Kênh ESPN mới tổng kết những vụ việc đáng chú ý, gây bất ngờ và tranh cãi nhiều nhất của bóng đá thế giới trong 10 năm đầu thế kỷ 21.
1. Sự ra đời của “Dải ngân hà” năm 2000
Ngay khi đắc cử chủ tịch Real Madrid năm 2000, Florentino Perez hứa sẽ thay đổi cách tiếp cận của đội bóng trong các vụ tuyển mộ với tham vọng giúp Real lấy lại vị thế hàng đầu sau 3 năm liền trắng tay ở La Liga. Ông thực hiện lời hứa ấy bằng cách chiêu mộ Luis Figo, thủ quân của đại kình địch Barca, với giá kỷ lục thế giới hồi ấy – 37,2 triệu bảng. Sau đó, Zidane, Ronaldo người Brazil, Beckham cũng đến sân Bernabeu. Sự hiện diện của những siêu sao này cộng với dàn hảo thủ sẵn có như Roberto Carlos, Casillas, Salgado, Raul Gonzalez biến Real Madrid thành đội bóng sở hữu nhiều cá nhân tài năng nhất thế giới, và được ví như "Dải ngân hà".
Figo, Zidane, Ronaldo: 3 vì tinh tú trong Dải ngân hà version 1.0 của Real madrid
2. Tuyển Anh đè bẹp Đức bằng thắng lợi 5-1 năm 2001
Khi Sven Eriksson được chỉ định làm HLV trưởng tuyển Anh vào tháng 1/2001, đã xuất hiện rất nhiều ánh mắt nghi ngờ, bởi đây mới là lần đầu tiên trong lịch sử FA trao quyền lèo lái đội tuyển cho một ông thầy ngoại Nhưng đến ngày 1/9, trong trận vòng loại World Cup 2002, những nghi ngờ về tính đúng đắn của việc bổ nhiệm HLV người Thuỵ Điển đã bị xua tan khi tuyển Anh làm nên một trong những chiến thắng vang đội nhất lịch sử kể từ khi đánh bại Tây Đức trong trận chung kết World Cup 1966. Chiến thắng ấy không chỉ có ý nghĩa về mặt tỷ số cao bất ngờ (5-1), mà còn đóng vai trò quan trọng giúp tuyển Anh vãn hồi hy vọng vào vòng chung kết World Cup 2002.
Owen và tuyển Anh có kỷ niệm đáng nhớ khi làm nên cơn ác mộng của người Đức trên sân Olympia, Berlin
Một chiến thắng khi ấy sẽ đưa tuyển Đức vào vòng chung kết với tư cách đội nhất bảng. Nhưng với việc bắn tung xích “cỗ xe tăng”, thầy trò Eriksson đã tìm lại động lực để từ đó tiến một mạch đến vị trí nhất bảng khi vòng loại kết thúc. Đó là trận đấu mà Đức, với tư cách chủ nhà, đã mở tỷ số nhờ công Casten Jancker, nhưng Owen rồi Gerrard lần lượt lập công đưa Anh dẫn lại 2-1 sau 45 phút thi đấu. Owen tiếp tục chói sáng ở hiệp cuối với hai lần lập công nữa để tạo nên cú hat-trick trước khi Heskey khép lại cơn ác mộng của người Đức trên sân Olympia.
3. Roy Keane bị đuổi trước thềm World Cup năm 2002
Ngày 23/5, chỉ 2 tuần trước khai mạc vòng chung kết giải vô địch thế giới, Roy Keane phải rời đại bản doanh của tuyển Ireland, sau một vụ cãi vã với HLV trưởng Mick McCarthy. Tiền vệ đội MU công khai chỉ trích sự chuẩn bị thiếu chuyên nghiệp của ĐTQG cho ngày hội lớn ở châu Á.
Tuyển CH Ireland lẽ ra đã có thể gây ấn tượng mạnh hơn tại World Cup 2002 nếu cả Keane và HLV McCarthy chịu cùng nhìn về một phía
Sau đó, dù được cho là đã giải quyết êm xuôi với ban huấn luyện, Keane vẫn gây hấn với McCarthy trong một buổi tập. Ngôi sao này về sau thừa nhận anh đáng bị đuổi về nhà, nhưng không hối hận vì khiến quá trình chuẩn bị của đội nhà cho World Cup 2002 thêm phần tồi tệ. Nếu Keane biết chịu nhịn và hy sinh vì lợi ích chung, tuyển Ireland khi đó có thể tiến xa hơn vòng 1/8 World Cup, nơi họ thua Tây Ban Nha trong loạt đá luân lưu.
4. Cái chết của Marc-Vivien Foe năm 2003
Thế giới bóng đá sững sờ khi đón nhận tin tuyển thủ Cameroon qua đời khi đang thi đấu trận bán kết Confederations Cup 2003 với Colombia trên sân Gerland, Lyon, Pháp. Sau khi ngã xuống ở phút 72, Foe đã được sơ cứu ngay trên sân rồi được cáng khỏi sân để đưa đi cấp cứu. Suốt 45 phút, các bác sĩ đã làm mọi cách để làm tim anh đập trở lại nhưng bất thành.
Foe qua đời ngay trên sân cỏ năm 2003 là hình ảnh tang thương nhất của bóng đá thập kỷ qua
Kết quả điều tra sau đó cho thấy tiền vệ 28 tuổi này đã chết vị truỵ tim. Tuyển Cameroon sau đó vẫn chơi trận cuối cùng của họ tại giải và thua chủ nhà Pháp 0-1, dù được FIFA bật đèn xanh cho hủy. Man City, CLB mà Foe khoác áo những ngày cuối đời, đã cho cất vĩnh viễn chiếc áo số 23 để tưởng nhớ đến cầu thủ xấu số này.
5. Hy Lạp vô địch Euro 2004
Thầy trò HLV Ottto Rehhagel làm nên một trong những câu chuyện thần thoại khó tin giữa thời hiện đại khi lên ngôi vô địch Euro ngay trong lần đầu tiên được dự vòng chung kết sau 24 năm. Dù Hy Lạp chứng tỏ sự tiến bộ ở vòng loại, chẳng ai dám tin họ có thể vươn tới đỉnh cao khi vòng chung kết diễn ra trên đất Bồ Đào Nha. Tuy nhiên bằng lối đá thực dụng và tài năng của HLV Rehhagel, Hy Lạp đã làm nên bất ngờ.
ĐT Hy Lạp viết nên bản trường ca lãng mạn nhất của bóng đá thế giới trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21
Họ đánh bại chủ nhà Bồ Đào Nha 2-1 trong trận khai mạc, quật ngã Tây Ban Nha để đoạt vé vào tứ kết. Pháp rồi CH Czech là các nạn nhân tiếp theo khi thầy trò Rehhagel tiến vào chung kết, nơi họ một lần nữa làm tan nát những con tim Bồ Đào Nha bằng bàn thắng của Angelos Charisteas ở phút 57.
6. Cuộc ngược dòng kỳ diệu của Liverpool năm 2005
Tròn 20 năm sau thảm hoạ Heysel - lần gần nhất Liverpool có mặt trong một trận chung kết Cup C1 / Champions League, CLB thành Merseyside, dưới sự chỉ đạo của HLV Rafa Benitez, đã đem về chiếc Cup bạc danh giá thứ năm cho phòng thuyền thống. Những gì mà Liverpool thể hiện trong trận chung kết ở Istanbul thật sự xứng đáng được ghi vào mọi cuốn sách về bóng đá.
Chiến thắng của thầy trò Benitez ở Champions League 2005 là tấm gương cho tinh thần vượt khó, lòng quả cảm trong bóng đá hiện đại
Trước một Milan dày dạn kinh nghiệm, Liverpool bị dẫn 0-3 trong 45 phút đầu và nhìn cách họ thi đấu uể oải, chẳng ai dám tin thầy trò Benitez có thể ngược dòng. Nhưng bằng tinh thần bất khuất và cảm xúc thăng hoa dữ dội, Liverpool lần lượt ghi 3 bàn để gỡ hoà trong 6 phút giữa hiệp hai rồi đưa trận đấu đến loạt đá luân lưu để phân định thắng thua. Trong loạt đá cân não này, tới lượt thủ môn Jerzy Dudek chói sáng và trở thành người hùng khi đẩy được hai quả luân lưu, quyết định thắng lợi cho Liverpool trận chung kết hấp dẫn bậc nhất lịch sử bóng đá.
7. Bão tiêu cực làm rúng động Serie A năm 2006
Bên cạnh scandal húc đầu của Zidane và chiến thắng cho tuyển Italy trong trận chung kết World Cup, mùa hè 2006 còn thêm bỏng rát khi vụ bê bối lớn nhất lịch sử bóng đá Italy bị phanh phui. Điều tra của cảnh sát cho thấy một số CLB lớn nhất Italy đã tham gia vào một đường dây mua chuộc trọng tài, dàn xếp tỷ số, khiến uy tín, tính chân thực của giải đấu từng được xem là số một thế giới sút giảm nghiêm trọng.
Danh tiếng của Serie A và niềm tự hào của Juventus đã bị hoen ố sau scandal dàn xếp tỷ số mà người đứng đầu đường dây là "bố già" Luciano Moggi
Nhiều quan chức mà đình đám nhất là Tổng giám đốc Juventus, Luciano Moggi, phải ra hầu toà và bị phạt cấm hành nghề bóng đá, thậm chí bị kết án tù. AC Milan, Fiorentina, Lazio đều bị trừ điểm, còn Juventus bị trừng phạt nặng nhất – tước 2 scudetto và đánh tụt hạng xuống Serie B. Serie A sau đó bị rút ruột một loạt nhân tài và từ đó đến giờ vẫn chưa thể lấy lại vị thế so với các đối thủ lớn nhất ở châu Âu như La Liga hay giải Ngoại hạng.
8. Giấc mơ Mỹ của Beckham năm 2007
Ngôi sao tiền vệ người Anh là tâm điểm của một trong những vụ chuyển nhượng bất ngờ nhất lịch sử bóng đá khi anh dứt áo với Real Madrid để tìm đường sang Mỹ đầu quân cho LA Galaxy theo bản hợp đồng 5 năm. Dù bị HLV Capello ít nhiều lạnh nhạt trong nửa đầu mùa giải 2006-2007 và đã bước sang tuổi 30, Beckham vẫn là ngôi sao lớn nhất hạ mình gia nhập giải nhà nghề Mỹ MLS, kể từ sau những Pele, George Best, Johan Cruyff hay Franz Beckenbauer những năm 1970 và đầu 1980.
Beckham sang Mỹ với tham vọng nâng cao vị thế của bóng đá nước này
Cũng vì vụ chuyển nhượng này cùng giá trị kỷ lục 250 triệu USD của bản hợp đồng ký với LA Galaxy, tiền vệ người Anh đã chịu điều tiếng hám tiền. Tuy nhiên đến bây giờ, Beckham vẫn bảo lưu quan điểm rằng anh sang Mỹ chơi bóng trước hết vì khát vọng góp phần nâng tầm vị thế của bóng đá Mỹ.
9. Cuộc cách mạng tiền bạc ở Man City năm 2008
Mua lại Chelsea năm 2003, Roman Abramovich đã mở đầu cho làn sóng ồ ạt những ông chủ ngoại quốc thâu tóm các CLB giải ngoại hạng Anh và xem đây như một lĩnh vực kinh doanh hái ra tiền. Nhưng phải đến hè 2008, làn sóng ấy mới lên tới đỉnh điểm khi ông hoàng UAE, Sheikh Mansour bin Zayed Al Nahyan, thông qua tập đoàn ADUG tậu Man City. Khác với cảnh Liverpool hay MU è cổ gánh những món nợ ngất ngưởng từ các ông chủ ngoại quốc, Man City từ một kẻ nghèo khó đã đổi đời thật sự, trở thành đội bóng giàu nhất hành tinh.
Sự xuất hiện của người Ảrập ở sân City of Manchester giúp Man City thoáng chốc trở thành CLB bóng đá giàu nhất hành tinh
Chỉ một ngày sau khi hoàn tất việc chuyển giao quyền lực, chủ sở hữu mới của Man City đã gây ấn tượng khi xỏ mũi Chelsea, tậu Robinho với giá kỷ lục bóng đá Anh 32,5 triệu bảng. Hơn 200 triệu bảng nữa đã được đổ vào ngân sách chuyển nhượng của đội chủ sân City of Manchester để thay máu đội hình với một loạt tên tuổi như Tevez, Adebayor, Barry… Tham vọng của Man City là phá vỡ sự thống trị của nhóm tứ đại gia MU - Chelsea - Liverpool - Arsenal, và giải toả cơn khát danh hiệu kéo dài 33 năm qua.
10. Cristiano Ronaldo chia tay MU cùng bản hợp đồng kỷ lục năm 2009
Chỉ trong một thập kỷ, đã có 4 kỷ lục chuyển nhượng bóng đá thế giới bị phá vỡ và đều in đậm dấu ấn của Real Madrid. Sau khi lập kỷ lục mới (tính theo đồng bảng Anh) với bản hợp đồng 56 triệu bảng mua Kaka, Real tiếp tục làm cả thế giới bóng đá sửng sốt khi bỏ ra 80 triệu bảng để tậu Cầu thủ hay nhất thế giới 2008 Cristiano Ronaldo từ MU.
Có lẽ sẽ còn rất lâu nữa bóng đá thế giới mới được chứng kiến một cú áp-phe động trời như cách Real Madrid mua Cristiano Ronaldo
Bản thân Ronaldo cũng góp phần quan trọng giúp CLB Tây Ban Nha lập được kỷ lục, khi anh liên tục đòi ra đi suốt từ hè 2008 sau một mùa giải xuất sắc với 42 bàn thắng. Việc anh tiếp tục toả sáng ở mùa giải kế tiếp với 34 bàn thắng càng làm Real Madrid thêm nung nấu quyết tâm đưa bằng được Ronaldo về sân Bernabeu. Và khi họ đưa ra lời đề nghị 80 triệu bảng - kỷ lục chuyển nhượng của mọi thời đại, MU đã không thể cưỡng lại dù HLV Ferguson luôn khẳng định ông không hề muốn bán Ronaldo.
(Theo Vnexpress)