Sau khi trận đấu giữa AC Milan và Barca kết thúc với phần thắng 3-2 nghiêng về phía đội bóng xứ Catalunya, HLV Pep Guardiola đã nói rằng "Giành chiến thắng ở San Siro là một vinh dự". Không ai nghi ngờ những gì Pep đã nói, cho tới khi người ta nhìn kỹ vào những gì vị HLV trẻ này đã làm trong trận đấu ở Milan.
Một chiến thắng nhọc nhằn...
Xứng danh trận "Chung kết" của bảng H, trận đấu ở San Siro không thiếu bất kỳ yếu tố nào của một trận cầu đỉnh cao. Bầu không khí nóng bỏng. Sự căng thẳng. Kịch tính. Những bàn thắng. Sự tỏa sáng cá nhân. Những pha phối hợp sắc sảo... Với các CĐV trung lập, đây có thể xem là trận đấu chất lượng nhất từ khi trái bóng Champions League 11-12 bắt đầu lăn. Với các CĐV của Milan, họ có thể tự hào, và tất nhiên, cả tiếc nuối. Đội bóng của họ, dù chưa phải hay nhất có thể, đã chơi một trận "ra trò" trước đội bóng được đánh giá là mạnh nhất vào thời điểm hiện tại, thậm chí còn được xem là một trong những đội bóng mạnh nhất trong lịch sử. Milan chỉ thua vì đối phương đã quá xuất sắc trong một vài tình huống nhất định, và còn vì, theo họ, sự ưu ái của trọng tài.Guardiola đã "đùa bỡn" AC Milan?
Nhưng các cule có thể cảm thấy ngạc nhiên trước những gì mà họ được chứng kiến ở San Siro. Barca, trong một dịp hiếm hoi, đã chơi như một đội bóng bình thường. Quá nhiều những đường chuyền lỗi. Quá nhiều những pha phá bóng bị động từ hàng thủ. Quá ít những pha đập nhả trước khung thành. Quá ít tiqui-taca. Ngay cả những pha vây ráp của Barca cũng không còn hiệu quả như thường lệ. Có nhiều thời điểm, những gì mà Barca thể hiện "thường" tới mức người xem phải tự đặt câu hỏi, phải chăng sở dĩ Barca có thể thống trị thế giới trong những năm qua là vì sự nổi lên của họ trùng với thời điểm bóng đá Italia sa sút. Nhìn Villa vật vã trước Abate, Messi nhọc nhằn với Nesta và ngay cả một lão tướng như Seedorf cũng có thể nhảy múa trước mũi những Xavi, Busquets, câu trả lời dường như đã quá rõ ràng.
... Hay là một buổi tập trận của Pep?
San Siro là một sân khấu lớn. Milan là một đối thủ vĩ đại (về số chức vô địch Champions League, họ thậm chí còn ăn đứt Barca). Chỉ thế thôi cũng đủ để Guardiola tung vào chiến trường San Siro những binh đoàn mạnh nhất của mình, dù trận đấu đã không còn mang tính chất "sinh tử chiến" từ lượt trước, khi cả hai đội đều giành vé vào vòng 1/8. Nhưng đó chỉ là lý thuyết!? Với tất cả sự tôn trọng dành cho các Milanista, Barca ở San Siro không phải là Barca mạnh nhất có thể. Đó là chúng ta đã tính tới sự vắng mặt vì án treo giò của Dani Alves, người có vai trò quan trọng đến thế nào trong lối chơi của Barca, cả tấn công lẫn phòng ngự, thì tất cả đều đã rõ. San Siro, thực chất, đã bị Guardiola biến thành sân khấu để ông tiếp tục thể nghiệm những ý tưởng còn nung nấu.
Ý tưởng ấy, nói thẳng ra, là sơ đồ 3-4-3 tưởng đã "tuyệt chủng" ở Camp Nou từ sau thời Johan Cruyff. Bắt đầu từ mùa giải năm nay, Guardiola đã liên tục sử dụng sơ đồ này, nhưng kết quả không được ổn định như ông mong muốn. Với 3-4-3, Barca đã đè bẹp Villarreal, Atletico Madrid và Mallorca với cùng tỉ số 5-0, vùi dập Osasuna với tỉ số 8-0. Nhưng cũng với 3-4-3, Barca chỉ thắng được Gijon 1-0, bị Sevilla cầm hòa 0-0 ở Camp Nou, và phải chia điểm ở Valencia cũng như Bilbao. Đáng chú ý, trong cả 2 trận đấu với Valencia và Bilbao, Barca đều phải quay trở lại với 4-3-3 quen thuộc mới có được 1 điểm. Ở Mestalla và ở San Mames, khi đá 3-4-3, hàng tiền vệ Barca vừa yếu về kiểm soát, vừa kém về tranh chấp, còn hàng thủ thì dễ dàng bị khoan thủng khi đối phương mở bóng ra hai biên.
Ở San Siro, điều tương tự cũng đã xảy ra. Barca, trong khi vẫn tạo được một số cơ hội ngon ăn từ những pha tấn công trung lộ, đã không duy trì được áp lực trong một thời gian đủ dài để đối phương phải ngộp thở và tự sai lầm. Những pha tấn công ở cánh gần như bị bỏ quên. Trong khi đó, ở phía đối diện, Ibra (thường xuyên dạt trái) và Boateng (phải) liên tục khiến Puyol và Abidal khốn đốn. Nếu Barca tiếc quả đệm bóng đập xà của Messi, thì Milan cũng đã có thể ăn bàn từ pha đệm lòng của Robinho. Và Pep, một lần nữa, đã phải xoay đội hình trở lại 4-3-3, trước khi lần lượt tung Pedro và Alexis vào sân để mở rộng biên độ của những pha tấn công. Ông lại đúng, khi Xavi dứt điểm gọn ghẽ cú chọc khe tuyệt vời của Messi để ấn định chiến thắng 3-2. Nhưng câu hỏi ở đây, là liệu Barca có nhọc nhằn đến thế không, nếu họ ngay từ đầu đã vào sân với đội hình và lực lượng ưng ý nhất?
Và tại sao Pique, dù chẳng bị chấn thương hay treo giò, lại không được sử dụng một phút nào?
Con số 1 Bàn thắng vào lưới Milan từ chấm 11m, ngạc nhiên thay, mới là bàn thắng đầu tiên mà anh ghi được vào lưới các đội bóng Italia. Trước đó, Barca của Messi đã có 11 lần đụng độ các đội bóng Serie A, Messi ra sân trong 5 trận này, nhưng anh chưa ghi được bàn thắng nào. 5 Bàn thắng vào lưới Milan là bàn thắng thứ 5 của Xavi mùa này. Trong quá khứ, thành tích ghi bàn tốt nhất của anh là 10 bàn (sau 51 trận ở mùa 07-08 và sau 49 trận ở mùa 08-09). Mùa này, Xavi mới ra sân 19 lần. |
(Theo Thể Thao Văn Hoá)