World Cup 2018 - giải bóng đá lớn nhất hành tinh là một chuỗi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, từ vòng bảng cho tơi vòng loại trưc tiếp, nó rất đặc biệt, tạo nên một mùa hè sôi động, vui vẻ cho tất cả mọi người chứ không chỉ riêng quốc gia có đội tuyển tham gia tranh tài.
Từ rất lâu rồi, tình yêu bóng đá đã khắc sâu trong trái tim của những ai yêu thích sự đột biến, tinh thần chiến đấu không ngừng nghỉ mà không phân biệt lứa tuổi, giới tính.
Và rồi, bóng đá trở thành ông vua trong các môn thể thao, là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống tinh thần NHM. Mỗi trận bóng là một thước phim không kịch bản dài hơn 90 phút, đôi khi cần hơn 120 phút và thậm chí là hơn thế mà khi trái bóng chưa lăn trên sân cỏ thì chẳng ai nói trước được điều gì sẽ xảy ra sau đó.
Trong một tháng, World Cup 2018 diễn ra tại xứ sở Bạch Dương đã làm người xem cảm nhận một cách rõ nhất giá trị đích thực mà bóng đá đỉnh cao mang lại.
Cung bậc cảm xúc thay đổi liên tục theo thời gian của trận đấu diễn ra, hồi hộp, khẩn trương, thất vọng, bất ngờ và vỡ òa… nhưng chưa bao giờ khiến người ta từ bỏ.
Khi xem World Cup, nhiều người từ trước đến nay không quan tâm đén bóng đá nhận ra rằng: bóng đá không khô khan như họ vẫn nghĩ, không phải cứ đơn thuần là chuyền bóng, rê dắt qua người, sút bóng vào gôn mà từng đường bóng trên sân chính là nhịp tim của cổ động viên mà từ khi trái bóng lăn tim cũng đã lăn theo rồi.
Việt Nam không có đội tuyển tham dự kì giải đấu lần này và có lẽ cũng phải kiên nhẫn chờ đợi thêm ít nhất một kì World Cup nữa thì bóng đá nước nhà mới “đủ lông đủ cánh” để vươn tầm ra thế giới.
Vì vậy, nghiễm nhiên khi xem, mỗi người sẽ lựa chọn một đội bóng mà mình yêu thích nhất, đặt niềm tin họ sẽ vô địch để theo dõi và cổ vũ thì sẽ thú vị hơn rất nhiều so với tư cách của một fan trung lập.
Giải đấu bóng đá hấp dẫn nhất hành tinh quy tụ đầy đủ những ngôi sao hàng đầu, những đội bóng đẳng cấp nhất thế giới. Tuy nhiên, kết quả của một trận cầu lại chẳng có gì liên quan đến những con số thống kê trước đó như thành tích đối đầu, sự chênh lệch vị trí trên BXH FIFA hay số lượng ngôi sao trong đọi hình mỗi đội.
Vì lẽ đó mà trong trận ra quân, tuyển Argentina đã bị Iceland cầm hòa để rồi gặp bất lợi lớn trong việc dành vé vào vòng knock-out trong khi họ có một cầu thủ được xem là xuất sắc nhất thế kỷ XXI là Lionel Messi.
Nhưng điều mà người ta thấy ở đội đương kim á quân là sự chủ quan, thi đấu thiếu quyết tâm với hàng thủ lỏng lẻo, phụ thuộc quá nhiều vào sự tỏa sáng của một cá nhân.
Trong khi đó, ĐTQG của một dân tộc hơn 300 000 dân là Iceland lại thi đấu bằng một tâm thế “biết mình biêt người’ với tinh thần chiến đấu quả cảm khiến người xem phải khâm phục. Mặc dù chỉ là một trân hòa nhưng đó là minh chứng đầu tiên cho sự quyết tâm thắng lại đẳng cấp tại giải đấu lần này.
Messi tạm biệt người hâm mộ trước khi rời giải |
Đáng thất vọng hơn khi “cỗ xe tăng” Đức với dàn sao chói sáng lại để thua một cách bạc nhược trước một Mexico được đánh giá thấp hơn rất nhiều.
Bàn thắng của Lozano vào lưới của thủ thành Neuer là gáo nước lạnh thức tỉnh những đội chân trên mây, ngủ quên trên chiến thắng. Nhưng, những gì mà các học trò của HLV Joachim Loew làm được chỉ là chiến thắng nghẹt thở ở những phút cuối trận trước Thụy Điển và trận thua đáng quên trước Hàn Quốc – một đại diên đến từ châu Á.
Có lẽ, sự bình yên của họ chỉ kéo dài cho đến khi chiếc máy bay hạ cánh về tới quê nhà bởi sự thất vọng mà các nhà cựu vô địch mang lại là quá lớn.
Đến đây cũng phải nói về bóng đá Việt Nam một chút. Chắc chúng ta vẫn chưa quên kì tích của U23 Việt Nam hồi cuối tháng 1 vừa rồi. Người Việt Nam may mắn hơn bất kì quốc gia nào trên thế giới khi chỉ trong vòng 6 tháng lại có thể chứng kiến không khí của “2 kì World Cup” khi thực tế 4 năm mới diễn ra một lần.
U23 là minh chứng gần gũi cho hình ảnh một đội bóng “lót đường” có thể đánh bại một đội bóng giàu thành tích nhất giải là Iraq hay ứng cử viên hàng đầu cho chức vô địch là Qatar.
Không có gì là không thể khi hành trang mang theo là sự tự tin, quyết tâm và niềm tin chiến thắng của toàn dân tộc. Đội tuyển U23 Việt Nam bước vào vòng CK U23 Châu Á với tâm thế “làm được một điều gì đó bất ngờ” chứ không phải là để “cọ xát,học hỏi” mà nhiều người vẫn nghĩ trước đó. Và kết quả là các chiến binh đã vượt qua mọi đối thủ để ghi tên mình vào trận đấu cuối cùng.
Là khập khiễng nếu so sánh giải đấu cấp U của một châu lục với giải đấu bóng đá lớn nhất thế giới. Cũng không đúng nếu đưa một đội trẻ ”non nớt” với nhiều cái tên ở độ tuổi 18,19 của một quốc gia ngấp nghé vị trí số 1 Đông Nam Á với một ĐTQG kì cựu dày dặn kinh nghiệm của nền bóng đá hàng đầu châu Á là tuyển Nhật Bản lên bàn cân.
Nhưng khi theo dõi hành trình tại Nga của những "chiến binh Samurai xanh”, người ta lại liên tưởng đến con đường bước vào trận chung kết của U23 VN hồi đầu năm.
Tuyển Nhật Bản bước vào trận đấu với muôn vàn khó khăn. So với các đội khác cùng bảng, thứ hạng của đội không cao (61 trên BXH). Còn U23 cũng chẳng khác gì khi bị đánh giá thấp nhất bảng, hoàn toàn lép vế so với Hàn Quốc, Úc hay Syria trước khi bước vào giải.
Nét tương đồng tiếp theo là tình hình chiếc ghế nóng đầu tàu. Hồi tháng 4 vừa qua, LĐBĐ Nhật Bản đã sa thải HLV Vahid Halihodzic sau chuỗi 5 trận không được nếm mùi chiến thắng.
Sau đó không lâu, tân HLV nội Akira Nishino được bổ nhiệm thay thế nhưng ông đã có màn ra mắt không thành công khi đội nhà thua cay đắng 2-0 ngay trên sân nhà trước Ghana.
Về phía Việt Nam, thất bại đau đớn của “thế hệ vàng” tai SeaGames 29 là cú sốc dập tắt hi vong của NHM cả nước về chức vô địch và tham vọng đánh bại U23 Thái Lan. HLV Hữu Thắng buộc phải từ chức và quyết định thay thế cuối cùng là HLV Park Hang Seo - người Hàn Quốc.
Tuyển Nhật Bản là niềm tự hào của bóng đá Châu Á tại World Cup. Đất nước “măt trời mọc” đã có 7 lần liên tiếp có mặt ở VCK sau bất ngờ từ năm 1998.
ĐT Nhật cùng Iran là 2 trong 5 đại diện châu Á dành trọn 3 điểm trong trận ra quân. Nếu như chiến thắng của Iran là “món quà” mà tiền đạo Bouhaddouz (Ma-rốc) dành tặng vào phút bù giờ thì chiến thắng của Nhật Bản là hoàn toàn thuyết phục trước một đội bóng mạnh đến từ Nam Mỹ dù trước đó họ gặp phải tin buồn ở quê nhà về trân động đất tỉnh Osaka.
Họ đã thắng, xoa dịu bớt nỗi mất mát, đau thương do thiên tai gây ra. Dù không thể chiến thắng “Qủy đỏ” để tiếp tục nối dài thành tích xuất sắc nhưng những gì họ làm được đáng để NHM châu Á tự hào.
Giống như lời phái biểu của chủ tịch FIFA, World Cup 2018 mang lạii những cảm xúc thật sự khó quên. Nếu như có đội bóng nào luôn bị giới chuyên môn đánh giá thấp hơn so với năng lực thì đó chinh là tuyển Croatia.
Trước khi giải đấu khởi tranh, Đức, Argentina, Tây Ban Nha luôn được nhắc đến như những ứng cử viên sáng giá cho chức vô địch thì thầy trò HLV Dalic chỉ đơn giản là một trong những đại diện đến từ châu Âu.
Nhưng khi vòng bảng bắt đầu thì tất cả mới nhận ra được sức mạnh của đội bóng đến từ đất nước giáp biển Adriatic. Là đội bóng hiếm hoi duy trì thành tích bất bại tại vòng bảng, đánh bại đội Á quân với tỉ số 3-0, dành vé vào vòng loại trực tiếp qua 2 lượt trận, Croatia xứng đáng được đối xử công bằng...
Trái ngược với sự dễ dàng ở 3 trận trước đó, hành trình khó khăn của họ bắt đầu ở vòng đấu một mất một còn. Croatia có thời gian thi đấu dài nhất tại giải với 3 trận liên tiếp đá 120 phút, trong đó có 2 trận phân thắng bại trên loạt đá luân lưu cân não, luôn phải trong tình thế bị dẫn bàn nhưng họ vẫn thắng.
Vượt qua lần lượt các đối thủ Đan Mạch, Nga, Anh, các học trò của HLV Zlatko Dalic đã làm nên lịch sử đối với nền bóng đá của một quốc gia hơn 4 triệu dân: ghi tên mình vào trận chung kết.
Đề rồi cả thế giới phải thừa nhận lời của Dalic: “Họ không nên tự nhận mình là chuyên gia bóng đá bởi họ không thể nhìn nhận được sức mạnh của chúng tôi’.
Dù liên tục lên tiếng khẳng định về vấn đề thể lực trong khi tất cả đều hiểu được sự mệt mỏi của các cầu thủ Croatia sau hơn 360 phút bào mòn cơ thể.
Thêm vào đó, họ còn gặp bất lợi hơn khi Pháp - đối thủ của họ ở trận đấu cuối cùng nghỉ nhiều hơn 1 ngày. Croatia bước vào trận cầu ước mơ với đôi bàn chân rướm máu nhưng bằng trái tim tràn đầy nhiệt huyết và quyết tâm mang cup vàng về với dân tộc.
Luka Modric và đồng đội luôn luôn chiến đấu hết mình, không bao giờ có khái niệm “bỏ cuộc” dù trận đấu có khắc nghiệt với họ đến đâu. Vậy tại sao phải buồn bã khi thua cuộc? Xét cho cùng đó cùng đó cũng là “nỗi đau khổ vĩ đại”.
Đã bao lâu rồi chúng ta không được chứng kiến một trận chung kết hấp dẫn đến như thế. Một trận đấu hội tụ tất cả những yếu tố kịch tích đến nghẹt thở, có sự tỏa sáng của các siêu sao như Mbappe, Pogba hay Perisic, có sự sai lầm của các cá nhân như Manzukic, đội trưởng Pháp... đặc biệt là sự xuất hiện của công nghệ VAR.
Những pha ăn miếng trả miếng, tấn công chớp nhoáng và cả những pha làm bàn xuất sắc đã đưa người xem lạc vào một thế giới chỉ có bóng đá. Sau khi hồi còi kết thúc của trọng tài người Argentina vang lên, tất cả như bừng tỉnh, “Gà trống Gaulois” dành chiến thắng thuyết phục với tỉ số 4-2 trước các chiến binh Croatia.
Trong bóng đá, việc được bước lên bục nâng cao chiếc cup quý giá là một điều vinh quang nhất. ĐT Pháp đã làm được điều đó.
Nhưng đôi khi, phần thưởng vô giá đối với các cầu thủ là được chiến đấu vì tinh thần tập thể, vượt qua giới hạn của bản thân, đáp lại tình cảm thiêng liêng của người hâm mộ. Thầy trò HLV Dalic có thể tự hào về điều này, họ đã là nhưng nhà vô địch trong lòng khán giả.
World Cup 2018 đã khép laị, cup vô địch thì chỉ có 1 nhưng người chiến thắng thì rất nhiều. Đã đến lúc họ trở về với quê hương để được chào đón như những người hùng thực sự./.
Bài dự thi Ấn tượng World Cup
Tác giả: Trần Huy Ngọc