Chủ Nhật, 22/12/2024Mới nhất
Zalo

Bài dự thi "Ấn tượng World Cup": Messi và tấn bi kịch về giấc mộng Kinh Kha

Thứ Tư 04/07/2018 14:13(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
Cuối cùng thì điều gì cần đến nó cũng đã phải đến, Messi và đồng đội đã không thể có thêm một lần may mắn để bước qua cửa tử. Giấc mộng World Cup cũng gần như kết thúc với La Pulga sau kỳ World Cup lần này.
Tĩnh tâm lại, bỏ qua những yếu tố về mặt cảm tính, chúng ta có thể khẳng định, thất bại của Argentina trước đội tuyển Pháp là điều đã được dự báo trước. Chỉ có những người vì quá yêu Messi và Albiceleste không muốn tin điều này, đơn giản vì họ không dễ gì chấp nhận sự thật phũ phàng đó.
 
Dù cho may mắn đã có những lúc đứng về phía Messi và các đồng đội, nhưng vị thần may mắn đó vẫn không thể nào cứu nổi Argentina trong bối cảnh người Pháp đã xuất sắc hơn hẳn.
 
Argentina phải dừng bước đương nhiên là nỗi buồn khó nuốt trôi với những ai yêu mến họ. Nhưng, người đáng buồn và đáng thương nhất đương nhiên phải là Messi. Ở tuổi 31, gần như đây sẽ là kỳ World Cup cuối cùng của La Pulga.

Nếu có điều thần kỳ xảy ra, sau 4 năm nữa anh có thể góp mặt thì chắc chắn vị thế của Messi sẽ hoàn toàn thay đổi. 
 
Vậy là, đã chẳng có cúp vàng nào cho Messi cả, người Argentina hoàn toàn vỡ mộng về một Diego Maradona đệ nhị. Messi hoàn toàn không phải là “cậu bé vàng” năm xưa để dẫn dắt Albiceleste đi tới đỉnh vinh quang. Thay vào đó, anh chỉ làm người Argentina càng thêm nuối tiếc và đau khổ.
Messi và tấn bi kịch về giấc mộng Kinh Kha hình ảnh
Messi cúi đầu xin lỗi fan hâm mộ 
Công bằng mà nói, Messi hoàn toàn không có lỗi, anh đã chiến đấu bằng tất cả những gì mình có để đổi lấy giấc mơ World Cup, nhưng có lẽ Messi đã sinh nhầm thời.

Trong bối cảnh bóng đá Argentina mất cân bằng nghiêm trọng, thừa mứa những cầu thủ tấn công, nhưng thiếu tài năng ở tuyến dưới, để rồi bao năm qua vẫn cứ phải “lấy công bù thủ”, luôn chỉ biết nhìn về Messi để mà hy vọng.

Nhưng Messi thì sao, anh rốt cuộc cũng chỉ là người bằng xương bằng thịt, dù tài năng đến mấy cũng không thể đủ sức để kéo cả “đoàn tàu” tiến về phía trước.
 
Do đó, sự thất bại của Messi ở sân chơi World Cup không chỉ đơn thuần là thất bại của một cá nhân, thất bại của một đội tuyển, mà đó là thất bại của một triết lý bóng đá được áp dụng hơn chục năm nay ở Argentina.

Họ đã quá chú trọng vào việc xây dựng đội bóng quanh quẩn một cá nhân. Để rồi hôm nay triết lý đó đã hoàn toàn thất bại.
 
Có thể sẽ hơi khập khiểng, nhưng câu chuyện của Messi và ĐT Argentina khiến tôi suy nghĩ về chuyện tráng sĩ Kinh Kha đi hành thích Tần Thủy Hoàng.

Những ai từng tìm hiểm về chuyện này sẽ nhận ra, Kinh Kha đi hành thích Tần Vương trong bối cảnh mà nước Yên của Thái tử Đan đã ở rất gần với sự suy vong. Họ không đủ binh lực để chống lại nhà Tần thôn tính, nên đã “cố cùng liều thân” đi ám sát đối thủ để mong cứu lấy mình.

Đây rõ ràng là một kế sách hoàn toàn sai lầm, từ cổ chí kim không nước nào thành công theo kiểu chộp giật như thế. Người ta chỉ thành công khi có một kế sách trị nước rõ ràng và đúng đắn. Không ai đặt cả tương lai dân tộc vào một người mãi võ.
 
Thêm nữa, Kinh Kha giỏi thật đấy, nhưng bên cạnh ông là người bạn Tần Vũ Dương yếu đuối, để rồi khi đối diện với Tần Thủy Hoàng đã “thần hồn át thần tính” dẫn đến bại lộ và thất bại. Cái chết của Kinh Kha chỉ khiến cho đời sau thêm chua xót cho ông, tráng sĩ đã ở bước đường cùng.
 
Câu chuyện của Messi và ĐT Argentina ở đây cũng gần như thế. Nền bóng đá nước này với lịch sử trăm năm hào hùng đáng ra phải có được một tầm nhìn tốt hơn, thay vì chỉ biết trông ngóng vào một cá nhân kiệt xuất.

Đành rằng, họ từng có một Diego Maradona kéo Albiceleste tới đỉnh vinh quang, nhưng đó đã là chuyện của 32 năm trước. Bóng đá ngày nay đã thay đổi rất nhiều, muốn vô địch World Cup phải sở hữu một đội hình đồng đều trên tất cả các tuyến.
 
Cũng như Kinh Kha năm xưa thất bại bởi bản lĩnh yếu kém của người bạn đi cùng, Messi xuất sắc thật đấy nhưng khi bên cạnh là những đồng đội hoặc đã hết thời hoặc đẳng cấp không tương xứng, làm sao có thể giúp anh chiến thắng. 
 
Năm xưa, Thái tử Đan mất nước vì chỉ biết trông chờ vào Kinh Kha, đặt trong bối cảnh các HLV của ĐT Argentina cũng vậy. Họ chỉ biết xây dựng một đội bóng phục vụ cho mình Messi và trông chờ vào anh tỏa sáng trong từng trận đấu thay vì chú tâm xây dựng nền tảng sức mạnh tập thể. Đó rõ ràng là một cách làm thụ động.
 
Sự thất bại của những “đội bóng một người” như Argentina hay Bồ Đào Nha tại World Cup lần này trong chừng mực nào đó sẽ để lại nhiều bài học cho những nền bóng đá khác đang ấp ủ âm mưu hóa rồng.

Bóng đá là môn thể thao tập thể, vì vậy, hãy lấy sức mạnh tập thể làm kim chỉ nam. Một đội tuyển thất bại là thất bại của cả nền bóng đá chứ chẳng phải riêng gì một cá nhân.

Bài dự thi Ấn tượng World Cup
Tác giả: Nguyễn Thanh Điệp

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X