Thứ Tư, 15/01/2025Mới nhất
Zalo

Khoảng trống thế hệ sau ASEAN Cup 2024 của ĐT Việt Nam

Thứ Ba 14/01/2025 11:13(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
Chức vô địch ASEAN Cup 2024 đã thuộc về ĐT Việt Nam một cách xứng đáng, nhưng danh hiệu ấy cũng đi cùng với nỗi lo về tính kế thừa ở đội tuyển lúc này.

Nhạt nhòa sao trẻ

Dấu ấn của những cựu binh tại ASEAN Cup 2024 là rất rõ nét. Bằng tài đắc nhân tâm xuất sắc, HLV Kim Sang Sik đã lấy lại niềm cảm hứng thi đấu cho những cầu thủ kỳ cựu ở đội tuyển. Chính những cái tên như Duy Mạnh, Hoàng Đức, Quang Hải hay Xuân Mạnh đã góp công lớn để giúp đội nhà có lần thứ ba đăng quang khu vực.

Nếu so với lần ĐT Việt Nam vô địch AFF Cup năm 2018, tập thể đăng quang ASEAN Cup 2024 phần lớn là những cầu thủ “già” hơn. Ở lần vô địch năm 2018, ĐT Việt Nam có tới gần một đội hình ở độ tuổi U23. Thậm chí, những cầu thủ ở độ tuổi U21 tại giải đấu năm đó cũng chơi rất xuất sắc, như Quang Hải, Đình Trọng hay Văn Hậu.

Tại giải đấu năm 2024, HLV Kim Sang Sik chỉ gọi đúng ba cầu thủ ở độ tuổi U21, là Khuất Văn Khang, Bùi Vĩ Hào và Trần Trung Kiên. Thế nhưng, đóng góp của cả ba trong hành trình lên ngôi của ĐT Việt Nam lại rất nhạt nhòa khi đặt cạnh các đàn anh.

Khoảng trống thế hệ sau ASEAN Cup 2024 của ĐT Việt Nam 1
Bùi Vĩ Hào là nhân tố trẻ hiếm hoi được tin dùng ở ASEAN Cup 2024

Trung Kiên là cầu thủ duy nhất không được ra sân phút nào, Khuất Văn Khang cũng chỉ có 208 phút ra sân trong cả chiến dịch. Bùi Vĩ Hào là sao trẻ hiếm hoi có đóng góp đáng kể ở giải đấu vừa qua của ĐT Việt Nam. Số 15 chơi 6 trận, với 375 phút trên sân và ghi được 1 bàn thắng. Nhưng Vĩ Hào cũng từng phải chịu rất nhiều chỉ trích vì màn thể hiện có phần cá nhân cùng lối chơi không mấy sáng nước.

Ngay cả những cầu thủ ở độ tuổi từ 22-25 như Hai Long, Thanh Bình (24 tuổi) hay Việt Anh, Tiến Anh (25 tuổi) cũng chỉ chơi ở mức tròn vai trong sơ đồ của HLV Kim. Tóm lại, ĐT Việt Nam vô địch ASEAN Cup nhờ bộ khung của dàn nhân sự ở độ tuổi từ 26-29, độ tuổi được coi là đỉnh cao phong độ của đời cầu thủ. 

Niềm tin của HLV Kim vào những cựu binh trái ngược hoàn toàn với những gì HLV Troussier làm thời còn tại vị. Những cầu thủ trẻ được tin dùng dưới thời HLV người Pháp, như Thái Sơn, Đình Bắc, Văn Tùng đều vắng mặt tại ASEAN Cup 2024. Những sao trẻ ấy không bị loại bởi HLV Kim Sang Sik muốn gạt bỏ “tàn dư” của người tiền nhiệm, mà đơn giản là bởi sự yếu kém về mặt chuyên môn.

Khoảng trống thế hệ sau ASEAN Cup 2024 của ĐT Việt Nam 2
Đình Bắc, người từng ghi bàn vào lưới Nhật Bản ở Asian Cup 2023, đã bị loại khỏi ĐT Việt Nam trước thềm ASEAN Cup 2024

Chức vô địch cho ĐT Việt Nam đã chứng minh rằng lựa chọn của HLV người Hàn là đúng. Nhưng cùng với đó, người hâm mộ cũng phần nào lo lắng về việc ĐT Việt Nam đang thiếu đi một lớp kế cận đủ tiềm năng. Đằng sau chức vô địch ASEAN Cup 2024 là một khoảng trống thế hệ không dễ khỏa lấp.

Nỗi lo sau thành công

Những lo lắng ấy là có cơ sở, bởi trong năm 2024 vừa qua, các tuyến trẻ của bóng đá Việt Nam đã thi đấu không như kỳ vọng. Điển hình có thể kể đến U20 Việt Nam lần đầu vắng mặt tại VCK U20 châu Á sau 16 năm. Dấu ấn của những nhân tố trẻ tại các đội V.League cũng không đủ thuyết phục.

Thực chất, khó có thể yêu cầu quá nhiều ở HLV Kim Sang Sik. Ông chỉ có thời gian ngắn tiếp quản một tập thể ĐT Việt Nam với quá nhiều vấn đề. Chỉ riêng việc mang về chức vô địch thôi đã tốn của thuyền trưởng Kim không ít sức lực. Giờ đây, khi giải đấu qua đi, HLV người Hàn mới có thể nghĩ tới việc đan cài thế hệ vào đội tuyển.

Khoảng trống thế hệ sau ASEAN Cup 2024 của ĐT Việt Nam 3
HLV Kim Sang Sik đối diện nỗi lo kế thừa ở ĐT Việt Nam sau kỳ ASEAN Cup 2024

Quan trọng hơn, việc cung cấp nhân sự (cả trẻ, cả “già”) cho một ĐTQG không phải nhiệm vụ của HLV tuyển quốc gia. Như trường hợp của ĐT Việt Nam, HLV Kim Sang Sik chỉ nắm phần ngọn. Còn gốc rễ cho việc phát triển đội tuyển, từ việc đào tạo trẻ, tới nâng tầm cầu thủ là nhiệm vụ của các CLB, cũng như giải quốc nội.

Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng cầu thủ trẻ Việt Nam vẫn còn quá thiếu sân chơi để cọ xát. Các giải đấu ở độ tuổi U21, U19, U17 vẫn tổ chức theo thể thức vòng chung kết. Các đội hầu như "tập chay" cả một năm, chỉ để phục vụ cho giải đấu kéo dài ngót một tháng (đã tính vòng loại).

Như trường hợp của nhà đương kim vô địch U21 Quốc gia - HAGL, các cầu thủ đã phải chơi 11 trận trong vòng một tháng. Với mật độ khoảng ba ngày/trận (chưa kể thời gian di chuyển), thể trạng cầu thủ bị ảnh hưởng đáng kể. Kết hợp với điều kiện sân bãi hạn chế, các cầu thủ trẻ luôn phải đối diện với nguy cơ dính chấn thương.

Nói vậy để thấy, hành trình đào tạo ra một lứa cầu thủ đủ năng lực để kế thừa đàn anh ở ĐT Việt Nam còn nhiều những chông gai. Cuối năm nay, đội U22 Việt Nam sẽ lên đường dự SEA Games 32 và người hâm mộ không khỏi lo lắng về lực lượng của đội tuyển tham gia tranh tài tại Thái Lan.

Khoảng trống thế hệ sau ASEAN Cup 2024 của ĐT Việt Nam 4
Những trụ cột ở ĐT Việt Nam hiện tại như Quang Hải hay Duy Mạnh sẽ mấp mé "đầu ba" ở ASEAN Cup 2026

Xa hơn, nếu không thể xây dựng được một lứa cầu thủ kế cận đủ trình độ, ĐT Việt Nam sẽ tranh tài ở ASEAN Cup 2026 với dàn trụ cột ở độ tuổi từ 28-31. Đây chưa phải độ tuổi quá lớn, nhưng đừng quên cầu thủ Việt Nam hiếm khi duy trì được phong độ sau tuổi 29.

Một vấn đề đáng lưu tâm khác là gần như mọi vị trí trong chính dàn trụ cột kể trên đều gặp những chấn thương khác nhau trong thời gian qua. Hai năm không phải quãng thời gian dài, nhưng là đủ để những biến số tưởng chừng như rất nhỏ, tạo ra những biến động khó lường nơi đội tuyển.

Chưa kể, nếu ĐT Việt Nam vẫn còn mơ tới những mục tiêu xa hơn - như châu Á, lực lượng như hiện tại khó lòng đáp ứng. Việc không tạo ra lứa cầu thủ kế cận đủ tốt buộc HLV phải sử dụng một nhóm cầu thủ ở mật độ cao. Mỏi mệt tích tụ đủ lâu sẽ gây ra chấn thương và tàn phá một lứa cầu thủ tài năng. 

Nền bóng đá nào trên thế giới cũng đều phải trải qua giai đoạn chuyển giao thế hệ. Khác biệt nằm ở cách những người làm bóng đá đưa đội nhà vượt qua khó khăn tất yếu để xây dựng nên một tập thể hoàn thiện hơn.

Muốn tạo ra thành công lâu dài cho một đội tuyển, không thể trông chờ tới thời điểm xuất hiện một thế hệ “vàng” và rồi vắt kiệt sức những cầu thủ ở thế hệ ấy. Thay vào đó, cả một hệ thống bóng đá cần chung tay thay đổi để liên tục tạo ra những sự thay thế ở cấp độ ĐTQG.

Chỉ bằng cách này mới tạo ra tiếp nối và sức cạnh tranh cần có ở bất cứ đội bóng nào, qua đó tạo ra một nền tảng bền vững để ĐT Việt Nam ngày một tiến bộ.

Công thức Việt Nam - Hàn Quốc tạo nên chức vô địch ASEAN CupCông thức Việt Nam - Hàn Quốc tạo nên chức vô địch ASEAN Cup
Trong một bài đăng gần đây trang chủ giải đấu ASEAN Cup đã chỉ ra các yếu tố giúp đội tuyển Việt Nam giành chức vô địch khu vực.
Cơn đau đầu từ “virus ASEAN Cup”Cơn đau đầu từ “virus ASEAN Cup”
Trở lại CLB chủ quản, các tuyển thủ Việt Nam vừa vô địch ASEAN Cup 2024 không còn đủ năng lượng để ra sân thi đấu tại Cúp quốc gia 2024/25. Từ đó, hàng loạt cơn địa chấn đã xuất hiện.
Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow