Thứ Sáu, 22/11/2024Mới nhất
Zalo

Mượn chuyện Tôn Tẫn, Bàng Quyên bàn chuyện Van Persie và Adebayor

Thứ Tư 07/11/2012 09:35(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Mượn chuyện đời xưa để nói về chuyện đời nay… đó là chuyện ở chiến trường NHA cũng có một Tôn Tẫn và Bàng Quyên như vậy: đó là “Tôn Tẫn” Robin Van Persie và “Bàng Quyên” Emmanuel Adebayor, những học trò đã trưởng thành dưới sự dạy dỗ của thầy “Quỉ cốc” Arsene Wenger ngày nào. Giờ đây, họ đang lập nghiệp ở những miền đất khác nhau và số phận của họ cũng hoàn toàn khác nhau….

Nếu trong chúng ta ai đã đọc chuyện Tôn Tẫn và Bàng Quyên thời Chiến Quốc chắc ai cũng biết: Tôn Tẫn (khoảng thế kỷ 4 TCN), người nước Tề, một dòng dõi quí tộc, là một quân sư, một nhà chỉ huy quân sự nổi tiếng thời Chiến Quốc; còn Bàng Quyên, xuất thân trong một gia đình nghèo thời Chiến Quốc, sau này là đại tướng nước Ngụy, một kẻ lừa thầy phản bạn, độc ác, mưu mô và xảo trá. Do duyên số, họ đã gặp nhau và kết nghĩa huynh đệ và cùng tầm sự học đạo tại động của thầy Quỉ cốc.

Trong khi Bàng Quyên luôn thể hiện mình là một người luôn thông minh, hiếu thắng và đầy mưu mô thì Tôn Tẫn luôn thể hiện mình là một người học trò ngoan hiền, chịu khó học hỏi nên được thầy rất yêu quí. Bàng Quyên xuống núi trước, Tôn Tẫn xuống núi sau, vì ghen ghét với tài năng của Tôn Tẫn mà Bàng Quyên đã tìm cách hãm hại Tôn Tẫn, khiến cho Tôn Tẫn thành người tàn phế và sau này ông phải giả điên để thoát khỏi tay Bàng Quyên. Như một sự quả báo cho sự tàn ác, lừa thầy phản bạn của mình mà sau này Bàng Quyên đã tử nạn, chết thảm ở trận Mã Lăng do Tôn Tẫn bày ra.

Tôn tẫn Robin Van Persie – một con người đầy nghĩa khí, được mọi người tin yêu

“Tôn Tẫn” Van Persie xuất thân trong một gia đình có giáo dục, một công tử chính cống nhưng vì niềm đam mê với trái bóng tròn anh đã gạt nước mắt trẻ thơ để đến Vương quốc Anh xa xôi tầm sư học đạo dưới trướng “Quỉ cốc” Arsene Wenger. Con đường phát triển sự nghiệp của anh cũng có gì đó gian truân giống như cuộc đời của Tôn Tẫn bởi những chấn thương liên miên tưởng chừng sẽ phá hỏng cuộc đời cầu thủ của anh… Song ở Arsenal anh luôn thể hiện là một con người khiêm tốn chịu khó học hỏi và vươn lên, được bạn bè quí mến, đặc biệt rất được thầy “Quỉ cốc” Arsene Wenger quí mến và tin yêu, luôn tạo điều kiện hết sức cho anh phát triển tài năng dù anh rất hay gặp chấn thương.

Sau những nỗ lực vượt bậc, Van Persie đã vượt qua được áp ảnh chấn thương và đã có một mùa giải 2011-2012 chói sáng để kéo con tàu suýt đắm Arsenal đi đúng hướng về vị trí thứ 3 chung cuộc tại giải ngoại hạng, kèm theo một suất trực tiếp tham dự UEFA Champions League. Khi cảm thấy thời gian đã chín muồi, tuổi đời cũng đã gần cao, “Tôn Tẫn” Van Persie đã quyết định xin phép “Quỉ cốc” Arsene Wenger cho xuống núi để tìm một mảnh đất tự mình lập nghiệp, gây dựng công danh với đời. Anh đã về đầu quân dưới trướng “hiệp sĩ” già Alex Ferguson ở thành phố công nghiệp Manchester, sự nghiệp của anh đang được chắp cánh bay cao, anh đang dần trở thành một cánh tay phải đắc lực, một viên tướng tiên phong dũng mãnh mà Ngài Alex đã tìm kiếm bấy lâu nay. Quan trọng hơn cả là nhân cách con người anh đầy cao đẹp của anh. Dù đã rời bỏ “Quỉ cốc” Arsene Wenger ra đi nhưng Persie luôn dành sự tôn trọng cho ông, coi ông như người cha già đáng kính, tôn trọng đồng đội cũng như anh vẫn luôn coi Emirates là gia đình của mình. Chính vì vậy trong lần gặp gỡ đội bóng cũ ở trận đại chiến ở thành Manchester, dù Persie đã ghi bàn mở tỷ số nhưng anh không hề ăn mừng như những lần ghi bàn trước đó. Cuối trận, trong khi các đồng đội khác mải mê ăn mừng thì anh vội chạy đến với ôm chầm và tri ân thầy cũ của mình, một nghĩa cử thật là cao đẹp làm sao, xứng đáng để người đời ca tụng…

Và Bàng Quyên Emmanuel Adebayor – kẻ phản thầy hại bạn đáng ghét

Giống như Bàng Quyên thời Chiến quốc, Emmanuel Adebayor xuất thân từ một miền quê Lomé nghèo khó vẫn còn nội chiến ác liệt ở đất nước Togo xa xôi, chính vì điều đó đã tạo nên một tính cách Adebayor như hiện nay: đó là một con người tham lam, ích kỷ, rất hay nói xấu thầy và có chút gì đó tàn độc

Dưới sự dìu dắt của “Quỉ cốc” Arsene Wenger anh đã phát triển sự nghiệp rất nhanh, nhưng có tài thường đi đôi với tật, với lòng tham sẵn có, ý thức được tầm quan trọng của mình đối với đội bóng anh đã đòi tăng lương, không được đáp ứng thì đòi ra đi, và anh ta cũng chuyển đến lập nghiệp ở CLB Man city của thành phố Manchester, khi đến đây anh ta đã quay lại nói xấu thầy và đồng đội trên mặt báo.

Mọi tính xấu của Adebayor đã thể hiện hết ra trong trận đấu giữa hai đội Man City và Arsenal vào tháng 9 năm 2009: Trong trận này anh đã thể hiện sự ác tâm của mình khi cố tình dẫm vào mặt “Tôn Tẫn” Van Persie đến chảy máu, sau đó là màn ăn mừng mang đầy tính khiêu khích trước nhóm cổ động viên của Arsenal sau khi ghi bàn vào lưới đội bóng cũ, trong phút giây ấy, người đau đớn nhất có lẽ là “Quỉ cốc” Wenger khi bị chính học trò cũ của mình đâm cho một nhát dao chí mạng.

Giờ đây như chúng ta đã biết, lòng tham của Emmanuel Adebayor đang khiến anh phải trả giá: Sau khi một mực đòi ra đi, Adebayor đã được Man City tạo điều kiện ra đi để đến Tottenham nhưng lại không chịu ra đi nếu BLĐ không chịu trả nốt số tiền lương chênh lệch 70.000 bảng mà anh phải chịu thiệt khi chuyển đến CLB Tottenham nghèo hơn. Chính vì sự tham lam đó mà anh đã chuyển đến Tottenham quá muộn. Còn hiện tại, niềm tin của HLV AVB đã dành trọn cho Defoe, và Adebayor phải làm quen với ghế dự bị. Rồi chính vì phải dự bị quá nhiều mà "con ngựa chứng" này lại dùng rằng đòi bỏ Tottenham ra đi nếu không được đáp ứng yêu cầu đá chính. Thật giống hệt như một Bàng Quyên “ăn cháo đá bát” mà….

Thay cho lời kết: “Cuộc đời quả là có luật nhân quả, ở hiền gặp lành, “Tôn Tẫn” Van Persie suốt cuộc đời cẩu thủ luôn thể hiện mình là một con người khiêm tốn chịu khó học hỏi và vươn lên, được bạn bè quí mến, còn “Bàng Quyên” Emmanuel Adebayor lại là một con người tham lam, ích kỉ, chỉ biết bản thân và có một chút gì đó ác độc, có vẻ như đang phải trả giá vì những hành động “phản thầy hại bạn” do mình tự gây ra. Nhân chuyện đời xưa để nói chuyện thời nay như vậy thôi, còn phần kết của “Tôn Tẫn” Van Persie và “Bàng Quyên” Emmanuel Adebayor trong thời chiến quốc NHA như thế nào hãy để người đời tiếp tục bình luận và xin đợi hồi sau phân giải…

(Theo Bongda.com.vn)

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X