vai trò tạo ra sự đột biến như Maradona. Ông cũng bố trí các vệ tinh xung quanh hỗ trợ anh hết mình, đúng ra là các cầu thủ khác cứ cố gắng chơi hết mình, phát huy hết khả năng của họ để giảm tải cho Leo. Nhưng như một phản xạ tự nhiên, Messi có vẻ quay về vai trò người làm bóng cho cả đội khi không có nhạc trưởng giữa sân.
Thực chất, anh phải chơi như thế vì nếu không, Argentina sẽ thiếu hẳn độ trơn tru lúc đưa bóng lên phần sân đối phương. Batista, hãy tìm một nhạc trưởng đi, nếu muốn Messi trở thành người như ông mong ước.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)