Trên sân có hai kiểu cầu thủ, một chiến đấu vì đội bóng, vì niềm tự hào được ra sân và cống hiến cho tập thể, còn một kiểu khác, đặt màn trình diễn của cá nhân lên trên hết, đá vì những đồng tiền. Trên khán đài cũng có hai kiểu người hâm mộ, một yêu đội bóng, yêu cầu thủ bằng sự giản dị nhưng vững chãi của tình yêu, còn một chỉ mang lại những tiếng hò reo khi thắng trận…
M.U là rất nhiều điều
Trước hết M.U là một đội bóng lớn, được dẫn dắt bởi Sir Alex Ferguson - một huyền thoại trong nghề nghiệp của ông. Để duy trì vị thế của mình suốt hơn hai thập kỷ, M.U có sự bất khuất của một đoàn quân, với phù hiệu trên áo là quốc kỳ, những bài hát hào hùng ở Old Trafford là quốc ca, các cầu thủ là những chiến binh cảm tử, và Sir Alex là vị tướng chỉ huy bằng kỷ luật thép. Máu đã từng đổ trên những gương mặt Smalling, Smith, Vidic, Beckham,… mồ hôi là vô hạn, tất cả để đánh đổi từng trận thắng, từng danh hiệu, hay thậm chí chỉ là từng trái bóng giữa hàng trăm pha tranh chấp mỗi lần ra sân.Man Utd, nơi cảm xúc thăng hoa
Luôn có một sự đồng lòng, đoàn kết bất thành văn phải được tuân thủ dưới thời Sir Alex, dẫu có bao nhiêu ngôi sao sáng đã đi qua bầu trời Old Trafford, họ cũng không bao giờ được sáng hơn chiếc phù hiệu “Quỷ đỏ”, không bao giờ được quên những người đồng đội cùng mình làm nên chiến thắng, không bao giờ được phép huyễn hoặc bản thân vì những ngợi ca của báo chí. Những Paul Ince, Jaap Stam, Beckham ngày trước, rồi Morrison, Pogba hiện tại, họ không thể trách ai khi đã tự loại mình khỏi khối thống nhất M.U.
Không chỉ đi lên bằng sự sắt đá, Sir Alex được gọi là “Sir” bởi ông còn biết biến M.U thành một gia đình, một hình mẫu câu lạc bộ có tính kế thừa, có sự tri ân, có tình yêu của từng cầu thủ với mỗi trận đấu được khoác áo, với mỗi người đồng đội được đá cùng, và Sir chính là Người Cha dạy cho họ tất cả những điều đó một khi là thành viên “Quỷ đỏ”. Ý thức chuyên nghiệp và tình yêu đủ lớn sẽ giúp người ta vượt qua những ích kỷ cá nhân, sự trân trọng màu áo đỏ khiến không một cầu thủ nào quên đâu mới là cái đích lớn nhất khi mình thi đấu.
Người ta đã từng bắt lấy gương mặt thất thần như “mất nghiệp” của Evra khi Buttner ra mắt ghi bàn, nhưng hôm nay đó là một “đội phó” vừa thi đua vừa chỉ bảo người đàn em để cùng nhau vững vàng nơi cánh trái. Evra đã biến lòng kiêu hãnh bị động chạm thành những màn trình diễn tích cực, nhưng rồi khi có bàn thắng anh cũng không tỏ ra ngạo mạn, chỉ đơn giản dành tặng người hâm mộ một “trái tim” xếp bằng hai tay. Người ta cũng đã bắt được rất nhiều lần hình ảnh Chicharito ngồi không trên ghế dự bị suốt trận đấu mà không được nhắc tên, đã đồn đoán về anh như một kẻ hết thời muốn tháo chạy, nhưng giờ thì sao? “Hạt đậu nhỏ” đến với M.U bằng rất nhiều cái duyên nhưng cũng rất nhiều hạn chế, anh đã chấp nhận mọi thử thách, mọi khó khăn khi phải cạnh tranh, đã tập luyện chắc chắn là kinh khủng để vượt qua những hạn chế của chính mình, để biết đi bóng, biết qua người, biết kiến tạo, và quan trọng nhất là tìm lại cảm giác nổ súng khi đội bóng cần mình nhất. Đằng sau bàn tay run của Sir Alex ngày nào là một M.U mới lại được dựng xây, và ở tuổi của ông, chỉ có tình yêu, chỉ có phép thần mới giữ những khát khao được tràn trề đến thế.
Tình yêu màu đỏ
Với một đội bóng như thế, làm sao có thể ngừng yêu. Đổi lại những nỗi thất vọng hàng thủ lại là sự bất khuất tiến lên của toàn đội trong thế khó, đổi lại những phút bù giờ đau tim là những chiến thắng tuyệt diệu kiểu “rùa”, đổi lại cảm giác tê mặt khi thua trận là niềm vui được thấy những chiếc áo M.U vẫn đó đây ngoài đường trong ngày mới… những thứ đó làm nên mối tình của một Manucian đúng nghĩa.
Đời người là vậy, có những đêm giàu cảm xúc như ở Moscow nơi John Terry trượt chân và Van der Sar trở thành bất tử, cũng có những ngày buồn với bàn thắng phút bù giờ của Aguero khi chức vô địch đã chạm được bằng tay. Có thể, rất nhiều trong số các fan đến với M.U là từ những thành công của đội bóng, từ những ngôi sao đã đến và đi, song sẽ chẳng khó gì để nhận ra ngoài những điều ấy, ai là người thực sự chảy trong mình “dòng máu quỷ”. Người ta sẽ chẳng tắt ti vi dù chỉ một giây trước khi trọng tài thổi còi kết thúc, người ta sẽ chẳng chê trách cầu thủ nào lâu khi trận đấu đã qua rồi, người ta không đòi Sir Alex từ chức vì một trận thua, không đòi Giggs giải nghệ vì vài pha mất bóng, không đòi gì hết vì họ biết rằng tất cả đó là M.U, M.U thắng, M.U thua, người chơi hay, người chơi dở, Sir đúng hoặc sai lầm, thì sau cùng đó vẫn là đội bóng mà họ yêu.
Có hạnh phúc nào hơn mong ngóng từng tuần làm việc, học tập qua đi để thấy M.U lại đá, hồi hộp suốt một đêm dài mỗi lượt Champions League diễn ra, chỉ để giải trí thôi nhưng những cảm giác đó sẽ chẳng ai đành để mất đi trong cuộc sống. Người M.U biết là không hay khi Young ăn vạ, biết là không đúng khi trọng tài “tặng” penalty, nhưng bỏ lại những đàm tiếu của antifan, gian lận chưa bao giờ là bản chất của M.U - rất thiểu số so với nhiều đội khác, được nâng đỡ chưa bao giờ là cách M.U vô địch - thậm chí từng bị ngược lại, người M.U biết câu lạc bộ không hoàn hảo, không thánh thần, không đến từ hành tinh nào đặc biệt, họ chỉ vui miệng gọi cho sướng lúc M.U đá hay rằng: “M.U vô đối”. Đó chỉ có thể là M.U, là một thứ tình yêu màu đỏ, màu áo mà chỉ nghĩ đến thôi là đã yêu rồi -theo cách nhìn của những Manucian chân chính.
(Theo Bongda)