Thứ Hai, 25/11/2024Mới nhất
Zalo

10 tài năng "sớm nở tối tàn" nhất của làng bóng đá thế giới một thập kỷ qua

Thứ Hai 04/01/2010 23:51(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

(Bongda24h) - Đã có không ít cầu thủ được giới chuyên môn đánh giá rất cao từ khi còn trẻ và nhanh chóng trở thành ngôi sao dù mới chập chững bước vào sự nghiệp. Thế nhưng, chặng đường phát triển của họ lại quá ngắn ngủi và tất cả đều không thể biến thành những cầu thủ lớn, tầm cỡ như Ronaldo, Rooney hay Kaka. Tên tuổi của họ dần dần đi vào hư vô, hệt như ánh sao băng "vụt sáng rồi chợt tắt". 

1. Gaizka Mendieta

Đây là tài năng sớm nở tối tàn nhanh đến chóng mặt. Mendieta từng là tiền vệ sở hữu những phẩm chất hiếm có của một nhạc trưởng xuất sắc như khả năng đọc trận đấu, chuyền bóng thông minh, sự sáng tạo và nguồn thể lực dồi dào. Được Claudio Ranieri phát hiện và thực sự nở rộ dưới sự dẫn dắt của Hector Cuper, Mendieta là quân bài chủ chốt của một Valencia hùng mạnh, từng 2 lần lọt vào chung kết Champions League (và đều thất bại). Cũng trong 2 năm đó (2000 và 2001), anh được UEFA bầu chọn là "Tiền vệ xuất sắc nhất châu Âu".

 

Hai đại gia của làng bóng đá Tây Ban Nha (Real Madrid và Barcelona) đều rất thèm khát sở hữu Mendieta trong đội hình nhưng Lazio mới là kẻ chiến thắng khi chấp nhận bỏ ra khoản tiền khổng lồ lên đến 48 triệu Euro (bản hợp đồng lớn thứ 6 trong lịch sử môn Thể thao Vua) để chiêu mộ Mendieta. Nhưng rồi ở đất Italia, Mendieta đã rơi thẳng từ đỉnh cao xuống vực sâu. Tiền vệ người Tây Ban Nha cứ chìm dần và không thể làm cách nào trở lại là chính mình. Mùa giải 2002-2003, anh quay về Barcelona theo bản hợp đồng cho mượn nhằm cứu vãn sự nghiệp nhưng nỗ lực đã thất bại. Mendieta không bao giờ có thể lấy lại những năm tháng tốt đẹp như hồi còn ở Valencia. Sau đó, Mendieta đành chấp nhận lựa chọn Middlesbrough, một đội bóng thuộc diện trung bình ở nước Anh tuy nhiên ngay cả như thế, anh cũng chẳng thể trở thành ngôi sao lớn của đội bóng và thường xuyên bị chấn thương hành hạ. Không thể chịu đựng hơn được nữa, năm 2008, Mendieta quyết định từ giã sự nghiệp ở tuổi 34.

2. El Hadji Diouf

Ở VCK World Cup 2002, ĐT Senegal được coi là hiện tượng khi lọt vào đến tận vòng tứ kết của giải đấu và ngôi sao sáng nhất là một tiền đạo trẻ đầy triển vọng mang cái tên El Hadji Diouf. Với sự nhanh nhẹn, dũng mãnh thường thấy ở các tiền đạo đến từ Phi châu, Diouf còn sở hữu trình độ kỹ thuật đáng nể. Liverpool phải giành giật với hàng loạt những đội bóng khác và mất 10 triệu bảng mới có được chữ ký của Diouf, khi đó mới 21 tuổi. Một tương lai tươi sáng ở Anfield đang mở rộng trước mắt Diouf. 

 

Nhưng có nhiều tố chất tốt không đồng nghĩa với việc sẽ trở thành một tiền đạo xuất sắc. Diouf gần như "dậm chân tại chỗ" ở Liverpool và chỉ ghi được vẻn vẹn có 3 bàn trong hơn 2 năm thi đấu tại đây. Năm 2004, Benitez buộc phải tống khứ "của nợ" này đi và từ đó, Diouf bắt đầu cuộc sống "du mục" qua Bolton, Sunderland và nay là Blackburn. Ở đâu, Diouf cũng chỉ chân sút "thường thường bậc trung" và nổi tiếng vì mái đầu lạ mắt hay những hành xử nóng nẩy trên sân cỏ, hơn là những bàn thắng, điều không thể thiếu của một tiền đạo.

3. Francisco Pavon

Nghe đến cái tên Pavon, hẳn không ít người sẽ tưởng tượng đến ngay chính sách phát triển cầu thủ nổi tiếng của Real Madrid được đặt tên "Zidane và Pavon" trong những năm tháng đầu thập kỷ (theo đó, Real sẽ áp dụng song song hai hình thức: vừa chiêu mộ những danh thủ nổi tiếng, vừa chú trọng đến công tác đào tạo trẻ) nhưng không ai còn nhớ, Pavon là tên một trung vệ từng được đánh giá là cực kỳ triển vọng không chỉ của Real mà của cả bóng đá Tây Ban Nha. Chính sách "Zidane và Pavon" đã thất bại thảm hại, hệt như sự tụt dốc không phanh của cầu thủ này.

 

Năm 2001, khi mới hơn 20 tuổi, Francisco Pavon đã có mặt ở đội 1 của Real Madrid và những màn trình diễn ấn tượng khiến Pavon được so sánh với Fernando Hierro (trung vệ huyền thoại của đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha) thời trai trẻ. Nhưng "Hierro mới" bắt đầu phạm phải sai lầm và không thể đứng dậy nổi sau những vấp váp đầu đời. Các HLV của Real dần mất hết sự kiên nhẫn với Pavon và cầu thủ này thường xuyên phải mãi đũng quần trên băng ghế dự bị. Năm 2007, Pavon tìm sự giải thoát ở Zaragoza nhưng nhiều người không dám tin rằng chàng hậu vệ lóng ngóng ở trên sân kia đã từng trưởng thành và khoác áo đội bóng xuất sắc nhất thế kỷ 20, Real Madrid.

4. Stefano Fiore

Fiore được Parma phát hiện và đào tạo nhưng phải đến khi chuyển tới Udinese, tài năng của Fiore mới nổi tiếng ra khắp Italia nhờ khả năng kiến tạo và bộ óc thông minh của một tiền vệ tổ chức xuất chúng. HLV ĐT Italia khi đó, Dino Zoff đánh giá Fiore cao đến nỗi sẵn sàng "bạc đãi" những ngôi sao có tiếng tăm nhất bóng đá Italia như đẩy Totti lên vị trí tiền đạo không ưa thích và sẵn sàng cho Del Piero ngồi trên băng ghế dự bị nhằm dọn chỗ cho Fiore trở thành ông chủ duy nhất của khu trung tuyến trong đội hình Thiên thanh. Quả thực vào Euro 2000, Fiore đã chơi khá tốt và đóng góp vào thành tích giành vị trí thứ nhì của Azzurri (thua ĐT Pháp ở chung kết).

 

Năm 2001, Fiore tưởng như đạt được bước chuyển lớn trong sự nghiệp khi gia nhập Lazio bằng bản hợp đồng 20 triệu Euro tuy nhiên, hoá ra lại không phải như vậy. Sự phát triển của Fiore đã thực sự chững lại hoàn toàn và trở thành nỗi thất vọng lớn lao ở đội bóng thành Rome. Năm 2004, Fiore đi theo tiếng gọi của HLV đồng hương Ranieri để tới "chân trời mới" Valencia nhưng vẫn không thể tạo dựng được chỗ đứng ở đất Tây Ban Nha và liên tục phải trở về Italia thi đấu theo dạng cho mượn. Bây giờ, tiền vệ này đang phải ngụp lặn ở tận giải hạng 3 Italia và nhớ về quãng thời gian huy hoàng ngắn ngủi xưa kia.

5. Fabian Carini

Tài năng của Carini bắt đầu được biết đến từ năm 1999 khi mới 19 tuổi trong màu áo ĐTQG Uruguay nhờ một loạt những pha bắt bóng xuất thần và tài cản phá những quả đá phạt luân lưu 11m ở giải VĐQG Nam Mỹ (Copa America), qua đó giúp Uruguay lọt vào chung kết giải đấu này. Ngay lập tức, Juventus lôi kéo Carini sang đất Italia nhưng để khẳng định mình ở Serie A là điều cực khó với những cầu thủ trẻ, đặc biệt vị trí thủ môn thì thử thách tăng lên gấp bội phần. Và cơ hội của Carini gần như bằng không khi Juve chiêu mộ được Buffon, một trong những thủ môn hàng đầu thế giới. Không một lần ra sân trong màu áo Juve, Carini đành tìm đến sự giải thoát ở CLB Standard Liege theo dạng cho mượn. Carini đã phần nào lấy lại được khả năng của mình ở đây.

 

Thế nhưng, anh tiếp tục đi vào lối mòn khi chấp nhận chuyển tới một đội bóng lớn khác của Italia là Inter Milan và dĩ nhiên, lại phải lâm vào tình cảnh mài đũng quần với băng ghế dự bị. Thực ra không phải Carini không có tài nhưng việc bị giam hãm quá lâu ở ngoài và thiếu thực tiễn thi đấu, khiến thủ môn này thui chột dần và không thể bộc lộ "tiềm năng" sẵn có. Khi Carini nhận ra được điều này thì tất cả đã quá muộn bởi anh đã quá cái tuổi phát triển tốt nhất trong sự nghiệp. Giờ đây, Carini đành tìm sự an ủi ở mảnh đất Nam Mỹ để được thoả mãn niềm đam mê với trái bóng tròn và giấc mơ thành ngôi sao lớn đã tan biến từ lâu.

6. Freddy Adu

Cầu thủ người Mỹ gốc Ghana đã "nổi đình nổi đám" trong làng bóng đá thế giới cách đây vài năm khi mới ... 12 tuổi. Khi đó, hàng loạt những đội bóng hàng đầu châu Âu đã phải "phát sốt" vì tài năng sớm nở của Adu. Năm 14 tuổi, Adu trở thành cầu thủ trẻ nhất trong lịch sử được một CLB (DC United) ký bản hợp đồng thi đấu chuyên nghiệp và chỉ khoảng 1 năm sau, Adu đã ghi được bàn thắng ở giải Nhà nghề Mỹ. Nhưng chính các phương tiện truyền thông đã giết chết tài năng của Adu. Họ thậm chí còn tung hô anh là "truyền nhân của Vua bóng đá Pele" và hậu quả, Adu bị đẩy lên "mây xanh" từ khi còn chưa trưởng thành. Vì thế, không có gì khó hiểu khi Adu không thể chống chọi nổi với sức ép và sự kỳ vọng nặng trĩu lên 2 hai vai. Một khi những tài năng trẻ mất đi tinh thần và khát khao khẳng định mình thì họ gần như không bao giờ có thể trở thành một ngôi sao lớn trong tương lai.

 

Sau đó, Adu chuyển tới đội bóng hàng đầu Bồ Đào Nha, Benfica trong tình cảnh cái mác "tài năng trẻ sáng giá" đang dần mất đi và quả thực, tiền đạo này chẳng thể hiện được gì nhiều, buộc Benfica phải liên tiếp đẩy Adu sang Monaco (Pháp) rồi Belenenses (cùng ở Bồ Đào Nha) theo dạng cho mượn. Nhưng ngay cả ở một đội bóng trung bình yếu như Belenenses, Adu cũng không thể tồn tại nổi và chưa ai biết tương lai của chàng cầu thủ mới ngoài 20 tuổi này sẽ đi đâu về đâu trong thời gian tới. Lẽ ra, nếu Adu được dìu dắt bởi những "chuyên gia nuôi dưỡng tài năng trẻ" như Alex Ferguson hay Arsene Wenger thì nhiều khả năng, số phận của anh đã khác.

7.  Javier Portillo

Thêm một tài năng trưởng thành từ lò đào tạo trẻ của Real Madrid bị bỏ phí một cách đáng tiếc bởi cách sử dụng và đối xử không hợp lý của Los Blancos. Portillo ra mắt đội 1 của Real khi vừa tròn 20 tuổi và nhanh chóng phô diễn năng lực tiềm ẩn của mình ở mùa giải đầu tiên với 5 bàn thắng trong 10 trận ở La Liga và 8 bàn ở cúp Nhà vua dù chỉ được coi là con bài dự bị. Rất nhiều CĐV đã so sánh Portillo là "Raul mới" của sân Bernabeu. Nhưng giấc mơ trở thành huyền thoại như bậc đàn anh của Portillo đã tan vỡ khi người phát hiện và trọng dụng anh, HLV Vicente Del Bosque bị sa thải vào năm 2003. Những chiến lược sau đó ngồi lên chiếc ghế huấn luỵện của Real đã bỏ quên mất Portillo, khiến tiền đạo này mất dần sự tự tin. Những khoảng thời gian thi đấu cho Fiorentina và Club Brugge theo dạng cho mượn không thể giúp Portillo tìm lại chính mình và cánh cửa ở lại Real gần như đã bị đóng chặt.

 

Năm 2007, Portillo gia nhập Gimnastic sau khi được "Kền kền trắng" giải phóng hợp đồng và tưởng như số phận đã mỉm cười với anh khi Portillo thi đấu khá thành công ở đây. Tuy nhiên, hoá ra đó chỉ là những giây phút loé sáng ngắn ngủi bởi Portillo lại trở về với sự tầm thường khi chuyển đến Osasuna, một đội bóng chỉ có đẳng cấp cao hơn Gimnastic chút xíu. Portillo không thể đáp ứng sự trông đợi của ban huấn luyện và đánh mất toàn bộ những cơ hội được dành cho anh và Osasuna buộc phải thực hiện công việc cần phải làm là đẩy Portillo cho đội bóng đang chơi ở giải hạng 2, Hercules vào tháng trước. Coi như, sự nghiệp của Portillo đã đi đến hồi kết ở cái tuổi 27.

8. Richard Knopper

Hẳn cái tên Knopper hoàn toàn xa lạ với những người hâm mộ bóng đá nhưng hồi đầu thập kỷ trước, đây là một trong những tài năng sáng giá nhất của Ajax, cái nôi đào tạo bóng đá trẻ hàng đầu thế giới. Tiền vệ người Hà Lan sớm được sánh với chân sút danh tiếng Dennis Bergkamp nhờ những kỹ năng khác thường và các pha xử lý ngẫu hứng cùng các bàn thắng đẹp mắt. Thế nhưng một chấn thương nặng đã cản trở bước tiến của Knopper và anh không bao giờ được trao cơ hội nữa ở Ajax. Ngay cả khi chấp nhận chuyển tới những đội bóng nhỏ hơn, Knopper cũng không bao giờ thể hiện được bản thân như những năm đầu sự nghiệp. Đáng thất vọng hơn, Knopper còn chưa từng một lần khoác áo ĐTQG.

9. Marat Izmailov

 

Tài năng của Izmailov phát nhanh đến mức, trong vòng có 6 tháng, tiền vệ này đã có mặt ở ĐT Nga dù chỉ mới xuất hiện ở CLB Lokomotiv. Năm 2001, Izmailov được bầu chọn là "Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất nước Nga". Sau đó, anh tham dự VCK World Cup 2002 cùng ĐT Nga khi 20 tuổi và là nhân tố chủ chốt trong chức vô địch nước Nga của Lokomotiv cùng năm đó với tài tổ chức trận đấu và trình độ kỹ thuật siêu hạng. Thế nhưng, những chấn thương liên tục đã ngăn cản bước tiến của Izmailov và hiếm khi, cầu thủ này thi đấu trọn vẹn một mùa. Đến năm 2005, Izmailov đã mất hẳn vị trí chính thức và cũng biến mất khỏi ĐTQG. Izmailov đành ra đi tới chân trời mới Sporting Lisbon (Bồ Đào Nha) nhằm nuôi hy vọng cứu vãn sự nghiệp nhưng mọi chuyện không có gì biến chuyển. Bây giờ, ở tuổi 27, Izmailov kém xa so với Andrei Arshavin, cầu thủ đồng hương cùng thời, nở muộn hơn nhưng "hương thơm" lại lâu hơn.

10. Marcel Ketelaer

Mười năm trước, Ketelaer là cầu thủ đầy hứa hẹn của làng bóng đá Đức. Sau những trận thi đấu thuyết phục trong màu áo Monchengladbach và đội U-21 Đức, Ketelaer đã được Hamburg chiêu mộ. Ngay ở trận đầu khoác áo đội bóng mới, tiền vệ nhiều triển vọng này đã ghi được bàn thắng, hứa hẹn tương lai tươi sáng. Hamburg cũng đã nghĩ quyết định chiêu mộ Ketelaer là sáng suốt nhưng hoá ra không phải vậy. Ketelaer đã dần chìm nghỉm và không giữ nổi phong độ như lúc đầu. Không chỉ biến mất ở Hamburg, mà Ketelaer còn "biệt tích" ở những nơi khác mà anh đến như Gladbach, Nuremberg hay Ahlen. Và anh đành phải an ủi với cuộc sống bình lặng ở đất Áo, quốc gia có trình độ phát triển bóng đá thuộc vào diện thấp nhất châu Âu.

  • Đức Tuấn

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn

Có thể bạn quan tâm

Napoli vs AS Roma: Người tìm đỉnh cao, người về vực sâu

Napoli vs AS Roma: Người tìm đỉnh cao, người về vực sâu

Napoli vs AS Roma: Người tìm đỉnh cao, người về vực sâu

Trận cầu tâm điểm vòng 13 Serie A tuần này sẽ diễn ra trên sân Stadio Diego Armando Maradona, nơi mà những người chủ nhà Napoli tiếp đón AS Roma trong trận Derby Mặt Trời ( Derby del Sole). Tình cảnh trái ngược của cả hai trên bảng xếp hạng khiến cho trận derby lần này càng trở nên thù địch, mặc dù họ đã từng có mối quan hệ nồng ấm trong lịch sử trước đó.

Tất tần tật những gì bạn cần biết về chấn thương bí ẩn của Tyrell Malacia

Tất tần tật những gì bạn cần biết về chấn thương bí ẩn của Tyrell Malacia

Tất tần tật những gì bạn cần biết về chấn thương bí ẩn của Tyrell Malacia

“Kiên nhẫn”! Hơn bất cứ điều gì khác, đó là thứ Tyrell Malacia đã học được trong hơn 535 ngày qua. “Tôi vốn là người kiên nhẫn nhưng trong quá trình này, tôi đã học được rằng mình phải kiên nhẫn hơn… bất-kỳ-ai khác trên thế giới”

Xem thêm
top-arrow
X