Sau 4 năm, một thế giới mới đã mở ra, nhưng khác hẳn với thế giới mà người ta đã từng chứng kiến trước đó. 2007 với Champions League là chiến công của Kaka, Seedorf, Maldini và Inzaghi. 2011 lại là một chiến công theo dạng khác, bình dị hơn, chắc chắn hơn và ít mang tính bùng nổ hơn. Scudetto vẫn chưa được trao, nhưng thời khắc cho lễ ăn mừng một danh hiệu trên tầm quốc gia Italia của Milan sau 7 năm kể từ Scudetto 2004 đã sắp điểm.
Từ bỏ “gánh xiếc Milan”
Một lần nữa, Duomo lại sống những ngày sôi động nhất. Quảng trường trung tâm của Milano đã chứng kiến không biết bao nhiêu cuộc ăn mừng chiến thắng tại đó trong những năm qua. Nhưng trong 5 năm liên tiếp, những người đứng đó vẫy cờ và hò reo hạnh phúc mặc trên mình sắc áo xanh-đen. Lần gần nhất quảng trường ấy mang sắc đỏ-đen cách đây đã 4 năm, sau đêm đăng quang Champions League ở Athens. Sau đấy là một khoảng đen vô tận, với những thất vọng, cay đắng và chán chường gắn liền với thứ bóng đá đánh bóng ngôi sao hào nhoáng mà thất bại của Berlusconi. Sự thay đổi tư duy của Milan dưới thời Allegri đã đem đến những thay đổi tích cực, bởi lần đầu tiên sau nhiều năm, Milan không đá để giúp các phóng viên viết nên các mĩ từ trên báo, mà là để chiến thắng.
AC Milan tiến rất gần đến Scudetto
Có 2 cột mốc rõ ràng đánh dấu bước chuyển ấy. Cesena, ngày 11/9/2010, vòng đấu thứ 2. Allegri tung ra đội hình 4-3-3 với bộ ba tấn công Pato-Ibrahimovic-Ronaldinho. Tiền đạo răng hô người Brazil được thay bằng người đồng hương Robinho ở đầu hiệp 2 và sau đó, Inzaghi vào sân thay Gattuso. 4 tiền đạo trên sân cùng lúc là điều Berlusconi mong muốn nhất, nhưng điều đó không hề đi đến đâu. Milan đã thất bại như thế với Leonardo, đã thua hôm ấy với tỉ số 0-2 trên sân Cesena. Một thông điệp: muốn chiến thắng, Milan không thể từ bỏ sự cân bằng. 7 tháng sau, 23/4/2011, ở Brescia, Allegri tung ra đội hình 4-3-1-2, với Boateng chơi phía sau cặp Cassano-Robinho. Đội hình ấy chỉ còn đúng 2 người đã từng đá xuất phát ở Cesena (Abbiati và Thiago Silva). Ronaldinho, người cuối cùng của gánh xiếc Berlusconi cũng đã ra đi, Pato lại dính chấn thương và Ibrahimovic, giọng tenor chói tai đã làm câm nín cả Serie A nửa đầu mùa bóng, không còn hát nữa, vì bị treo giò. Phải, chính Ibra, cái anh chàng cao to mà ngày trở thành một cầu thủ Milan, tất cả hiểu rằng thời khắc lịch sử của Milan đã đến. Ibra, ngài Scudetto, người đi đến đâu là vô địch đến đó, người chinh phục các danh hiệu đến đó. Những chiến thắng có dấu giầy cỡ 44 của anh. Những bàn thắng mang tên anh. Ngôi đầu bảng và vô số trận đấu đầy ấn tượng của Milan gắn liền với anh.
Ngôi sao là cả đội bóng
Sự thật là nửa đầu mùa này, Milan đã từng trở thành một dạng con tin của Ibra. Chìa khóa cho việc Milan chưa bao giờ chế ngự Serie A mạnh mẽ đến thế kể từ năm 2004 chính là ảnh hưởng về chiến thuật và tinh thần của Ibra. Người đã 8 năm nay chưa trắng tay ở bất cứ giải VĐQG nào anh thi đấu chính là linh hồn của Milan ở giai đoạn lượt đi của mùa giải, với 10 bàn thắng và vai trò thủ lĩnh không phải bàn cãi. Nhưng khi Ibra đã quá mệt mỏi với việc lúc nào cũng phải làm người hùng, không chế ngự được những cơn điên bản năng của mình và chỉ ghi được thêm 4 bàn thắng nữa, Allegri biết cách để Milan sống mà không có anh, nhờ sự chói sáng của Pato (chiến đấu với sự phù hộ của một nữ thánh có tên Barbara) và Robinho, những người đã ghi tổng cộng 12 bàn ở lượt về. Ngày càng vắng Ibra nhiều hơn ở lượt về, trong khi thiếu vắng hầu hết các cựu binh do chấn thương, Allegri đã tạo ra một Milan thực dụng, với những trận đấu có kết quả tối đa từ những gì tối thiểu, như bàn thắng của Strasser (thắng Catania 1-0), của Cassano trong trận đấu với Bari (hòa 1-1 ở San Siro), hay của Gattuso (trận thắng Juve 1-0) và chỉ 10/26 bàn thắng ghi được ở lượt về là đến từ cặp Ibra-Pato. Nên nhớ là hầu như cả mùa bóng này, Milan chiến đấu mà không có sự phục vụ của Inzaghi, trong khi Pato không thể ra sân quá 4 trận liên tục vì luôn chấn thương, Robinho luôn hậu đậu, còn Cassano đã quên đi nhiều cảm giác ghi bàn.
Trong hoàn cảnh ấy, mấu chốt của mọi thắng lợi nằm hàng thủ: Milan hiện là đội để lọt lưới ít nhất giải (23 bàn và 17/34 trận không lọt lưới bàn nào). Trung vệ 35 tuổi người Colombia Yepes chứng minh rằng anh là một sự bổ sung lí tưởng, Abate nay đã lớn, còn Zambrotta đã khỏi chấn thương. Ở hàng tiền vệ, sự vắng mặt dài hơi của một loạt trụ cột từ Pirlo lẫn Ambrosini đều không ảnh hưởng gì đến đội, bởi Allegri đã “sáng chế” Boateng chơi hộ công, đã sử dụng Van Bommel một cách hiệu quả nhất, đã kéo Seedord lệch sang trái và chính ở đó, anh bùng nổ bằng những bàn thắng quyết định vào lưới Fiorentina và Sampdoria để đem đến những chiến thắng mới rồi. Thành công của Allegri chính là việc đã biến Milan thành một cỗ máy thực sự không phụ thuộc bất cứ cái tên lớn nào, ở bất cứ tuyến nào, và sự thiếu vắng thường xuyên những cầu thủ quan trọng ấy trong cả chiều dài mùa giải khiến Milan hầu như chưa bao giờ đá 2 trận liên tục với một đội hình lại là cơ hội lớn để thể hiện bản lĩnh Allegri.
8 năm sau ngày lần đầu tiên cầm quân một CLB (Aglianese, hạng Serie C2), là 7 tháng để Allegri đưa một đội bóng đã trên bờ suy thoái nhiều năm qua đến Scudetto, trong một mùa bóng chưa bao giờ thuận lợi đến thế: các thế lực lớn nhất nước Ý thời hậu Calciopoli (Inter và Roma) suy yếu, Juve vẫn trong đường hầm và nhà Berlusconi lại đổ tiền của cho những cuộc chuyển nhượng lớn nhằm đánh bóng lại tên tuổi của mình...