Mùa hè này, Pháp sẽ là chủ nhà của VCK Euro 2016 và người hâm mộ hy vọng đội bóng của họ có thể lặp lại được vinh quang vào các năm 1998 và 2000 với một danh hiệu lớn.
World Cup 1998 và Euro 2000 chứng kiến sự thăng hoa của ĐT Pháp với 2 chức vô địch liên tiếp. Nhưng cũng kể từ đó, họ đã trải qua những ngày tháng đầy thăng trầm trên trường quốc tế. World Cup 2002 tại Hàn Quốc đơn giản là một thảm họa. Người Pháp đặt nhiều kỳ vọng sẽ tiếp tục thống trị thế giới song khí thế của họ đã nhanh chóng bị dập tắt bởi thất bại trước Senegal ngày mở màn. Năm đó, họ rời giải ngay sau vòng bảng với chỉ 1 điểm và không ghi nổi dù chỉ 1 bàn.
Vinh quang đã rời xa Pháp gần 2 thập kỷ |
Euro 2004 được coi là một cơ hội cho đội tuyển Pháp tái khẳng định danh tiếng của mình đang sứt mẻ và đúng là họ đã có khởi đầu hứa hẹn hơn nhiều 2 năm trước với màn ngược dòng đánh bại đối thủ Anh. Tuy nhiên, ngay tại vòng tứ kết, người dân xứ lục lăng lại phải chịu cú sốc khi đội tuyển của họ bị khuất phục bởi tinh thần quật cường của Hy Lạp.
Thế hệ vàng những năm 1998, 2000 đã đi qua sườn dốc sự nghiệp và World Cup 2006 được xem như cơ hội cuối cùng cho họ tỏa sáng trên trường quốc tế. Ít ai ngờ một ĐT Pháp bị coi là thoái trào lại chơi tốt như vậy trên đất Đức khi lần lượt vượt qua những cái tên đáng gờm như Tây Ban Nha, Brazil rồi Bồ Đào Nha để lọt vào chung kết gặp Italia, một sự tái hiện của Euro 2000.
Đó là một cuộc chiến đấu thực sự với siêu sao Zinedine Zidane là tâm điểm của sự chú ý. Ở trận đấu cuối cùng trong sự nghiệp, Zizou vẫn chơi tuyệt hay, ghi bàn mở tỉ số cũng như phô diễn những pha bóng ma thuật. Nhưng có điều đúng vào giai đoạn quyết định trong hiệp phụ (hòa 1-1), Zidane đã bị Materazzi khiêu khích, dùng “thiết đầu công” trả đũa đối thủ và bị truất quyền thi đấu. Không có anh, Pháp gục ngã trước Italia trên chấm 11m với cú đá hỏng duy nhất trong loạt 5 quả đầu tiên thuộc về David Trezeguet, người đã ghi bàn thắng vàng kết liễu đội bóng xứ mỳ ống 6 năm trước.
Những năm gần đây họ chìm trong đau thương |
Euro 2008 trôi qua với sự thất vọng cho người hâm mộ khi ĐTQG Pháp không thể vượt qua vòng bảng (cùng Hà Lan, Italia, Romania), thậm chí chỉ giành nổi đúng 1 điểm nhỏ nhoi. Rồi World Cup 2010 còn tệ hại hơn nữa không những dừng chân sớm, Les Bleus còn để lại hình ảnh đáng xấu hổ bởi những cuộc đấu đá nội bộ. Sau khi đuổi Nicolas Anelka về nước sau cuộc tranh cãi nảy lửa với mình, HLV Raymond Domenech phải đối mặt với phản ứng dữ dội từ các học trò còn lại mà kết quả là họ từ chối tham gia vào một buổi tập ở trận quyết định cuối vòng bảng với Nam Phi. 4 năm, 2 giải đấu lớn, chung một kết quả bị loại khỏi vòng bảng cùng tinh thần yếu kém, ĐT Pháp dường như chưa khi nào bị ghét bỏ tới vậy.
Euro 2012 không có sự tủi hổ như vậy mà mang lại nhiều luyến tiếc khi Pháp dừng chân ở tứ kết bởi thế lực đương thời và sau đó là nhà vô địch: Tây Ban Nha. Kịch bản tương tự lặp lại ở World Cup 2014 khi đội bóng áo lam lại để chính những nhà vô địch sau đó là Đức cũng tại vòng 8 đội sau cùng. Nhưng đó là những dấu hiệu chứng tỏ Pháp đã bắt đầu thoát ra khỏi ám ảnh quá khứ để đến giờ tại VCK Euro 2016 trên sân nhà, họ được đánh giá là ứng viên vô địch số 1.
Nói một cách bóng bảy, ngày hội bóng đá năm nay được xem như thời kỳ Phục Hưng của đội hình tuyển Pháp. Còn nhớ trong lịch sử châu Âu, đã có thời điểm dân chúng chìm trong bóng tối đau thương thời Trung Cổ với nạn đói, dịch bệnh hay chiến tranh… Nhưng từ thế kỷ 14 đến 17, phong trào Phục Hưng đã xuất hiện và phát triển vượt bậc nền văn minh.
(Bongda24h.vn) – Đội tuyển chủ nhà Pháp vừa công bố 23 cái tên đi chinh phục chiếc cúp bạc Châu Âu trên quê hương, qua đó thông báo tin buồn cho tiền vệ Morgan...
Có thể nói Pháp đã trải qua thời Trung Cổ và đang khao khát Phục Hưng. Dĩ nhiên chuỗi ngày huy hoàng chưa thực sự tới với họ nhưng ít nhất những tiền đề cũng đã có. Lịch sử chứng minh nước chủ nhà của các giải vô địch châu Âu thường có cơ hội lớn để thành công. Từ khi Euro được thành lập vào năm 1960 tới nay, đã 14 giải đấu trôi qua và 3 lần nước chủ nhà đăng quang cộng thêm 4 lần vinh dự thuộc về các nước láng giềng. Ngay cả khi không giành cúp, những quốc gia đăng cai cũng thường chơi tốt ở giải năm đó.
Pháp từng tổ chức 2 giải vô địch châu Âu vào các năm 1960 và 1984 với thành tích lần lượt là về thứ 4 và vô địch. Mở rộng hơn, họ đã tổ chức hai kỳ World Cup 1938 và 1998, một vào tứ kết và một giành cúp vàng. Giờ đây, ĐT Pháp tại Euro 2016 cũng được kỳ vọng sẽ tỏa sáng rực rỡ. Họ đang sở hữu một dàn cầu thủ đầy tài năng với cả ba tuyến đều có sự pha trộn hoàn hảo giữa kinh nghiệm và sức trẻ.
Didier Deschamps từng là thành viên của Pháp lên ngôi tại nước hàng xóm Bỉ năm 2000 và cũng đang có trong tay nhiều nhân tài để có thể trước mắt là đi sâu tại Euro 2016. Trong khung gỗ, Hugo Lloris thuộc tốp những thủ môn hay nhất châu Âu lúc này chưa kể người dự bị Steve Mandanda cũng không hề tồi. Ở hàng hậu vệ, họ có từ tài năng trẻ đầy triển vọng Raphael Varane cho tới cựu binh dày dạn Patrice Evra.
Người hâm mộ tin Euro 2016 sẽ là thời Phục Hưng của ĐT Pháp |
Đặc biệt là ở tuyến giữa, Pháp có một dàn cầu thủ đầy chất lượng kết hợp hoàn hảo giữa kỹ thuật và sức mạnh. Paul Pogba đã lên đến hàng siêu sao, Blaise Matuidi đạt độ chín sự nghiệp trong khi những Dimitri Payet hay N'Golo Kante là những phát hiện lớn nhất của Premier League mùa này. Khu vực này dồi dào nhân sự đến mức Deschamps sẵn sàng loại bỏ những nhân tố có chất lượng như Morgan Schneiderlin, Adrien Rabiot hay Geoffrey Kondogbia…
Sau khi Karim Benzema bị cấm lên tuyến do dính líu đến bê bối tống tiền, nhiều chuyên gia đánh giá Pháp thiếu đi một tiền đạo đáng tin cậy. Nhưng thực tế những Antoine Griezmann rồi Anthony Martial đều đã chơi tuyệt hay mùa này ở cấp CLB và sẵn sàng đảm nhận trọng trách trên hàng công “những chú gà trống Gaulois” mùa hè này. Griezmann đã là một trong những cầu thủ được thèm muốn nhất của bóng đá thế giới còn Martial từ vô danh đã trở thành niềm hy vọng số 1 của Manchester United. Cả hai đều có phong cách cơ động, toàn diện, chơi được mọi vị trí trên hàng công giúp HLV trưởng có thêm nhiều phương án.
Các đối thủ trực tiếp tới ngôi vô địch của đội tuyển quốc gia Pháp tại Euro lần này đều đang có vấn đề. Đức và Tây Ban Nha đang trong giai đoạn chuyển giao lực lượng, Italia không đủ chất lại thiếu hết Marchisio rồi Verratti, Bỉ thiếu cân bằng giữa công và thủ trong khi Anh bị nghi ngờ ở bản lĩnh. Có thể nói Pháp trên lý thuyết đang hội tụ đủ 3 yếu tố: thiên thời, địa lợi, nhân hòa và đối thủ lớn nhất của họ tại Euro kỳ này là… chính mình.
Mạnh Hùng