Thứ Bảy, 02/11/2024Mới nhất
Zalo

Angel Di Maria sẽ là bản hợp đồng thất bại của Louis Van Gaal?

Thứ Năm 04/09/2014 15:39(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
Ở đây, nói Di Maria sẽ là bản hợp đồng thất bại không phải vì anh kém, mà vì kiểu gì Louis Van Gaal cũng không thể tận dụng nổi hết nguồn nhân lực mà ông có.

1. Di Maria có năng lực thế nào thì khỏi bàn. Anh đủ sức gánh nguyên một tuyển Argentina chơi xuất sắc và phục thù quá ngọt ngào trước ĐT Đức trong ngày hôm qua với 1 bàn thắng và 3 kiến tạo. Ở mặt trận Premier League, thực ra Di Maria cũng đã ra mắt không hề tồi một chút nào. Trên bình diện cá nhân, những pha đi bóng của Thiên thần trước Burnley vẫn là rất tốc độ, dữ dội và nguy hiểm; kèm theo đó là những đường chuyền mang tính "siêu đột biến" (có 2 đường chuyền dài cho Rooney và Van Persie băng lên dứt điểm nhưng bất thành). Dù chỉ được xếp đá tiền vệ trung tâm lệch trái, nhưng tầm ảnh hưởng của tiền vệ 26 tuổi lên Man Utd vẫn là rất đáng kể, và cũng vì thế mà khỏi cần tưởng tượng người ta cũng có thể biết được nếu như Thiên thần được đẩy lên đá cao hơn, anh có thể sẽ làm được những gì.

Shevchenko
Andriy Shevchenko là ví dụ tiêu biểu cho việc không phải cứ giỏi là thành công

Thực ra, việc một cầu thủ giỏi không thành công là một điều rất bình thường, ví như con cá muốn bơi được thì phải gặp nước, còn nếu huấn luyện viên phó mặc con cá cho nhiệm vụ trèo cây thì cũng chẳng thể giải quyết nổi vấn đề. Những ví dụ điển hình như là Juan Sebastian Veron với lối chơi lãng tử không thể đá tại Premier League, Andriy Shevchenko sau một thời gian thất bại tại Chelsea không thể hồi sinh tại Milan, Arjen Robben không chơi được tại Stamford Bridge, nhưng từ khi sang Real Madrid và Bayern Munich, anh đều chơi như lên đồng. Một cầu thủ giỏi cần một môi trường phù hợp để phát triển. Ronaldo chắc chắn không thể được như bây giờ nếu không được Perez mua về với giá kỉ lục thế giới để sang Real, còn Messi không được đào tạo ở La Masia thì có lẽ phải gặp nhiều gian truân trong quá trình chinh phục Quả bóng Vàng. 

Thế nên, Di Maria có thất bại ở Man Utd, suy cho cùng có thể không phải là lỗi của anh.

2. Nói về Van Gaal, thì chiến lược gia người Hà Lan quả nhiên là một người vô cùng bảo thủ. Có lúc ông bảo thủ đúng, có lúc ông bảo thủ sai (nhưng thường là đúng). Ông bắt BLĐ Ajax chờ 3 năm để có danh hiệu đầu tiên, rồi qua đó dùng tập thể trẻ măng ấy chinh phục cả châu Âu hùng mạnh, nơi mà khi đó Juventus, Dortmund, Bayern hay Man Utd là những thế lực vô cùng lớn. Ông bắt BLĐ Bayern chờ già nửa giai đoạn lượt đi (11 vòng) mà chỉ có nổi 17 điểm, xếp ở nửa sau BXH Bundesliga năm ấy, để rồi lên ngôi khi mùa giải khép lại. Ông bắt BLĐ AZ Alkmaar mua người theo đúng ý mình, tạo ra những cuộc chiến thực sự trong nội bộ đội bóng này với cá tính mạnh của mình, nhưng rồi sau đó người ta đã biết đến tên của đội bóng này nhiều hơn. Trước khi Van Gaal đến, không ai biết AZ là đội nào; sau khi Van Gaal đi, AZ đã có đủ một bộ sưu tập danh hiệu. Người ta nói ông già lẫn khi ông gọi vào tuyển Hà Lan một "lũ nhóc không ai quen tên biết mặt" đi đá World Cup 2014. Kết quả Hà Lan của ông chỉ bị loại ở Bán kết trên chấm 11 mét.

Có một điểm chung trong sự nghiệp của Van Gaal, đó là hầu như các đội bóng ông từng kinh qua đều sẵn sàng chờ. Nhưng Man Utd thì không như vậy. Chỉ cần một mùa lọt ra ngoài top 4, ngay lập tức chiến lược gia người Hà Lan sẽ ra đường, bất chấp ông đã mua được những ai, làm được những gì. Tất cả mọi thứ đều được quy ra các con số, và mức tiền đền bù hợp đồng của Man Utd cho Van Gaal sẽ tự động cắt giảm đi 30%. Vào top 4 xem chừng không phải một thử thách không thể làm được, nhất là với tình hình quân số mà Man Utd đang sở hữu, nhưng hẳn nhiên họ sẽ vấp phải những sự cạnh tranh rất lớn khi chưa bao giờ tại Premier League có tới 8 đội cạnh tranh cho 4 suất phía đầu BXH: Man Utd, Man City, Chelsea, Arsenal, Liverpool, Tottenham, Everton và một ngựa ô bất kì (có thể là Aston Villa hoặc Sunderland). Vì vậy, Van Gaal như thể đứng giữa 2 dòng nước ngược: nếu ông giữ 3-5-2 thì Man Utd sẽ phải đợi một thành tích có thể là không bao giờ đến, còn nếu thay đổi sang 4-3-3 (cực kì lí tưởng trong bối cảnh lực lượng hiện tại) thì lại đi trái với triết lý của mình.

Với tính cách bảo thủ của mình, Van Gaal nhiều khả năng sẽ tiếp tục chọn 3-5-2.

3. Trong sơ đồ 3-5-2, Van Gaal có ý tưởng cho Di Maria chơi lệch trái, vì anh thuận chân trái, và cũng đã trợ giúp rất đắc lực cho Ronaldo tại Real trong tư cách của một tiền vệ chơi lệch trái. Điều này xem chừng khá hợp lý, vì Valencia, Rafael và Ashley Young đều có thể chơi tiền vệ cánh phải. Mata do không có kĩ năng phòng ngự nên sẽ được kéo vào chơi ở trung lộ, bên dưới cặp tiền đạo. Từ đây, vấn đề bắt đầu nảy sinh. Lúc này, Van Gaal đang có 3 tiền đạo đều thuộc hàng chất lượng là Rooney, Van Persie và Falcao. Vậy nếu để Di Maria chơi tiền vệ trái và Mata chơi hộ công thì ai trong 3 người trên sẽ phải hi sinh vị trí cho 2 người còn lại? Rooney là đội trưởng, Van Persie là cầu thủ đồng hương, còn Falcao thì có giá quá chát. Cả 3 người họ đều xem chừng sẽ không phải ngồi dự bị. Nếu không ai trong số này dự bị, có nghĩa là Rooney sẽ chơi hộ công, và đồng nghĩa luôn với việc Mata sẽ một lần nữa bị chôn vùi trên ghế dự bị như những gì anh đã trải qua tại Chelsea. Nếu Van Gaal làm theo cách này, ông đã vứt 37,8 triệu bảng của BLĐ đội bóng vào sọt rác, không tận dụng được nguồn sáng tạo đến từ cầu thủ đắt thứ 2 lịch sử CLB, và thậm chí còn để cho Rooney và Di Maria, 2 cầu thủ có tầm hoạt động rộng, chơi rất gần nhau và có khả năng giẫm chân nhau.

Sơ đồ 3-5-2 ưa thích của HLV Van Gaal
Sơ đồ 3-5-2 của Van Gaal xếp thế nào cũng khó lòng mà ổn được hoàn toàn

Có một cách để tận dụng cả 5 cái tên (Mata, Rooney, Van Persie, Falcao và Di Maria), đó là cho Di Maria - Mata án ngữ 2 cánh, Rooney chơi hộ công sau cặp tiền đạo Falcao - Van Persie. Thế nhưng khi tận dụng được đầy đủ nguồn tài nguyên như thế này, thì chắc chắn Van Gaal sẽ phải đối mặt với khả năng bị đánh cánh rất cao và Man Utd sẽ lại thủng lưới theo những cách đã được dự đoán trước nhưng không thể phòng chống. Ý thức phòng ngự của Di Maria và Mata là cực kém (đây cũng là lí do họ bị đẩy khỏi Real và Chelsea). Nói cách khác, dùng Di Maria cho hiệu quả thì Van Gaal buộc phải để Mata ở ngoài, và lãng phí một nguồn tài nguyên sáng tạo cực kì đáng tiếc. Trong trường hợp Van Gaal không muốn Di Maria phòng thủ mà chỉ tập trung vào nhiệm vụ tấn công, HLV người Hà Lan sẽ kéo anh vào chơi sau cặp tiền đạo trám chỗ Rooney thì lúc đó vừa sẽ có chân sút đẳng cấp phải ngồi dự bị, vừa không tận dụng được hết công năng của Di Maria, người giỏi tạt, căng ngang và đột phá vào trung lộ từ cánh chứ chọc khe hay đột phá thẳng chính diện lại không phải quá xuất chúng.

Tóm lại, Di Maria không phù hợp với 3-5-2. Van Gaal phải chọn giữa bảo vệ triết lý của mình, hoặc vứt 60 triệu bảng vào sọt rác.

4. Vậy có lẽ cách tốt nhất là cố gắng nhắm mắt loại Mata trong sơ đồ 3-5-2, vì dù sao bỏ 38 triệu bảng ở ngoài cũng... đỡ tốn hơn bỏ 60 triệu nhiều. Vậy vị trí dành cho Di Maria có lẽ là ở biên trái? Không, bởi lẽ tất cả đều đã thấy Gerardo Martino kéo Di Maria sang phải theo cách nào, và anh đã toả sáng ra sao trước đội tuyển Đức. Di Maria ghi 1 bàn và kiến tạo 3 bàn từ cái chân trái quá ma thuật của mình. Việc đá trái chân hoá ra lại có lợi cho tiền vệ người Argentina, tạo điều kiện cho anh phát huy đến tối đa khả năng vốn có. Tạt bóng chéo chân không phải là vấn đề, vì Di Maria có lẽ chỉ thua Ricardo Quaresma trên toàn thế giới này về khả năng rabona. Tuy nhiên, cách xếp Di Maria sang phải này có thể gây ra 2 trở ngại: Một, nếu Rooney đá hộ công thì khi dạt vào giữa, Di Maria sẽ giẫm vào chân R10, và sẽ lại xảy ra tình trạng hỗn loạn dẫn tới tấn công không khởi sắc như trước Burnley. Hai, nếu Di Maria đá phải để tận dụng tối đa khả năng bản thân, liệu ai sẽ trám vào cánh trái? Nhiều khả năng sẽ là Luke Shaw; nhưng đợi tới lúc Shaw bình phục hoàn toàn chấn thương, trở lại, thích nghi từ đầu và tránh ngợp với môi trường của một đội bóng lớn, có lẽ mùa giải đã trôi qua từ tám hoánh. Valencia và Young chuyên môn không tốt, nhưng ít nhất họ có kinh nghiệm hơn và không bị áp lực tâm lý như Luke Shaw, nhưng họ lại không sở trường đá cánh trái.

Có nhiều ý kiến cho rằng Van Persie sẽ là người bị "thí", nhường chỗ cho cặp Rooney - Falcao, Mata vẫn được dùng như một số 10; nhưng kể cả khi ấy, 3-5-2 của Van Gaal vẫn không thể trơn tru, vì Di Maria với tầm hoạt động rộng của mình rồi sẽ khó có thể kết hợp được với cựu tiền vệ của Chelsea. Vấn đề "giẫm chân nhau" vẫn chưa thể giải quyết.

di maria manchester united burnley
Di Maria sẽ thích hợp nhất với sơ đồ 4-3-3 anh từng chơi tại Madrid, chứ không phải 3-5-2 tại Manchester

5. Nói đi nói lại, mua Di Maria về là cách hoàn toàn không hay để vận hành sơ đồ chiến thuật 3-5-2. Gần như chắc chắn nếu Van Gaal còn bảo thủ, Man Utd sẽ thất bại dù cho đã chi tiền tấn trên TTCN. Cách giải quyết tốt nhất trong lúc này là đổi cách vận hành của Man Utd sang sơ đồ 4-3-3. 4 hậu vệ sẽ hợp lý hơn rất nhiều cho môi trường Premier League, nơi luôn đòi hỏi một phòng tuyến dày dạn: Jones - Evans - Rojo - Shaw sẽ là lựa chọn hợp lý hơn cả, trong bối cảnh cả Jones và Shaw đều có thể lên công về thủ nhiều mà vẫn có sự trợ giúp của tuyến tiền vệ giúp tiết kiệm thể lực. 3 tiền vệ có thể là Blind - Herrera - Di Maria với việc tiền vệ người Argentina được chơi lệch phải hoặc lệch trái sao cho cơ động nhất và giống với thời anh chơi tại Real nhất; Blind lo khâu dọn dẹp khu vực vòng tròn giữa sân, còn Herrera đá như một số 8 nhạc trưởng. Trên hàng công, Rooney - Van Persie - Falcao có thể chơi tự do và phối hợp đột biến khi cần. 4-3-3 có lẽ là sơ đồ hợp lý nhất trong bối cảnh hầu như tất cả các cầu thủ trên hàng công Man Utd đều có tầm hoạt động rộng, có ý thức lui về phòng ngự; còn Di Maria đã có Blind che chắn nên nhiệm vụ thủ sẽ ít hơn nhiệm vụ công. Khi đó, Mata có thể được kéo về chơi thay Herrera hoặc chính Di Maria khi cần. Phương án này vừa sử dụng được đến tối đa nguồn nhân lực, vừa hợp lý cho năng lực của từng người và giúp Man Utd vận hành hoàn hảo trên lý thuyết.

Lý thuyết là thế, và có vẻ 4-3-3 là cách duy nhất để tận dụng toàn bộ những tân binh mà Man Utd vừa mang về trong mùa hè này. Nhưng Van Gaal có từ bỏ 3-5-2 để chuyển sang 4-3-3 không thì vẫn chưa rõ. Nếu ông vẫn trung thành với 3-5-2, Di Maria sẽ là một chữ kí thất bại. Thất bại ít hay thất bại nhiều, vẫn sẽ là thất bại.

Thành Nguyễn


Có thể bạn quan tâm

Alphonso Davies: Từ cậu bé ở trại tị nạn đến ngôi sao bóng đá thế giới

Alphonso Davies: Từ cậu bé ở trại tị nạn đến ngôi sao bóng đá thế giới

Alphonso Davies: Từ cậu bé ở trại tị nạn đến ngôi sao bóng đá thế giới

Sinh ra trong một trại tị nạn rồi sau đó vươn tới những đỉnh cao với các danh hiệu Bundesliga, Champions League cùng Bayern Munich và cuối cùng là tham dự World Cup 2022 cùng ĐTQG Canada. Đó quả là một chặng hành trình dài và nếu nó có được Alphonso Davies ghi vào một cuốn nhật ký thì hẳn đó sẽ là một cuốn nhật ký rất đáng đọc. Nhưng chàng trai tới từ Canada năm nay mới chỉ 24 tuổi và chặng hành trình tiếp theo của anh vẫn còn rất dài.

Bayern Munich của Vincent Kompany hay ở đâu, dở điểm nào?

Bayern Munich của Vincent Kompany hay ở đâu, dở điểm nào?

Bayern Munich của Vincent Kompany hay ở đâu, dở điểm nào?

Đứng đầu Bundesliga và bất bại, Bayern Munich dường như đã tiến bộ hơn so với thời Thomas Tuchel. Tuy nhiên, tại Champions League lại là một hình ảnh hoàn toàn trái ngược và đáng xấu hổ sau khi đoàn quân của Vincent Kompany phải nhận một thất bại tồi tệ trước Aston Villa (0-1) và một trận thua thảm hại trước Barcelona của Hansi Flick (1-4).

Per Mertesacker bóc tách chính sách đào tạo trẻ của Arsenal: "U8 là lứa tuyển trạch quan trọng nhất!"

Per Mertesacker bóc tách chính sách đào tạo trẻ của Arsenal: U8 là lứa tuyển trạch quan trọng nhất!

Per Mertesacker bóc tách chính sách đào tạo trẻ của Arsenal: "U8 là lứa tuyển trạch quan trọng nhất!"

Bukayo Saka, Ethan Nwaneri, và Myles Lewis-Skelly chia sẻ nhiều nét tương đồng. Dễ nhận ra nhất, cả ba đều là sản phẩm của học viện Arsenal và hiện đang là thành viên đội hình chính dưới sự dẫn dắt của Mikel Arteta. Họ cũng đều thuận chân trái, đa năng, quyết tâm và đầy tài năng.

Xem thêm
top-arrow
X