Thứ Năm, 26/12/2024Mới nhất
Zalo

10 bài học đắt giá từ TTCN mùa Hè của Premier League

Thứ Năm 05/09/2013 11:03(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Thị trường chuyển nhượng đã kết thúc vào đêm thứ Hai trong do dự, lo lắng, hy vọng và đau khổ. Các CĐV bắt đầu nói về những bản hợp đồng mới và tương lai của họ tại đội bóng của mình. Nhưng trước khi bàn về những chuyện sắp tới, cùng rút ra những bài họ mà kỳ chuyển nhượng mùa Hè đã dạy chúng ta.

1. Hãy mua thật sớm

Đánh mất chức vô địch Premier League mùa trước vào tay Manchester United, Manchester City khởi động mùa giải rất tích cực. HLV Pellegrini được bổ nhiệm. Các tân binh Negredo, Jovetic, Fernandinho, Jesus Navas trị giá 90 triệu bảng đến ngay vào giữa tháng Bảy. Mua sớm giúp HLV Pellegrini có thời gian lắp ghép đội hình và xây dựng lối chơi. Man City không rơi vào trạng thái giống Man Utd và Arsenal, hai đội trở thành những người chồng tất bật lo mua đồ trước đêm Giáng sinh. Họ đã mua được vài món hàng, nhưng vì quá gấp gáp, đều không thật ưng về chất lượng và giá cả.

Với các tân binh chất lượng, Man City sẽ vô địch Premier League?
Man City chứng minh rằng mua sớm là một lợi thế

2. Đừng thay đổi HLV và Giám đốc điều hành trong cùng 1 mùa bóng

Đó là Manchester United. Việc thay GĐĐH David Gill bằng Ed Woodward và HLV Sir Alex Ferguson bằng David Moyes trong cùng 1 mùa giải khiến M.U bị xáo trộn toàn bộ về chuyên môn, phong cách huấn luyện và cả chuyển nhượng. Moyes cần thời gian để học. Woodward thì không biết gì về bóng đá. Và thế là M.U để hụt mất Thiago Alcantara, Cesc Fabregas, gặp rắc rối cả mùa Hè với Rooney, bị Real nâng giá phút chót vụ mượn Coentrao, và vuột mất Ander Herrera.

3. Cuộc chiến vùng Đông Bắc vẫn là một vở soap opera

Khi Joe Kinnear được bổ nhiệm làm Giám đốc bóng đá của Newcastle vào tháng 6, ông tự hào rằng mình nắm bắt thông tin tốt hơn các CĐV, và CLB “sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của mọi nhà quản lý trên thế giới”. Nhưng ở nhiệm vụ chính là tăng cường lực lượng để tránh việc suýt phải xuống hạng như mùa trước, Kinnear chỉ mượn về Loic Remy từ QPR. Trong khi đó, Sunderland đã có một mùa Hè hỗn loạn với 14 cầu thủ đến và 15 người ra đi. Về lý thuyết, Paolo Di Canio đã có đội hình ông muốn. Nhưng sau 3 trận không thắng, ông đang chứng minh sự bất ổn từ sự điên loạn của mình.

4. Bạn có thể bán cầu thủ giỏi nhất mà vẫn làm các CĐV hạnh phúc

Bán Gareth Bale, Tottenham không hề yếu đi, vì  họ đã mua được một loạt những tài năng sáng giá như Lamela, Eriksen, Paulinho, Soldado… Tất cả bắt đầu từ quyết định bổ nhiệm ông Franco Baldini làm giám đốc. Uy tín và mối quan hệ của Baldini giúp Tottenham thu hút nhiều cầu thủ xuất sắc, làm mới đội hình khi Bale ra đi.

5. Cầu thủ không còn quyền lực tuyệt đối

Luis Suarez liên tục nói về chuyện muốn ra đi, muốn tới Real Madrid để được chơi bóng ở Champions League. Anh thậm chí gây rối để bị HLV Rodgers đẩy xuống tập ở đội trẻ. Wayne Rooney cũng bày tỏ sự không hạnh phúc để được ra đi suốt mùa Hè. Nhưng rút cuộc, cả hai đều ở lại, sau những nỗ lực làm lành. Các CLB giờ đã kiên nhẫn và quyết liệt hơn và cầu thủ không còn là những quyền lực tuyệt đối trong đội bóng.

6. Premier League vẫn chưa thu hút được ngôi sao

Các đội bóng ở Premier League đã chi ra 630 triệu bảng để mua cầu thủ, gần gấp đôi mọi giải đấu tại châu Âu, nhưng họ mua được rất ít ngôi sao. Cavani và Falcao chọn đến PSG và Monaco. Neymar và Bale tới Barcelona và Real Madrid. Chỉ 3/10 vụ chuyển nhượng lớn nhất châu Âu Hè qua thuộc về các CLB Premier League, và chỉ 1 trong số đó chuyển đến một đội thuộc tốp 8 giải Ngoại hạng Anh.

7. Sự mất tích của cầu thủ Anh

Một trong những điều nhức nhối nhất của kỳ chuyển nhượng Premier League năm nay là sự mất tích của các cầu thủ Anh. Không những không có ngôi sao, mà những vụ chuyển nhượng “bình dân” liên quan đến cầu thủ Anh cũng rất hiếm. Trong 7 CLB hàng đầu, chỉ có Chelsea phải bỏ tiền ra mua 1 cầu thủ Anh. Số tiền là 209 nghìn bảng cho cầu thủ 16 tuổi Isaiah Brown của West Brom. Andy Caroll chuyển từ Liverpool đến West Ham với giá 15,5 triệu bảng là cầu thủ Anh duy nhất có giá chuyển nhượng trên 8 triệu bảng Hè này.

8. Đưa tiền đây, và tôi sẽ tiêu hết mình

Với tổng số tiền 3 tỉ bảng thu về từ bản quyền truyền hình, các CLB Anh khá dư dả về mặt tài chính, và họ chi tiêu rất thoải mái. 10/20 CLB của giải Ngoại hạng Anh đã phá kỷ lục chuyển nhượng trong lịch sử của họ Hè này. Trong đó, 3 đội mới lên hạng là Norwich, Southampton và Cardiff đều đã chi hơn 25 triệu bảng cho thị trường chuyển nhượng.

9. Nếu muốn mượn cầu thủ, hãy đến Chelsea

Chelsea vẫn chẳng chùn tay chi cho những vụ chuyển nhượng lớn. Bằng chứng là họ chỉ cần 11 giờ đồng hồ để cướp Willian từ tay Tottenham Hotspur với mức phí 30 triệu bảng. Dù vậy, Abramovich cũng rất khôn ngoan khi gắng sức cho mượn cầu thủ để giảm quỹ lương.

10. Chẳng ai cưỡng được Real Madrid

Real Madrid đã chứng minh họ là một biểu tượng trên thị trường chuyển nhượng, với kỷ lục chuyển nhượng thế giới thứ 5 liên tiếp bị phá, dành cho Gareth Bale. Vụ Bale diễn biến chậm như phim của đạo diễn Terrence Malick, nhưng rồi kết thúc trong thắng lợi với 20 nghìn fan chào đón cầu thủ người xứ Wales tại Bernabeu.

Tốp 10 vụ chuyển nhượng đắt giá nhất châu Âu Hè qua

1. Gareth Bale - Tottenham đến Real Madrid - 85.3 (triệu bảng)
2. Edinson Cavani - Napoli đến PSG - 55
3. Radamel Falcao - Atletico Madrid đến AS Monaco - 50
4. Neymar - Santos đến Barcelona - 49
5. Mesut Ozil - Real Madrid đến Arsenal - 42.4
6. James Rodriguez - FC Porto đến Monaco - 38.5
7. Gonzalo Higuain - Real Madrid đến Napoli - 32.5
8. Mario Gotze - Borussia Dortmund đến Bayern Munich - 31
9. Fernandinho - Shakhtar Donetsk đến Manchester City - 30
10. Willian - Anzhi Makhachkala đến Chelsea 30

(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X