Thứ Hai, 23/12/2024Mới nhất
Zalo

Messi sẽ là thánh, nếu…

Thứ Hai 17/12/2012 17:45(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Tôi không phải là người hâm mộ Lionel Messi lắm, bởi nhìn anh thi đấu, tôi vẫn thấy như thiếu một cái gì đó để làm nên một huyền thoại đích thực của làng túc cầu thế giới. Có lẽ vì thành công của anh nhận được quá nhiều sự ưu ái của câu lạc bộ, của các đồng đội đã không biết mệt mỏi khi cố làm bóng cho anh thoải mái ghi bàn. Nhưng hơn hết, ngoài thành tích đạt được ở câu lạc bộ, tôi thấy anh chẳng có gì khác nữa.

Một cầu thủ bóng đá thành danh ở cấp độ câu lạc bộ, với tôi, mới chỉ đạt 1/3 tiêu chí để trở thành một huyền thoại đích thực. Bởi suy cho cùng, ở câu lạc bộ, từ Chủ tịch cho đến cầu thủ, họ đều lấy hiệu quả kinh tế làm đầu, sau đó là để đánh bóng cho tên tuổi của mình và cũng là nơi để các ông chủ thể hiện sự “chơi trội” của các bậc đại gia.

Thiếu World Cup, Messi có thành huyền thoại
Thiếu World Cup, Messi có thành huyền thoại?

Hãy nghĩ lại xem, với Pelé, thế giới nhớ tới ông với kỷ lục ghi nhiều bàn thắng nhất thì ít, mà người ta tôn ông lên làm “Vua” bởi chính ông đã cùng đồng đội giúp Brasil giữ vĩnh viễn chiếc cúp Nữ thần vàng sau ba lần đoạt chức vô địch thế giới vào những năm 1958, 1962 và 1970, với trận chung kết được xem là trận cầu kinh điển của bóng đá thế giới. Hẳn người hâm mộ còn nhớ rằng, tại World Cup 1966 ở Anh trước đó, đội tuyển Brasil, ứng cử viên nặng ký cho chức vô địch đã phải ngậm ngùi chia tay sớm cuộc chơi vì người hùng Pele của họ phải thường xuyên rời sân trên băng cán vì những lỗi ác ý của cầu thủ đối phương, đến nỗi “nhà vua tương lai” lúc đó đã bột phát thề không bao giờ đá bóng nữa. Thế nhưng 4 năm sau đó, “Ngài” đã cùng đồng đội có một sự báo thù ngọt ngào tại World Cup 1970 như ta đã biết. Ngoài chuyện đó, người ta còn nhớ tới ông với những cống hiến lớn lao cho nền bóng đá nước nhà và thế giới. Ký ức của tôi về Pelé cũng từ những sự kiện nổi bật này, còn lại những gì ông thể hiện ở các câu lạc bộ, có lẽ không còn ai nhớ và cũng không muốn nhớ nữa, vì thế là đủ.

Tương tự như thế, “Hoàng đế” Beckenbauer, rồi Cậu bé vàng Maradona với “bàn tay của Chúa” ở World Cup 1986 – đó là trận chung kết mà người ta chỉ còn nhớ mỗi một cái tên: Maradona. Hay gần đây là “Người ngoài hành tinh” Ronaldo, những pha bóng làm mưa làm gió của anh ở các câu lạc bộ của Tây Ban Nha chẳng là gì hết nếu không đột nhiên bị “động kinh” ở trận chung kết với Pháp năm 1998 khi chiếc cúp lần thứ năm gần như đã nằm trong tay Brasil theo đánh giá của giới bình luận lúc đó. Nhưng người ta đã chứng kiến sự trở lại diệu kỳ sau đó của chàng răng thỏ tại kỳ World Cup 2002 khi giúp Brasil lần thứ năm chinh phục đỉnh cao của bóng đá thế giới và đoạt luôn danh hiệu Vua phá lưới của giải sau 4 năm chìm ngập trong chấn thương và điều ong tiếng ve từ dư âm của trận chung kết với Pháp 4 năm trước đó.

Các “cựu hoàng” bóng đá thế giới, mỗi người một vẻ, nhưng ngoài tài năng ra, một điều quan trọng khác khiến người hâm mộ tôn vinh họ chính là họ đã biết vượt qua số phận ở những thời điểm cam go nhất của cuộc đời cầu thủ, và trên hết, đó là những thành công mà họ mang lại trong mầu cờ. sắc áo của đội tuyển quốc gia. Thiếu điều này, họ khó có thể trở thành bất tử trong lòng người hâm mộ.

Ở Messi lại khác, mọi chuyện diễn ra đối với anh ấy dễ dàng và… đơn điệu quá: nhận một mức lương khủng tại câu lạc bộ, bên cạnh anh là một dàn gồm những tiền vệ tài hoa mà câu lạc bộ giữ lại để tạo nên một bệ phóng hoàn hảo cho anh bay cao, xô đổ hết những kỷ lục này đến kỷ lục khác. Anh như đang đi trên con đường trải thảm nhung mềm mại. Chưa có một thử thách thực sự nào đến với Messi trên con đường sự nghiệp.

Và tôi ước gì con đường anh đi gập ghềnh hơn một chút để “vàng” kia biết thử “lửa” là gì…

Và đối với người dân quê mình, đến giờ anh cũng nhạt nhòa như bao cầu thủ đánh thuê khác cho dù sự kỳ vọng của họ về anh chưa bao giờ tắt. Người dân Argentina và các fan của Messi và cả tôi cũng vẫn hy vọng rằng một ngày nào đó, Messi cùng đồng đội được một lần giương cao chiếc cúp Vô địch Thế giới để trở thành một trong những vị “Thánh bất tử” của làng cầu thế giới.

Cuộc đời cầu thủ thì ngắn ngủi, mà tháng sáu năm nay anh đã bước sang tuổi 25. Và cơ hội đó chỉ còn có thể đến với anh ở tuổi 29 nếu Argentina giành vé tham dự World Cup sắp đến tại Brasil vào năm 2014. Vì đến thêm một kỳ World Cup nữa, không ai còn có thể hy vọng thấy anh trong mầu áo đội tuyển quốc gia khi đã bước sang tuổi 33.

Điều kỳ vọng này xem ra khó khăn quá đối với Messi. Mà nếu thật thế thì cũng âu đành vậy!

(Theo Bongda)

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X